Bài 3: Pha tạp lối sống cũ mới - Ảnh 1

Trải qua hơn nửa thế kỷ, nhà tập thể cũ đã hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân đô thị. Đến nay, do nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, các hộ dân đã tự cải tạo, cơi nới “chuồng cọp” để tăng không gian sinh hoạt. Đồng thời, sự phát triển về dân số, thay đổi trong lối sống của các thế hệ dẫn tới những giằng co, va chạm phát sinh trong lối sống.

Thay đổi đến chóng mặt

Người ta ví những căn hộ hơn 20m2, những chiếc cầu thang tối sáng lập lòe ở tập thể cũ từng là nơi sống thời thượng giờ được ví giống như những người già ngồi lặng im nhìn TP thay da đổi thịt.

Những khu tập thể như Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ… trải qua hơn nữa thế kỷ tồn tại đã phát sinh khá nhiều bất cập. Những căn hộ tập thể chật chội này là nơi ở của nhiều thế hệ trong một gia đình. Cũng bởi vậy, người dân đã tận dụng triệt để không gian xung quanh căn hộ để thêm một phòng phía trên, trước sân, lồng sắt sau lưng nhà mà sau này mọi người hay gọi là “chuồng cọp”, đặc trưng của các khu tập thể cũ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai – Khu tập thể Trung Tự chia sẻ: Không gian tự phát phổ biến nhất được lắp ghép ở các nhà tập thể là những lồng sắt lô nhô ở mặt tiền, phía sau hay sau lưng nhà. Chỉ thêm chút diện tích nho nhỏ ấy thôi có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau như làm kho, bếp hay bọc lại thành phòng nhỏ. Những cái lồng thò ra, thụt vào với đủ kích cỡ, hình dáng như những chiếc ba lô đã trở thành đặc trưng của khu tập thể cũ Hà Nội một thời.

Bài 3: Pha tạp lối sống cũ mới - Ảnh 2

Có một nghịch lý của xưa và nay là xưa người người ta thích nhận nhà tập thể ở các tầng cao. Ngày nay, tập thể tầng 1 mới là đất “vàng”. Bởi vì, những năm 60 của thế kỷ trước – khi vẫn còn bao cấp, Hà Nội chưa có thành phần kinh doanh cá thể, ngoài một số tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nên những căn nhà ở tầng 1 chưa được coi trọng. Theo chị Nguyễn Thị Mai, một trong những lý do nữa khiến các gia đình cán bộ có mức lương cao hơn, thường chọn cho gia đình ở tại tầng cao vì… không muốn bị ai ngồi trên đầu mình

Thế nhưng ngày nay đất nước mở cửa, nền kinh tế thị trường phát triển thì tầng 1 lại là các căn hộ hái ra tiền. Các căn hộ tầng 1 ở khu tập thể có thể tận dụng để mở các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ như: Cơm bình dân, hàng tạp hóa, hàng cắt tóc, gội đầu… Thậm chí chỉ cần để vại dưa, ngả cái bàn bán trà đá và ít đồ ăn vặt cũng đủ nuôi sống 1-2 nhân khẩu trong gia đình. Chính vì vậy, tính chất và lối sống ở khu tập thể cũ so với ban đầu đã thay đổi ít nhiều.

Nhà cũ - người mới

Trải qua hơn vài chục năm những chủ nhân đầu tiên trong từng khu nhà tập thể cũ hầu như đã chuyển đi gần hết, các căn hộ trải qua vài lần thay tên đổi chủ. “Ngày mới về nhà B2 khu tập thể Nghĩa Tân, đơn vị Truyền tải điện I của tôi có 8 gia đình cán bộ được nhận nhà nhưng đến nay chỉ còn 2 hộ. 6 gia đình khác đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Không chỉ có cơ quan tôi, cả khu nhà mấy chục hộ ở đây chắc cũng chỉ còn khoảng 30% là các gia đình ở từ ngày đầu, còn 70% là cư dân mới” – bà Nguyễn Thị Thủy (P116 – B2 khu tập thể Nghĩa Tân) chia sẻ.

Bài 3: Pha tạp lối sống cũ mới - Ảnh 3

Nhà ở tập thể những năm 60 được phân cho cán bộ nên nhiều người ở trên những tầng cao được phân cho nhà ở mới. Hoặc do kinh tế phát triển, thu nhập tốt hơn, cư dân ở các tầng cao chuyển đi nơi khác để ở. Dù vậy, không phải nơi nào cũng quản lý tốt về nhân khẩu để thu hồi diện tích cũ, do đó cũng có tình trạng, thế hệ cư dân đầu tiên cho con cháu họ đến ở, còn họ chuyển đi nơi khác.

Ông Nguyễn Phú Khánh (tập thể Giảng Võ) chia sẻ: “Sang đến thế kỷ XXI, có một sự thay đổi cơ bản về chủ nhân của các nhà tập thể. Hà Nội lúc này đã có nhiều chung cư với thiết kế hiện đại, mức giá đa dạng từ trung bình khá đến cao cấp. Thế nên, chỉ còn một số chủ nhân cũ bám trụ lại nhà tập thể vì thói quen, tuổi cao hoặc do kinh tế eo hẹp. Còn đa số, các căn hộ tập thể được bán, luân chuyển cho một số thành phần kinh tế trung bình hoặc người tỉnh khác có con cái học đại học, có nhu cầu phát triển dần ra Hà Nội sinh sống. Số ít gia đình ở Hà Nội, cuộc sống chật chội, dành dụm được ở mức vừa phải, đủ tiền mua những căn hộ tập thể đã xuống cấp. Các khu tập thể giờ chỉ còn một lợi thế duy nhất là vị trí đều ở trong những khu phố đẹp trong tổng thể Hà Nội mở rộng. Từ chỗ nằm ở khu vực ngoại thành hoặc ven đô ngày nào, giờ những khu nhà tập thể cũ được coi là các khu đắc địa của Thủ đô”.

Mặt khác, nhiều hộ dân ở tầng 1 ở nhà tập thể cũ chia sẻ: “Chúng tôi mua nhà ở tầng 1 còn tận dụng mặt bằng để mở hàng kinh doanh, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nếu phải chuyển đi nơi khác, cả gia đình sẽ mất kế sinh nhai. “Không chỉ có gia đình tôi, nhiều nhà ở tầng 1 của tòa nhà đều tận dụng mặt bằng để kinh doanh và cho thuê. Đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với gia đình tôi” – chị Nguyễn Thị Hải Yên (tập thể Kim Liên chia sẻ).

Văn hóa cộng đồng đứt gãy

Nhìn lại nhà tập thể cũ từ khi thành lập đến nay có thể nhận thấy cuộc sống ở những nơi rộn ràng sắc màu văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, khi thành phần cư dân có sự đổi thay thì nếp văn hóa cộng đồng ở đây cũng đứt gãy.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người đã từng có nhiều năm sinh sống tại khu tập thể Trung Tự nhớ về những kỷ niệm: “Ngày xưa, lên xuống cầu thang khu tập thể là mọi người cất tiếng hỏi nhau. Không có thang máy, nên mọi người đi bộ, dù cầu thang hẹp và tối nhưng gặp nhau là chào hỏi. Người ta biết ai ở tầng nào, phòng nào, tuổi bao nhiêu, mối quan hệ giữa các hộ gia đình giống như quan hệ làng xóm nhưng trong hình thức của khu tập thể ở đô thị”- nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Bài 3: Pha tạp lối sống cũ mới - Ảnh 4

Hình ảnh có thể dễ thấy nhất trong văn hóa cộng đồng ở tập thể là chiếc bảng đen, viết thông tin mỗi ngày -  bất cứ thông tin nào của cộng đồng cũng được viết lên đó, vừa nhắc nhở, vừa cảnh báo, hướng về sự thay đổi tốt nhất cho khu nhà. “Mỗi tòa là một tổ dân phố, vẫn giữ thói quen viết lên bảng tin về những việc chung. Có chuyện nhà nọ bị lừa mua bình ga giả, viết tất tần tật lên bảng để kể lại câu chuyện đen đủi của nhà mình, không quên kèm cả số điện thoại công an. Ai chưa đóng tiền vệ sinh, nhà nào quên không khóa cửa kéo chung của toàn khu… đều được nhắc nhở bằng phấn trắng bảng đen” – bà Nguyễn Thị Liên – tổ trưởng Tổ dân cư 21 Tập thể Kim Liên chia sẻ.

Thế nhưng, cũng khung cửa ấy, cầu thang ấy cách quan tâm cư xử của người trong tập thể cũ với nhau đã khác. “Người trong một khu đi qua chạm mặt nhau không hỏi nhau, người trẻ chuyển đến nhìn thấy người già đi chợ xách nặng cũng không còn hồ hởi kêu xách giúp đồ như ngày xưa. Chiếc bảng đen con đó nhưng cũng chỉ để thông báo các thông tin tổ dân phố, các gia đình ngại ngần viết những lời dặn dò lên bảng đen vì sợ hàng xóm quanh mình đã phức tạp nhiều thành phần” – bà Nguyễn Thị Liên cho biết thêm.

Cư dân mới là người ở các tỉnh về sinh sống tại các khu nhà tập thể thường phát sinh nhiều sự va chạm trong lối sống. Theo ý kiến của nhiều cư dân đó là tình trạng hóa vàng mã và đốt bếp than, không tuân thủ các quy định của khu dân cư tập thể. Vào rằm, mùng một, vàng mã được mang ra ngay dưới bốt điện (vị trí gần với cửa thông gió) để đốt. Khói bay mù mịt, nhà có trẻ nhỏ ra góp ý những vẫn bị mắng bởi: “Đây là không gian chung, ai muốn làm gì thì làm”.

Rõ ràng, sống trong tập thể cũ quan trọng là sự cảm thông, nhường nhịn. Sự tự do cá nhân nằm trong giới hạn tự do của người khác. Dẫu trong một cuộc sống hối hả, tất bật, đèn ai nhà ấy rạng nhưng có lẽ câu thành ngữ xưa: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” có lẽ vẫn chưa hề cũ.

Bài 3: Pha tạp lối sống cũ mới - Ảnh 5

Bài: Linh Anh - Lại Tấn
Trình bày: Tùng Quân

08:00 06/08/2021