Với mỗi người con Hà Nội, đến với Trường Sa không chỉ mang theo hơi ấm đất liền để tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân trên đảo, còn trải qua biết bao cung bậc cảm xúc khi được ngắm nhìn Tổ quốc nơi đầu sóng. Càng thiêng liêng biết bao khi mạch đập chủ quyền cùng lan tỏa để rồi trong mỗi người tình yêu đất nước cứ ngày càng da diết và sâu nặng hơn tự lúc nào.
Đến nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mới thấy, quần đảo Trường Sa hiện nay có thể ví như một “ngôi nhà lớn” không chỉ với các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân sinh sống tại đây mà còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Những năm qua, cơ sở vật chất trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: âu tàu, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá… được xây dựng đồng bộ hơn và luôn sẵn sàng đồng hành cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt thuỷ sản, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Được biết, hiện trên quần đảo Trường Sa đang duy trì 4 âu tàu tại các đảo (Song Tử Tây, Đá Tây, Sinh Tồn, Trường Sa lớn) và hàng năm hỗ trợ hơn 6.000 lượt tàu cá. Những âu tàu đã trở thành điểm nghỉ chân, tránh trú bão quen thuộc của bà con ngư dân khi thực hiện khai thác thủy sản xa bờ.
Anh Nguyễn Thành Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A cho biết, Trung tâm hiện đang thực hiện cung ứng các dịch vụ như: đá cây, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm… bằng với giá trong đất liền. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ cung cấp nước ngọt và sửa chữa tàu miễn phí tiền công cho ngư dân. Hiện nay công suất hoạt động của Trung tâm luôn bảo đảm cho bà con ngư dân các dịch vụ thiết yếu như trong đất liền để giúp họ yên tâm đánh bắt thủy sản dài ngày trên biển. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung tâm đã đón hơn 200 lượt tàu cá.
Vào Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A để mua đá cây, ngư dân Lê Văn Minh cho biết, những Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên các đảo ở quần đảo Trường Sa như này thực sự là điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Âu tàu tại đây có diện tích hơn 13ha được chắn gió bằng đê kè, sức chứa cùng lúc hơn 200 tàu cá thuận lợi cho ngư dân tránh trú bão trong những đợt đánh bắt xa bờ. Khi các tàu vào tránh trú bão, bà con ngư dân cũng được hỗ trợ nơi ở miễn phí thực sự rất thuận tiện.
Không chỉ hỗ trợ về hậu cần, huyện đảo Trường Sa còn là điểm tựa về sức khỏe cho ngư dân. Những trung tâm y tế, bệnh xá tại đây có đủ trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho ngư dân mỗi khi cần cứu chữa và luôn sẵn sàng vận chuyển cấp cứu bệnh nhân bằng tàu biển hay máy bay trực thăng về đất liền khi cần thiết.
Trong chuyến công tác, chiều ngày 23/4, khi Đoàn công tác TP Hà Nội vừa thực hiện xong Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn, được biết tại Trung tâm y tế trên đảo vừa tiếp nhận một ngư dân chuyển đến cấp cứu. Qua thăm khám lâm sàng xác định bệnh nhân có thể bị viêm ruột thừa.
Có mặt tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn khi trời đã tối, vừa bước chân vào tới cửa chúng tôi bắt gặp Trung tá Nông Hữu Thọ - tiến sĩ, bác sĩ, Bệnh xá trưởng Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn với bộ trang phục vẫn còn ướt đẫm mồ hôi sau khi vừa thực hiện xong ca phẫu thuật cho ngư dân được chuyển đến lúc chiều.
Biết chúng tôi là thành viên Đoàn công tác TP Hà Nội ra thăm đảo và đang quan tâm đến công tác cứu chữa ngư dân tại đây, bác sĩ Nông Hữu Thọ chia sẻ, chiều ngày 23/4, Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn tiếp nhận một bệnh nhân nam 36 tuổi. Bệnh nhân này trước đó trong quá trình hoạt động canh tác trên ngư trường xuất hiện triệu chứng đau âm ỉ vùng thượng vị và được đưa vào bệnh xá đảo Thuyền Chài cấp cứu. Sau 4 ngày chưa đỡ đau các bác sĩ ở đây tiến hành hội chẩn và được chuyển tới Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn.
Ngay khi có thông tin, Phòng Quân y Quân chủng Hải Quân và Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Chỉ huy đảo Trường Sa lớn đưa bệnh nhân vào đảo sớm, nhanh nhất. Tại Trung tâm y tế đảo Trường Sa lớn, sau khi tiếp nhận bệnh nhân các bác sĩ ở đây đã tiến hành làm các xét nghiệm thường quy, cấp cứu; sau đó, tiến hành hội chẩn với Bệnh viện Quân y 175 qua hệ thống Telemedicine và kết quả chuẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp.
Khi hội chẩn xong, các bác sĩ tại đây đã nhanh chóng tiến hành phẫu thuật. Với các trang thiết bị hiện có tại Trung tâm y tế trên đảo, bệnh nhân đã được phẫu thuật kịp thời và thành công. “Qua đây có thể thấy, người dân cũng như ngư dân khi gặp tình huống cần cứu hộ, cứu nạn, có thể hoàn toàn yên tâm khi có chỗ dựa về y tế là các bệnh xá tại các đảo để vươn khơi, bám biển” - bác sĩ Nông Hữu Thọ chia sẻ.
Có lẽ đến Trường Sa, điều đáng nhớ nhất với các thành viên trong Đoàn công tác TP Hà Nội chính là được tham dự Lễ chào cờ đặc biệt tại cột mốc chủ quyền quốc gia cùng quân và dân trên đảo Trường Sa lớn.
Giữa bốn bề sóng vỗ, trong cái nắng chói chang trên đảo Trường Sa lớn, trước cột mốc chủ quyền và lá cờ Tổ quốc, từng lời bài hát Quốc ca của các cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo Trường Sa lớn trong lễ chào cờ vang lên với khí thế hào hùng, thiêng liêng đầy kiêu hãnh, tự hào. Sau tiếng hô dõng dạc, dưới lá cờ Tổ quốc đang tung bay đầy kiêu hãnh giữa nền trời xanh thẳm, từng lời bài hát “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng át tiếng sóng biển ngoài khơi xa.
Với mỗi thành viên tham gia Lễ chào cờ tưởng chừng như từng lời bài hát đã thuộc nằm lòng từ tấm bé nhưng nay khi được hát vang những ca từ hào hùng ấy giữa quần đảo anh hùng trong trái tim mỗi người đều cảm thấy thổn thức, tự hào, xúc động khó tả. Cảm xúc đó không thể gọi tên, đơn giản vì đó chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc.
Dưới lá cờ, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên hòa trong tiếng sóng, giữa biển trời của Tổ quốc. Đó cũng là lời khẳng định đanh thép của quân và dân trên đảo quyết tâm vượt qua mọi thử thách, bảo vệ chủ quyền biển đảo - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Ngay sau đó, dưới nền nhạc "Tiến bước dưới quân kỳ", nghi thức duyệt binh mang khí thế hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thực hiện trước cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc. Với tác phong uy nghiêm, mạnh mẽ, từng bước đi của người lính thể hiện quyết tâm luôn tiến về phía trước, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu Tổ quốc vẫn vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng.
Giữa trùng khơi, Lễ chào cờ đặc biệt ấy như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Ở cột mốc chủ quyền nơi biển đảo xa xôi, trên mảnh đất thấm máu của cha ông, mỗi người con đất Việt càng thấm thía hai tiếng thiêng liêng - Tổ Quốc.
Trường Sa hôm nay đã có cơ sở hạ tầng khang trang hiện đại, nhiều công trình nhà ở, trường học, trung tâm y tế, bệnh xá, các thiết chế văn hóa… được đầu tư xây dựng. Đời sống của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng được cải thiện. Để có được điều này, có sự đóng góp mồ hôi, công sức, sự hy sinh thầm lặng của quân và dân Trường Sa những người coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Đồng thời đây cũng là thành quả to lớn của các phong trào mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước đã hướng về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Trở về đất liền, với 120 thành viên trong Đoàn công tác TP Hà Nội là ngần ấy trái tim đồng cảm, khâm phục trước nghị lực, ý chí kiên trung của những người lính vượt lên bao khó khăn, thử thách đang chắc tay súng bảo vệ sự yên bình vùng biển nơi đầu sóng, ngọn gió. Rời Trường Sa đã hơn 1 tháng nhưng cảm xúc của tôi lúc này thật đúng như trong lời bài hát “Bâng Khuâng Trường Sa” của Nhà báo Lê Đức Hùng đã viết: “Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương/ Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui/ Biển dẫu yên, lòng ta lay động...”!.
05:25 02/06/2024