Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 1

Mặc dù tình trạng thiếu trường lớp vẫn hiện hữu nhưng diện mạo trường lớp tại Hà Nội đã có sự đổi thay tích cực khi nhiều ngôi trường được xây mới, sửa chữa. Bằng sự vào cuộc tích cực và sự quan tâm đầu tư của Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội và các quận huyện, mạng lưới trường lớp tại Thủ đô thời gian gần đây tiếp tục phát triển, góp phần hạ nhiệt tình trạng thiếu trường lớp.

 

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 2

Ngày 27/8/2024, quận Ba Đình tổ chức lễ gắn biển công trình cấp quận đối với Trường Tiểu học Thủ Lệ. Công trình được thực hiện trên khu đất của trường cũ tại phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, diện tích 2.380 m2 với quy mô 7 tầng, 38 lớp học đáp ứng cho hơn 1.000 học sinh. Trường có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia mức độ II. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 105,2 tỷ đồng.

Một ngôi trường khác được gắn biển công trình cấp quận vào ngày 15/8/2024, đó là Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng). Trường được UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 88 tỷ đồng trên diện tích gần 4.000m2. Khởi công vào đầu tháng 1/2023, nghiệm thu hoàn thành ngày 10/7/2024, công trình Trường Tiểu học Võ Thị Sáu kịp thời đáp ứng yêu cầu khai giảng năm học mới và đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Trường có quy mô 20 phòng học, 6 phòng chức năng, 1 sàn giáo dục thể chất; được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quy định; góp phần đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân phường Vĩnh Tuy, nâng cao chất lượng sống và tạo nên sự thay đổi diện mạo của quận.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 3

Trung tuần tháng 5/2024, UBND quận Ba Đình quyết định thành lập Trường THCS Giảng Võ 2 trên cơ sở tách Trường THCS Giảng Võ. Theo kế hoạch của quận Ba Đình, năm học 2024 - 2025, Trường THCS Giảng Võ 2 tuyển 7 lớp 6 với 315 chỉ tiêu. Việc tách Trường THCS Giảng Võ vừa giữ được thương hiệu chất lượng THCS Giảng Võ; đồng thời cũng tạo sự bứt phá cho giáo dục mũi nhọn của quận Ba Đình.

Ngoài Giảng Võ 2, năm học 2024 - 2025, Trường THCS Nguyễn Trãi – Ba Đình khang trang, hiện đại cũng được đưa vào hoạt động. Nhà giáo Mai Thị Phú - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Phụ huynh và học sinh rất phấn khởi khi trường mới sẽ đi vào hoạt động từ năm học này. Ngôi trường khang trang, thiết bị hiện đại và đầy đủ phòng chức năng, phòng thể chất, chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt trong công tác dạy học của thầy trò và tăng động lực cho học sinh trong học tập”.

Phấn khởi vì con được chuyển về Trường THCS Hà Đông – ngôi trường công lập vừa khánh thành, chị Đinh Thu Hà, cư dân toà Huyndai – Hà Đông cho biết: “Trước đây, khi biết các trường công lập trên địa bàn thường có sĩ số đông lên đến hơn 50 học sinh/lớp, tôi cho con học trường tư thục, chấp nhận chi phí cao. Nhưng năm nay, Trường THCS Hà Đông vừa sạch đẹp, vừa đạt chuẩn đi vào hoạt động, tôi lập tức chuyển con về học trường gần nhà. Đưa con đến lớp, tôi và con thấy vô cùng hài lòng về mọi thứ nơi đây. Trường công lập của Hà Nội đẹp không khác gì trường quốc tế”.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 4

Trước đó, tháng 10/2023, Trường THCS Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm chính thức được hoàn thành, bàn giao. Với tổng mức đầu tư gần 130 tỷ đồng, trường được thiết kế hiện đại với 5 khối nhà quy mô gồm: 36 phòng học, khu hiệu bộ, khu chức năng, nhà thể chất, nhà ăn và các hạng mục phụ trợ (cổng, tường rào, nhà xe, nhà bảo vệ, trạm bơm, sân tập trung, sân thể thao, cây xanh, thảm cỏ….). Mỗi phòng học, khu chức năng đều được đầu tư trang thiết bị đồng bộ theo tiêu chuẩn hiện hành.

Các ngôi trường nói trên là một trong số nhiều trường, lớp học được xây mới, cải tạo trong vài năm gần đây. Trước kết quả đáng mừng trong việc phát triển mạng lưới trường lớp của Hà Nội, nhất là trước thềm năm học 2024 – 2025, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: “Chưa bao giờ việc mở rộng mạng lưới, xây sửa mới trường lớp lại có điều kiện thuận lợi như hiện nay. Ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường trên địa bàn TP đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung các đơn nguyên phòng học, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư, để chuẩn bị cho năm học 2024-2025”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam nhận định: Thời gian gần đây, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hà Nội có chủ trương đúng đắn khi dành nguồn ngân sách rất lớn đầu tư cho giáo dục, tăng nhiều so với giai đoạn trước. Nhờ đó, hệ thống các trường công lập tại Hà Nội vừa tăng về số lượng vừa đảm bảo đẹp, hiện đại về chất lượng. TP đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã tận dụng quỹ đất có thể để xây mới, mở rộng hệ thống trường lớp.

Quy mô trường lớp tại Hà Nội không ngừng phát triển. Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, Hà Nội có tổng số 2.913 trường (tăng 39 trường mầm non và phổ thông so với cùng kỳ năm trước) với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 70.000 lớp (tăng khoảng 48.000 học sinh so với cùng kỳ năm trước) và 130.000 giáo viên; có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 5

Chia sẻ nỗ lực phát triển hệ thống trường lớp, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Luôn xác định giáo dục là mũi nhọn, những năm qua, quận Tây Hồ đã bố trí nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới các trường theo kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 và bổ sung thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư 45 dự án gần 2.200 tỷ đồng. Quận dành quỹ đất đã và đang xây mới 8 trường tại các phường đông dân cư, nhằm giảm quy mô lớp/trường, giảm số học sinh/lớp, đáp ứng xây dựng mới và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, quận chuẩn bị xây mới 1 trường cấp 3 tại phường Nhật Tân với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng và 2 trường THPT đang trong lộ trình cải tạo, nâng cấp (Trường THPT Chu Văn An, THPT Tây Hồ). Với kế hoạch điều chỉnh, đến năm 2045, quận sẽ tiếp tục bổ sung xây mới thêm 8 trường”.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 6

Liên quan đến phân cấp xây dựng trường lớp, theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho các dự án thuộc 3 lĩnh vực (giáo dục, y tế, di tích), UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư xây dựng trường công lập các cấp. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xây dựng trường công lập đạt CQG; giữ vững và nâng cao các tiêu chí của trường đã được công nhận đạt CQG.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 7

Tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt CQG và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội được tổ chức trung tuần tháng 10/2023, bàn về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu trường lớp, trong đó có trường CQG, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay, giải pháp là phải có đủ điều kiện về đất và vốn. Về việc tăng số trường công lập, quận Hoàng Mai đã rà soát triển khai khẩn trương các ô đất quy hoạch để đầu tư xây dựng trường học. Đồng thời, chủ động báo cáo với TP phân cấp cho quận để điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch; thu hồi các dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học. Quận đã bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất TP quan tâm để hỗ trợ việc triển khai đầu tư xây dựng trường học; khi TP phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị. Bên cạnh đó, TP tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 8

Trước thách thức này, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: Mấu chốt ở đây là cần làm tốt công tác quy hoạch. Quy hoạch Vùng Thủ đô và Luật Thủ đô 2024 đã được thông qua. Quy hoạch chuẩn thì quá trình thực hiện phải có kỷ cương, phải làm đúng, không được băm nát quy hoạch; không để chung cư mọc quá dày vì sẽ kéo theo việc không đáp ứng được các điều kiện hạ tầng xã hội. Việc cần làm là rà soát lại toàn bộ hạ tầng, trong đó có hạ tầng về giáo dục; về phân bố mật độ dân cư ở các quận huyện, rà soát học sinh trong độ tuổi đi học và có dự báo tốc độ tăng dân số để chủ động nắm tình hình.

Cùng với đó, phải có giải pháp tăng chất lượng tại các trường ngoại thành thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; kéo giáo viên giỏi về ngoại thành để người dân yên tâm cho con học tập tại đây; tránh quá tải trường ở nội đô. Thêm nữa, cần có cơ chế khuyến khích xã hội hoá giáo dục ở các khu vực nội đô, khu vực còn thiếu trường với điều kiện các trường này phải nằm trong quy hoạch và có mức học phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 9

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, một phần nguyên nhân của vấn đề này là do TP vẫn thực hiện việc xây trường theo kế hoạch xây dựng đề ra trước đó khá lâu nên không sát với tình hình biến động dân số trên thực tế. Để khắc phục, TP nên giao địa phương quyền giám sát việc xây dựng các khu chung cư; chỉ cho phép chung cư vận hành, mở bán khi có đầy đủ hạ tầng trường học, bệnh viện, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân sinh sống tại chung cư đó; kiên quyết không để xảy ra tình trạng bán nhà rồi mới xây dựng hạ tầng trường học, hệ thống y tế. Nếu ngân sách địa phương không đủ để xây trường công lập, thay vì chờ TP, địa phương được quyền giao đất của địa phương cho các chủ đầu tư để phục vụ mục đích xây trường. Khi đó, học phí trường tư thục sẽ được hạ xuống đáng kể, ít chênh lệch học phí với trường công như hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh theo học.

Ở khía cạnh xây dựng, thực tế cho thấy, muốn đẩy nhanh tiến độ xây trường, phải có tinh thần quyết liệt trong công tác chỉ đạo; điển hình tại quận Hoàng Mai. Tháng 7/2023, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận này. Tại đây, Chủ tịch UBND TP cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại các ô đất nhận bàn giao từ Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để xây dựng trường công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt; kiểm tra tiến độ dự án xây dựng trường Tiểu học - THCS Tân Mai (phường Tân Mai) và kiểm tra dự án xã hội hóa xây dựng tại ô đất nhà trẻ (ký hiệu NT), ô đất trường tiểu học (ký hiệu TH) có tổng diện tích 13.643,7m2 tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt).

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 10

Khẳng định quan điểm của TP là quan tâm, ưu tiên, phân bổ nguồn lực để tháo gỡ cho Hoàng Mai, giúp quận phát triển nhanh trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch UBND TP đề nghị, quận tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023. Điều đáng mừng là trong 2 năm qua, quận Hoàng Mai khởi công xây mới 17 trường; trong năm 2024 đã khánh thành 4 trường công lập, góp phần giảm áp lực về sĩ số trường lớp, giải quyết số lượng lớp chỗ học cho con em Nhân dân trên địa bàn. 

Cùng với đó, bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh đầu cấp và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội và Sở GD&ĐT, trong mùa tuyển sinh năm học 2024 - 2025, 100% trường học trên địa bàn TP đã thực hiện tuyển sinh và nhập học bằng hình thức trực tuyến, chấm dứt hoàn toàn tình trạng xếp hàng, chen lấn, xô đẩy trong tuyển sinh. Ở đây, việc phân tuyến tuyển sinh, công tác truyền thông về phân tuyến tuyển sinh đến người dân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần ổn định tình hình tuyển sinh đầu cấp hàng năm.

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 11

Kết luận tại phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ rõ một số nội dung cần thực hiện, như tập trung rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện; đồng thời đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập đạt CQG; rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập theo Nghị quyết số 02 của HĐND TP, đặc biệt là các dự án xây mới để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. TP cũng cần kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp so với bình quân chung của TP.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học trên địa bàn TP. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập. Ngoài ra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng trường học.

(còn tiếp)

Bài 3: Tăng tốc xây trường - Ảnh 12

13:28 31/08/2024