Bài 3: “Phố Tây” lộ diện, thị xã Huế ra đời

Anh Tuấn (Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với 2 bản Hiệp ước Harmand (1883) và Patenôtre (1884), về cơ bản thực dân Pháp đã hoàn thành cuộc xâm lược nước ta. Chính giai đoạn này trở đi, các kiểu đô thị mới được hình thành.

>>> Bài 1: Dưới thời các chúa Nguyễn

>>> Bài 2: Quy hoạch dưới triều Nguyễn

Hình thái đô thị mới xuất hiện

Đô thị Huế dưới triều Nguyễn bị chi phối rất nhiều bởi những yếu tố chính trị nặng nề, không có tổ chức hành chính và quản lý đô thị đúng nghĩa. Lúc ấy, không gian đô thị bé nhỏ, các hoạt động nhộn nhịp của đô thị Huế chỉ tập trung ở thành nội và vài phố chợ vùng phụ cận phía đông chốn Kinh thành.

Theo Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, khi đến Huế, bằng lý lẽ của thực dân “đi khai hóa”, người Pháp đã ép vua tôi Tự Đức phải cắt đất ở bờ nam sông Hương giao cho họ lấy chỗ đóng đồn binh. Dần dà lấy thêm nhiểu khoảnh đất nữa để họ dựng Tòa Khâm sứ (được khởi công xây dựng tháng 4/1876 và hoàn thành vào tháng 7/1878), đặt Sở Dây Thép (ngày nay là bưu điện Huế), trạm thu thuế, mở trường Dòng, xây nhà thờ Thiên Chúa, lập bệnh viện, mở kho bạc, khách sạn, vũ trường…

Được xây dựng vào năm 1901, khách sạn Saigon Morin đậm nét kiến trúc Pháp đặc trưng đầu thế kỷ 20.
Được xây dựng vào năm 1901, khách sạn Saigon Morin đậm nét kiến trúc Pháp đặc trưng đầu thế kỷ 20.

Ngoài ra, người Pháp còn mở thêm một số con đường chạy dọc hai bên bờ sông An Cựu, sông Hương và dựng lên đấy những ngôi biệt thự có dạng kiến trúc giống lối Tây Âu, mà đa số đều hướng mặt ra hứng gió từ các dòng sông thổi vào.

Trong vòng 30 năm sau khi người Pháp khởi công xây dựng bến Tòa Khâm sứ Trung kỳ cho đến những năm đầu thế kỷ XX, khu vực nam sông Hương nhanh chóng phát triển, sớm hình thành nên vóc dáng một đô thị mới với những “dãy dọc tòa ngang”, hệ thống đường sá bước đầu thuận lợi cho cả xe ngựa, xe kéo hai chiều và các loại phương tiện khác.

Sau ngày Huế bị thất thủ vào tay người Pháp (5/7/1885), người Pháp thành lập khu phố Tây ở bờ nam sông Hương để phục vụ cho bộ máy Tòa Khâm sứ Trung kỳ và doanh trại quân đội được mở rộng, hình thành dần Khu phố Tây, Huế bị biến đổi theo hình thái đô thị mới.

Người Pháp đã tôn trọng giá trị tự nhiên của sông Hương nói riêng và vẻ đẹp hài hòa tổng thể Kinh đô Huế nói chung. Theo đó, các công trình, dinh thự tân thời đều được xây dựng ở những vị trí cách xa sông Hương, phần lớn bên lề phía nam của đường Jules Ferry (Lê Lợi ngày nay), khống chế chiều cao không quá hai tầng, có một hàng cây xanh làm dải phân cách không gian giữa khu phố Tây với sông Hương.

Từ đó, dọc theo đường Lê Lợi, người Pháp cho xây dựng các công trình: Khâm Sứ Trung kỳ, khách sạn Morin (bây giờ là khách sạn Sài Gòn Morin, sở dĩ bây giờ có 4 tầng là vì sau giải phóng, nhà chức trách đã cho nối thêm tầng để đáp ứng nhu cầu tiếp đón của khách sạn), Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (Trung tâm học liệu Huế ngày nay), Bệnh viện Huế, Phủ Doãn (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế), trường Đồng Khánh (1917), trường Quốc học, Bót Cò (trụ sở công an TP Huế)…

Cầu Trường Tiền được xây dựng đã nối liền đôi bờ sông Hương.
Cầu Trường Tiền được xây dựng đã nối liền đôi bờ sông Hương.

Năm 1897, người Pháp và chính phủ Nam triều xây dựng cây cầu Trường Tiền nối liền đôi bờ sông Hương, cây cầu đã mang lại bao tiện ích, thành biểu trưng của khát vọng hiện đại hóa đất nước. Phải đến 12 năm sau, cầu mới hoàn thành với hình dáng 6 vòng cung bằng thép, mặt cầu được lát bằng gỗ lim. Thời điểm cầu hoàn thành dài 402m, có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi là cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hương, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Huế và cũng là dấu mốc chấm dứt thời gian dài đò giang cách trở của hai bờ Bắc – Nam.

Thị xã Huế được thành lập

Ngày 12/7/1899, vua Thành Thái xuống Dụ công bố thành lập thị xã Huế. Thị xã Huế đan xen giữa lòng Kinh đô Huế. Ranh giới thị xã lúc mới thành lập bao gồm các vùng phụ cận quanh Kinh thành và dải đất dọc theo bờ nam sông Hương, chạy từ cầu Ga Huế đến Đập Đá – tức đường Lê Lợi ngày nay.

Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế - nay là trường Đại học Sư phạm Huế.
Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế - nay là trường Đại học Sư phạm Huế.

Năm 1899, trung tâm đô thị Huế mới bắt đầu được xây dựng. Vào thời điểm ấy, cấu trúc bờ nam chỉ có một con đường chạy dọc bờ sông đối diện với Kinh thành Huế kéo dài từ bến đò Trường Súng (gần ga Huế ngày nay) cho đến bến đò Ô Lâu (Đập Đá ngày nay) và được liên hệ với bờ bắc thông qua hệ thống những bến đò: Bến đò Trường Súng, bến đò Trường Tiền, bến đò Toà Khâm, bến đò Ô Lâu. Trên trục này, khởi đầu có các công trình Tòa Khâm sứ (nay là trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế), Nhà Thương (nay là Bệnh viện Trung ương Huế) và hàng loạt doanh trại của thủy quân…

Có rất nhiều công trình đã được xây dựng nhằm phục vụ cho chính quyền đô hộ như: trường Pellerin, nhà băng, các công trình quân sự, bệnh viện, khách sạn La Résidence, nhà Ga… Sông Hương trở thành ranh giới giữa hai chính quyền cũng như hai khu vực: Kinh thành của triều Nguyễn và khu phố Tây của chính quyền thuộc địa.

Theo ThS Nguyễn Quang Trung Tiến – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, đại học Khoa học - Đại học Huế, trong lần đầu tiên mở rộng thị xã vào năm 1903, người Pháp chủ yếu mở thêm giới hạn ở phía nam sông Hương. Năm 1908, lần thứ hai mở rộng thị xã, ranh giới của thị xã Huế được quy định theo hai vùng rõ rệt. Ở phía tả ngạn sông Hương, đất thuộc thị xã gồm vùng quanh Kinh thành, được giới hạn bởi các sông đào bên ngoài đến giáp sông Hương và khu vực cồn Gia Hội, được giới hạn bởi sông Hương và sông đào Đông Ba đến bến đò sang Nam Phổ.

Cùng với việc mở rộng ranh giới hành chính lần thứ hai, toàn thị xã Huế được chia làm 8 phường được đánh tên từ Đệ Nhất, Đệ Nhị… đến Đệ Bát. Đến lần thứ ba mở rộng thị xã Huế vào năm 1921, vùng đất bờ nam sông Hương của thị xã được sáp nhập thêm một khu vực, nay thuộc phường Trường An và phường Đúc.

Bệnh viện Trung ương Huế được xây dựng dưới triều vua Thành Thái năm 1894, là bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương.
Bệnh viện Trung ương Huế được xây dựng dưới triều vua Thành Thái năm 1894, là bệnh viện Tây y đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương.

Như thế, qua ba lần điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Huế đã hình thành nên 9 phường, phân bố trong phạm vi tả ngạn và hữu ngạn sông Hương. Đứng về mặt hành chính thị xã Huế có địa giới riêng, ngân sách riêng, nhưng chưa có bộ máy quản lý hành chính riêng rẽ. Người chịu trách nhiệm cai quản thị xã Huế về phía thực dân Pháp vẫn là Công sứ Thừa Thiên.

Cùng với việc triều đình cho nới rộng ranh giới thị xã, hệ thống đường sá cũng được mở mang dần. Đến đầu năm 1926, toàn bộ hệ thống trong kinh thành và phần thuộc thị xã Huế xem như hoàn chỉnh trên cơ sở kết cấu hạ tầng của một kinh sư cổ kính, đan xen giữa một thị xã theo thiết chế mới.

Ngày 12/12/1929, toàn quyền Đông Dương ra nghị định nâng tầm thị xã Huế lên thành thành phố.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công dẫn đến việc xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến trong phạm vi cả nước. Dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, thành phố Huế được mở rộng hơn trước. Vùng đất Kinh thành Huế của triều đình nhà Nguyễn và một phần thuộc các huyện Phú Vang, Hương Thủy bắt đầu được sáp nhập vào thành phố Huế. Lúc này, thành phố Huế được chia làm 8 khu phố được đánh số từ 1 đến 8.

Từ năm 1947, chính quyền thân Pháp và sau đó là Mỹ dựa trên không gian đô thị đã hình thành cuối năm 1945, thành phố Huế có kết cấu không hoàn chỉnh của một đô thị thiếu tính bền vững về cách thức đầu tư, chiến tranh đã gây cho Huế biết bao mất mát, tang thương, đa số hệ thống các công trình bị tàn phá vào xuân Mậu Thân (1968).

Sau năm 1975, chính quyền và nhân dân đã ra sức xây dựng Huế trở thành một trung tâm đô thị của miền Trung và cả nước. Vượt lên những khó khăn, thiếu thốn ban đầu, kế thừa những giá trị văn hóa, lịch sử.

ThS Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết, trong giai đoạn thành lập tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989), địa giới hành chính đô thị Huế mở rộng đột biến, với 23 xã và 9 thôn, vùng ven sáp nhập vào đô thị, nâng cao đơn vị hành chính cơ sở ở Huế lên 40 phường xã. Sự mở rộng này khiến khu vực hành chính đô thị Huế trải từ vùng núi non đến đầm phá, biển cả.

“Tuy nhiên, việc mở rộng địa giới hành chính này lại khiến diện mạo đô thị Huế trở nên thiếu sức sống vì các xã vùng ven nhập vào đều đang ở tình trạng cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội yếu kém” – ThS Nguyễn Quang Trung Tiến nói.

Từ năm 1989, tỉnh Thừa Thiên Huế tách ra, đô thị Huế co mình lại về mặt hành chính bằng việc tách 17 xã nhập trở lại các huyện cũ, trả lại đô thị Huế đúng với không gian đích thực của nó.

Sự xuất hiện hình thái đô thị mới tại Huế đã đem lại một luồng sinh khí mới cho cấu trúc đô thị tại khu vực này. Từ đây, các kiến trúc phương Tây đan xen với hệ thống xưa cũ, nhưng không lấn át kiến trúc cũ, thay vào đó là sự phối kết hợp để hòa nhập với thiên nhiên, cảnh quan. Những lần tách nhập các khu vực vào TP Huế đã gây xáo trộn cho vùng đô thị này. Nhưng chính những lần nhập tách đó đã đem lại cho Huế rất nhiều bài học kinh nghiệm để phát triển đô thị vào giai đoạn sau này.

Còn nữa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần