Báo chí – “bệ đỡ” nâng tầm thương hiệu Việt
Kinhtedothi - Với độ tin cậy, cùng các bước kiểm duyệt kỹ càng thông tin trước khi đưa lên mặt báo, báo chí chính thống là kênh truyền thông không thể thiếu, góp phần lớn vào sự lan toả thương hiệu của DN đến gần hơn với công chúng.
Lan tỏa giá trị thương hiệu, thông tin sản phẩm rộng rãi
Báo chí – truyền thông là một trong những kênh truyền thông, marketing quan trọng, uy tín để DN thể hiện, khẳng định vị thế, uy tín, thương hiệu, sản phẩm dịch vụ của mình với khách hàng, thị trường và nền kinh tế. Bên cạnh đó, báo chí góp phần hỗ trợ, thúc đẩy DN nhỏ phát triển trở thành DN sẽ có tác động rất lớn trên thị trường. Các DN rất cần báo chí nêu lên những câu chuyện trong kinh doanh, tuyên truyền quảng bá sản phẩm dịch vụ cũng như phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong phát triển, đề xuất kiến nghị giải pháp tháo gỡ. Thông qua báo chí, những thông tin này sẽ đến các cơ quan quản lý Nhà nước.
Câu chuyện của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk là một trong những ví dụ rõ nét cho sự đồng hành hiệu quả giữa báo chí và DN. Từ một DN Nhà nước sau thời kỳ bao cấp, đến nay Vinamilk đã vươn lên trở thành thương hiệu Quốc gia, giữ vững vị trí hàng đầu ngành sữa Việt Nam và có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đằng sau sự phát triển vượt bậc ấy không thể không kể đến vai trò của truyền thông báo chí - nơi góp phần định vị thương hiệu, phản ánh những nỗ lực đổi mới, minh bạch hóa thông tin và xây dựng hình ảnh DN vì cộng đồng.
Ở góc độ DN, Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Quản lý bền vững Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi cho rằng, bên cạnh việc DN phải đảm bảo sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hướng đến phát triển bền vững, cần thực hiện truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn. Vai trò và tiếng nói của báo chí giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, nâng cao độ tin cậy của người dân với sản phẩm của DN, từ đó nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân có sự điều chỉnh tích cực theo hướng tiêu dùng có trách nhiệm.

Báo chí góp phần nâng tầm thương hiệu Việt.
Cũng đánh giá cao vai trò của báo chí trong quảng bá thương hiệu, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, trong thời đại kỹ thuật số, báo chí, truyền thông đang mở biên độ hoạt động cả về bề rộng và chiều sâu để đạt hiệu quả thông tin cao nhất. “DN như chúng tôi rất cần báo chí để tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác, môi trường kinh doanh, qua đó có thêm kênh định hướng hoạt động và đưa ra quyết định sản xuất kinh doanh, đầu tư; còn báo chí có vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu chiến lược hoạt động, mô hình sản xuất kinh doanh, sản phẩm cho DN” – ông Thân Đức Việt bày tỏ.
Thực tế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, DN có thể tự làm thương hiệu trên môi trường số nhưng theo giới chuyên gia, báo chí vẫn là một trong những kênh truyền thông không thể thiếu của DN, góp phần lớn vào sự lan toả thương hiệu của DN đến gần hơn với công chúng. Khác với các bài quảng cáo thông thường, bài viết báo chí mang những thông tin tự nhiên, hấp dẫn, bổ ích, tạo sự khách quan và đáng tin cậy cho người đọc. Với đặc tính khách quan nên báo chí khi nói về sản phẩm và thương hiệu sẽ chiếm được niềm tin, thay đổi đánh giá của công chúng về DN.
Tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng
Để đồng hành cùng DN lan tỏa thương hiệu, các cơ quan báo chí từ T.Ư đến địa phương đã xây dựng các chuyên mục Doanh nghiệp, Hàng Việt Nam chất lượng cao, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam... Nhờ báo chí, DN Việt không chỉ có thêm kênh quảng bá tin cậy, mà còn nhận được sự đồng hành từ chính sách. Đồng thời, người tiêu dùng trong và ngoài nước hiểu sâu hơn về sản phẩm, biết đến câu chuyện phía sau, và tin tưởng lựa chọn.
Trong bối cảnh kinh tế số, DN không thể chỉ dựa vào các kênh quảng cáo truyền thống mà cần sự hỗ trợ từ báo chí để tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Chẳng hạn, nhiều thương hiệu lớn như VinFast, Viettel hay Masan đã tận dụng báo chí để lan tỏa các chiến dịch truyền thông, giúp sản phẩm và dịch vụ của DN tiếp cận đến hàng triệu người tiêu dùng. Báo chí không chỉ đóng vai trò quảng bá mà còn cung cấp góc nhìn khách quan, giúp DN xây dựng lòng tin với khách hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội thổi phồng công dụng sản phẩm đang gây lên một cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm hàng hóa, báo chí càng khẳng định vai trò của mình.
Chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty CP Mibrand Việt Nam cho biết, DN có thể xây dựng thương hiệu trên các kênh kỹ thuật số. Tuy vậy, có quá nhiều bên làm việc này và đưa những thông tin mang tính phóng đại, sai lệch, chưa được kiểm chứng, thiếu khách quan, thậm chí nói một cách vô trách nhiệm. Trong khi đó, người tiêu dùng không có đủ khả năng nhận biết thông tin đó có chính xác hay không hoặc có bao nhiêu % độ chính xác. Do đó, thương hiệu của DN sẽ có độ lệch nhất định.
Vì vậy, với độ tin cậy và những nguyên tắc nhất định trong việc kiểm chứng thông tin, qua các bước kiểm duyệt kỹ càng trước khi đưa lên mặt báo, báo chí chính thống vẫn bảo đảm nguyên tắc đúng, đủ, đa chiều... Nên đây là nguồn thông tin uy tín. Thông tin từ báo chí vẫn được coi là nguồn tin đáng tin cậy, nhất là những đầu báo có tên tuổi và chính thống.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong tiến trình hội nhập và đổi mới đất nước, hình ảnh của các DN ngày càng trở nên quan trọng hơn và đại diện cho hình ảnh đó chính là các sản phẩm, thương hiệu tạo được dấu ấn lớn đối với người tiêu dùng. Vì vậy, việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây được coi là thế mạnh của báo chí, bất cứ DN nào biết tận dụng lợi thế này sẽ đem lại những thành công to lớn.
Để tiếp tục đồng hành cùng DN, báo chí phải đổi mới. Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển DN, thị trường và các mối quan hệ kinh tế trên thế giới. Đồng thời, tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho DN. Do đó, nhà báo phải cùng các chuyên gia, DN phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của DN để khi đưa phải đúng, có cái nhìn khách quan, toàn diện.
Còn theo TS Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, báo chí nên tiến hành khảo sát về người dùng, khách hàng về độ tin cậy của các nguồn thông tin. Kết quả khảo sát đó sẽ cho ra con số cụ thể về việc người dân tin tưởng vào nguồn thông tin nào, chú trọng nguồn tin nào, nguồn nào người dùng quan tâm, tham khảo và mức độ thông tin họ tham khảo từ các nguồn khác nhau sẽ được họ đánh giá ở những mức độ khác nhau như thế nào?
Ngoài việc bảo đảm vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, trong thời đại số, các đơn vị báo chí cũng cần đổi mới cách thức trải nghiệm của độc giả bằng việc đa dạng hình thức thể hiện để đáp ứng nhu cầu của DN cũng như độc giả, đặc biệt để mối quan hệ “cộng sinh” DN - báo chí ngày càng bền vững khi cả hai đang phải đối mặt với những thay đổi của công nghệ.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX-2024 có thêm 2 nhóm giải mới
Kinhtedothi - Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX-2024 nhận được 1.962 tác phẩm gửi về dự Giải, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, có thêm 2 nhóm giải mới, nâng tổng số giải trong Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX-2024 lên 13 nhóm giải.

Báo chí góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá của Thủ đô
Kinhtedothi - Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng Thủ đô trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển.
Báo Kinh tế & Đô thị: Hành trình về những "địa chỉ đỏ" của báo chí Cách mạng Việt Nam
Kinhtedothi - Thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 23/4, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức hành trình về nguồn tại các “địa chỉ đỏ” của báo chí Cách mạng Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là chuyến đi thực tế mang đậm dấu ấn, mà còn là hành trình tri ân, nhắc nhớ mỗi người làm báo về cội nguồn truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng và tinh thần nghề nghiệp.