>>> Bài 1: Ký ức xưa và chuyện thời nay
>>> Bài 2: Văn hóa Kẻ chợ nơi vỉa hè
Một mét vuông nơi vỉa hè, một bậc tam cấp cũng trở thành quán nước. Không gian tưởng chừng chật chội đến khó cựa quậy lại là nơi sinh nhai của cả một gia đình.
Sang nhượng “ngầm” từng mét đất
Hà Nội, phố Lê Văn Hưu giáp về Lò Đúc, có đoạn vỉa hè có một bức tường trống. Người ta treo đồng hồ lên đó bán. Bức tường hơi giật lùi vào trong so với những căn nhà khác tạo một khoảng nhỏ chừng một mét và thêm một cái tủ kính nhỏ cũng bày đồng hồ đeo tay là thành một cuộc mưu sinh.
Rồi trên phố Bà Triệu đoạn từ ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông đến ngã tư Bà Triệu - Lê Đại Hành mỗi mét vuông là một chiếc biển vẫy mời chào cửa hàng lạc rang bà Vân chính hiệu.
Mặt hàng chính để trong ngõ, biển vẫy nhô ra vỉa hè để mời gọi khách qua đường. Khoảng vỉa hè kéo dài trên hai chục số nhà đã giúp hơn 10 hộ gia đình có thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng nhờ bán lạc rang bà Vân.
Hoặc góc phố Ngô Thì Nhậm gần về chợ Mơ, có một hàng bánh giò. Vài cái thúng đại bày ra, ghế nhựa con con rải bất kỳ chỗ nào trống ven tường, bậc tam cấp là có thể ngồi và thưởng thức món quà dân dã. Hàng quà này phải có từ 30 năm nay ở góc phố ấy. Nhờ thúng bánh giò ấy mà người chủ nhân đã nuôi 3 đứa con ăn học trưởng thành thậm chí là còn có chút tiền tích già.
Vỉa hè, đầu ngõ trở thành tấc vàng ở phố cổ Hà Nội.
Bên ngoài những ngôi nhà bé xíu lọt thỏm trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút là những cửa hàng mặt tiền với đầy đủ các loại sản phẩm từ hàng hóa bóng loáng, sang trọng đến các quán ăn bình dân, các quán nước nhỏ lẻ mà chủ nhân chúng trước đó đã phải đấu tranh, giành giật, thậm chí đổ máu để có.
Là người bán bún vào mỗi buổi từ 17 giờ đến 22 giờ ở vỉa hè số 62 Hàng Chiếu, chị Thanh Hương cho biết: “Không phải ai thích ngồi đâu cũng được, đất ở đây là vô chủ nhưng có chia vùng hết rồi. Vùng nào rộng thì được 2 - 3m, ít quá thì được 1m”.
Dù không hề có một giấy tờ nào chứng minh mình có quyền sở hữu, thế nhưng những mảnh đất tốt trên vỉa hè lại được người dân vô tư kinh doanh và sang nhượng lại bằng miệng với giá từ vài triệu tới cả chục triệu. Đắt đỏ nhất vẫn là những vỉa hè gần trường tiểu học, phố mua sắm hay khu đông khách du lịch… bởi nơi đó rất dễ để kiếm tiền.
Với kinh nghiện hơn 7 năm bán bún ở ngõ Phát Lộc, Hàng Buồm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thương tiết lộ, chuyện chuyển nhượng chỗ công cộng để bán hàng “ngầm” không phải hiếm. Thậm chí chỉ cần dựa lưng vào tường hoặc đặt ngay một cái bàn nhỏ để đặt mấy bao thuốc, hộp kẹo cũng phải mua chỗ.
Ngoài việc nộp tiền cho “bảo kê” thì những người buôn bán ở mặt ngõ, vỉa hè khu phố cổ còn phải qua nhiều “cửa” khác mới giữ được chỗ bán thân quen của mình... Và việc chuyển nhượng đất ở những con ngõ để buôn bán hàng quán bằng giao dịch miệng cứ thế cũng trở thành một điều quá bình thường.
Lấn chiếm gây mất trật tự
Không biết từ bao giờ vỉa hè, vườn hoa ven Hồ Tây (Hà Nội) đã đầy những hàng quán cà phê, trà chanh, bia hơi… khiến người dân Thủ đô không còn không gian công cộng để di chuyển, tập thể dục mỗi ngày.
Lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh là thực trạng đã và đang diễn ra tại vỉa hè tuyến đường dạo Hồ Tây. Phớt lờ các quy định, các hộ kinh doanh trên tuyến phố này thản nhiên bày hàng quán, bàn ghế, chiếu... lấn chiếm vỉa hè nhằm mục đích kinh doanh, đẩy người đi bộ xuống lòng đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.
Rõ ràng, sự tồn tại của các hàng quán và ý thức kém của một số người dân đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan của Hồ Tây. Nói như vậy là bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, một lượng rác thải không nhỏ từ các quán nước, quán ăn lấn chiếm vỉa hè đã bị vứt thẳng xuống dưới hồ.
Hàng quán, ô tô xe máy vây kín vỉa hè, lòng đường, mái che, mái vẩy choán cả không gian giao thông là thực trạng đang xảy ra tại hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như phố Trương Định (đoạn từ Ngã Tư Tân Mai đến cầu Sét), khu vực quanh hồ Phương Liệt (quận Thanh Xuân), phố Trần Đại Nghĩa (ngay trước UBND phường Trương Định), đường La Thành, Chùa Láng, phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo…
Tại phố Trương Định (đoạn từ Ngã Tư Tân Mai đến cầu Sét), hay đường La Thành (đoạn từ ngã 5 Ô Chợ Dừa kéo đến ngã 4 La Thành - Láng Hạ - Giảng Võ) nơi vỉa hè rộng hơn 1m gần như đã bị các hộ dân ở đây chiếm dụng hoàn toàn để kinh doanh, buôn bán muôn loại hàng hóa. Trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng bốc xếp vật liệu xây dựng, sắt thép ngay giữa lòng đường trong khung giờ giao thông cao điểm gây ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn.
Ông Đoàn Ngọc Minh, trú tại phường La Thành bức xúc: “Mỗi lần đi qua đoạn đường này, tôi thấy rất nguy hiểm khi những ống sắt thép được bốc dỡ chắn cả đường đi. Nhiều nhân công bốc dỡ không để ý xe cộ đi lại, có khi quẹt cả vào người đi đường hoặc va chạm với ô tô, xe máy”.
Việc lòng đường, vỉa hè bị tái chiếm, nhan nhản bãi trông giữ xe không phép trên địa bàn Hà Nội vẫn ngang nhiên tồn tại đã phản ánh sự thiếu quyết liệt, nếu không nói là làm ngơ của chính quyền địa phương, ngành chức năng TP trong xử lý vi phạm. Trong đó, vỉa hè, lòng đường luôn là nơi “nóng bỏng” về vi phạm trật tự đô thị. Dù đóng vai trò là lối dành riêng cho người đi bộ, nhưng thực thế tại Thủ đô cho thấy, vỉa hè ở hầu khắp các tuyến phố đang hoán đổi thành nơi kinh doanh, thu lợi cho một bộ phận cá nhân.
Người dân TP ngày ngày luôn phải chứng kiến cảnh ô tô, xe máy vây kín vỉa hè phố Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu, La Thành; thậm chí ô tô đỗ cả ngày lẫn đêm ngay cả trên cầu (như tại cầu Khỉ - nối đường Giải Phóng và phố Nguyễn An Ninh). Hay các điểm trông giữ xe trái phép chiếm cả phần đường, bến đỗ xe buýt cũng rất phổ biến.
Không chỉ bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh buôn bán, việc trở thành nơi tập kết, bãi trông giữ ô tô… quá tải trọng đã làm không ít vỉa hè trên các tuyến phố Hà Nội sụt lún, hư hỏng, dù vừa mới được đầu tư, nâng cấp chưa lâu. Đó có thể kể đến vỉa hè các tuyến đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Bà Triệu, Nguyễn Đình Chiểu…
Ông Ngô Thế Anh - Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, chủ đầu tư cải tạo nâng cấp vỉa hè trên địa bàn cho biết: “Thực tế, có những điểm vỉa hè bị bong trốc trong thời gian bảo hành. Vỉa hè những nơi được khai thác thành điểm đỗ ô tô như ở bãi xe ở phố Nguyễn Đình Chiểu là mác bê tông 250 thay vì 150 như nơi bình thường khác để đảm bảo”.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng, mục tiêu lập lại trật tự văn minh đô thị ở vỉa hè của Hà Nội vẫn luôn là vấn đề nóng. Và thực tế, văn hóa vỉa hè là một văn hóa không xấu, thế nhưng cách quản lý kinh tế vỉa hè hiện nay khiến một nét đẹp tưởng là rất văn hóa lại trở nên kém văn minh.
Theo khảo sát sơ lược năm 2021, tại quận Đống Đa có trên 600 hộ bán trà đá, khoai nướng, sắn luộc... mưu sinh ở vỉa hè, trong đó khoảng 300 hộ bán trà đá.
"Với tất cả hình thức kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ trên phố, dù có cửa hàng cố định hay ở trong nhà đi nữa thì vỉa hè vẫn được sử dụng cho việc kinh doanh, còn các hàng quán trên vỉa hè, hàng rong vỉa hè trở thành nơi mưu sinh chính của họ. Từng mét đất trên vỉa hè đều trở thành không gian quý giá cho hoạt động mưu sinh." - THS.KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia)
(Còn nữa)