>>> Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị: Bài 3:Gắn kết hợp tác, phát triển
>>> Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị -Bài 2: Tiếp sức cho ngoại thành
>>> Hà Nội đưa nông thôn tiến gần thành thị - Bài 1: Khó khăn những ngày đầu hợp nhất
Sau nhiều năm theo dõi, trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai của TP Hà Nội, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách
Thông báo số 443/TB-TU ngày 30/10/2016 của Thành ủy Hà Nội đề nghị các quận hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới trong từng năm và theo từng giai đoạn. Chủ trương đúng đắn, kịp thời đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp chính quyền và Nhân dân 12 quận nội thành.
Mặc dù vậy, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách, do phương thức hỗ trợ ngân sách từ quận dành cho các huyện là “chưa có tiền lệ”. Với tinh thần“vừa làm, vừa tháo gỡ”, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo UBND TP Hà Nội, các sở, ngành phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ các quận tiến hành thủ tục pháp lý liên quan đến việc hỗ trợ ngân sách Nhà nước cho các huyện, thị xã xây dựng nông thôn mới. Dù vậy, quy trình hỗ trợ trong thời gian dài vẫn mang đến nhiều khó khăn dành cho các quận khi muốn hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện cơ chế “chưa có tiền lệ” hỗ trợ ngân sách từ quận dành cho các huyện của TP Hà Nội, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Theo Nghị quyết số 115, thẩm quyền quyết định cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thuộc HĐND TP Hà Nội.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã giúp TP Hà Nội cũng như các quận giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến chi ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở thuận lợi để các quận tiếp tục ủng hộ và bố trí ngân sách thực hiện chủ trương hỗ trợ các huyện theo tinh thần Thông báo số 443/TB-TU của Thành uỷ Hà Nội.
Sau khi Nghị quyết số 115/2020/QH14 được ban hành và căn cứ Nghị định số 40/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, tại Kỳ họp thứ 18 (diễn ra từ ngày 7 - 9/12/2020), HĐND TP Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 22/NQ-HĐND về việc cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội cũng nêu rõ yêu cầu HĐND và UBND các huyện sau khi nhận được kinh phí từ các quận cần khẩn trương giao kế hoạch vốn đến từng dự án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công. Nguồn vốn của các quận thực hiện hỗ trợ là ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác, đó là sự sẻ chia của người dân nội thành đối với địa bàn còn nhiều khó khăn. Sự sẻ chia trên là động lực to lớn giúp các huyện hoàn thành tiêu chí cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tiến những bước dài trên hành trình xây dựng nông thôn mới.
Trợ lực về đích nông thôn mới
Nhờ nguồn lực hỗ trợ thiết thực, có ý nghĩa của các quận, đến nay toàn TP đã có 15/18 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện, huyện Ứng Hòa đang trình Hội đồng T.Ư thẩm định hồ sơ, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hà Nội hiện còn hai huyện đang phấn đấu về đích trong năm 2022 là Mỹ Đức và Ba Vì.
Thực tế, nguồn vốn đầu tư là bài toán nan giải đối với các huyện ngoại thành, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có xuất phát điểm rất thấp như Mỹ Đức hay Ba Vì. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, huyện được các quận hỗ trợ gần 138 tỷ đồng, góp phần giúp 21/21 xã trên địa bàn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Tại huyện Ba Vì, vào đầu năm nay, địa phương cũng được quận Bắc Từ Liêm hỗ trợ xây dựng hai nhà văn hóa thôn, với tổng trị giá 5 tỷ đồng. Cùng với nguồn lực hỗ trợ thường xuyên hàng năm từ TP Hà Nội, Ba Vì kỳ vọng có thể cán đích “Huyện nông thôn mới” trong năm 2022.
Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Hồng Trang cho biết, thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, UBND quận đã báo cáo Thường trực HĐND quận và được phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, quận sẽ tiếp tục dành nguồn kinh phí khoảng 98 tỷ đồng để hỗ trợ cho các huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới.
Theo đánh giá của Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, nguồn vốn hỗ trợ của các quận dành cho các huyện đã giúp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP đạt được những bước tiến nhanh hơn cả về lượng và chất. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi sắc, góp phần rút ngắn khoảng cách khu vực ngoại thành với các đô thị.
Nghị quyết số 22/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội cho phép 6 quận sử dụng ngân sách hỗ trợ 8 huyện xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 115/2020/QH14. Tổng mức đầu tư để thực hiện xây dựng 18 công trình là hơn 676 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách các quận hỗ trợ 370 tỷ đồng, còn lại là ngân sách TP hỗ trợ và vốn đối ứng từ các địa phương được thụ hưởng.
Các dự án thuộc 3 nhóm lĩnh vực gồm: Giáo dục, y tế và văn hóa. Trong đó, giáo dục sẽ là lĩnh vực trọng tâm đầu tư, với tổng số 12 dự án, cùng tổng kinh phí dự kiến gần 647,5 tỷ đồng (các quận sẽ hỗ trợ các huyện khoảng 358 tỷ đồng). Các địa phương được hỗ trợ gồm: Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Phú Xuyên,
Sóc Sơn, Ứng Hòa và Mê Linh. Trong đó, huyện Phúc Thọ sẽ được hỗ trợ ngân sách từ các quận lớn nhất với khoảng 68 tỷ đồng.
(Còn nữa)