Chất lượng đại biểu HĐND các cấp chưa đồng đều
Phó Bí thư Đảng đoàn HĐNĐ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, cùng với những kết quả đạt được trong thực hiện Đề án 15-ĐA/TU, vẫn còn một số hạn chế như: một số quận, huyện chưa kiện toàn đủ số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; công tác quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ chuyên trách của HĐND đã được quan tâm, tuy nhiên việc bố trí Ủy viên Thường trực HĐND tham gia cấp ủy chưa đạt được kết quả cao...
Cùng với đó, chất lượng đại biểu HĐND các cấp chưa đồng đều - đặc biệt ở cấp huyện, xã. Một số địa phương do cơ cấu đại biểu vẫn còn ở cơ quan hành chính nên việc tham gia của đại biểu HĐND vào các hoạt động của HĐND trong đó có hoạt động giám sát còn hạn chế. Thêm vào đó, nhiều đại biểu HĐND các cấp còn mang tâm lý nhiệm kỳ, nể nang, ngại va chạm nên đôi khi chưa quyết liệt trong việc chất vấn tại kỳ họp hoặc phát biểu tại các cuộc giám sát chuyên đề ở cơ sở dẫn đến hoạt động giám sát còn hạn chế.
Ngoài ra, công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một số quận, huyện chưa tổ chức được hoạt động tiếp xúc cử tri chuyên đề theo kế hoạch. Một số Tổ đại biểu HĐND cấp quận, huyện chưa chủ động trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu của Đề án, nhất là trong việc tổ chức giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường, xã; tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề...
Tại quận Cầu Giấy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Văn Chiến cũng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại như công tác giám sát vẫn còn một số lĩnh vực chưa được triển khai. Hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND quận chưa phát huy hiệu quả; số lượng chuyên viên giúp việc cho Thường trực, các Ban HĐND quận còn mỏng; cơ chế mời chuyên gia trong công tác thẩm tra, giám sát chưa được thực hiện.
Còn tại huyện Phú Xuyên, Chủ tịch HĐND huyện Trần Công Thành cho biết, cùng với những kết quả đạt được, trong việc thực hiện Đề án 15-ĐA/TU vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như khi một số xã, thị trấn chưa kiện toàn đủ số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo Đề án. Việc bố trí Ủy viên Thường trực HĐND tham gia cấp ủy cũng chưa đạt được kết quả cao. Cùng với đó, hoạt động của HĐND ở một số xã chưa đồng đều. Do cơ cấu đại biểu kiêm nhiệm nên hoạt động của HĐND đạt kết quả chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát còn chưa được thường xuyên, năng lực của một số đại biểu HĐND trong việc thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế...
Đối với huyện Đông Anh, một trong những yếu tố khiến lãnh đạo Huyện ủy băn khoăn khi thực hiện Đề án số 15-ĐA/TU là thời gian tới, khi Đông Anh thành quận, sẽ không tổ chức HĐND ở phường. "Vì vậy việc bố trí, sắp xếp các đại biểu HĐND chuyên trách của các xã, thị trấn sẽ gặp khó khăn (hiện nay nhiều Phó chủ tịch HĐND cấp xã không phải là công chức" - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Văn Cường bày tỏ.
Còn khó trong bố trí lực lượng đại biểu chuyên trách HĐND
Đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế từ thực tiễn nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà chỉ ra một số nguyên nhân gồm: Đây là năm đầu tiên thực hiện triển khai Đề án số 15-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy vì vậy một số đơn vị còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện.
Song song đó, các quy định pháp luật về tổ chức và cơ chế hoạt động của HĐND các cấp còn một số hạn chế, chậm được ban hành hoặc hướng dẫn, bổ sung, sửa đổi như: Quy định số đại biểu chuyên trách ít; các ban của HĐND TP không có bộ phận giúp việc ổn định, chuyên sâu do chuyên viên vừa giúp việc cho văn phòng, vừa giúp việc cho các Ban; các chế độ chính sách chưa thực sự động viên, khuyến khích các đại biểu dân cử hoạt động…
Đồng thời, các đại biểu HĐND tham gia theo nhiệm kỳ nên không ổn định, thiếu tính chuyên nghiệp. Mặt khác, xuất phát từ tính đại diện (đại biểu HĐND được phân bổ theo cơ cấu) nên năng lực, trình độ một số đại biểu còn có những hạn chế nhất định. Số lượng, chất lượng đại biểu tuy đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi thực tế. Năng lực, trình độ chuyên môn của một số đại biểu HĐND còn hạn chế, nhất là ở cấp cơ sở. Ngoài ra, một số đại biểu là lãnh đạo cơ quan chuyên môn của UBND nên ngại va chạm, ít phát biểu, chất vấn.
Thêm vào đó, nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị của một bộ phận cán bộ còn chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, quán triệt vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Thường trực HĐND một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong xử lý việc chậm thực hiện kiến nghị, kết luận của HĐND nên hiệu lực, hiệu quả của việc giám sát còn hạn chế, nhiều khi còn hình thức. Công tác phối hợp giữa Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND ở một số đơn vị với UBND, cơ quan chức năng cùng cấp chưa đồng bộ, hiệu quả. Biên chế cán bộ của Văn phòng HĐND - UBND cấp huyện để giúp việc HĐND còn ít, chưa đủ để phục vụ hoạt động của HĐNĐ.
Có thể thấy, trong những nguyên nhân đã nêu thì yếu tố mấu chốt, quan trọng, cơ bản nhất để triển khai Đề án 15-ĐA/TU đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ vẫn là nằm ở năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ. Vì vậy, lời giải cho bài toán này chính là HĐND các cấp cần quan tâm triển khai các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn cho lực lượng chuyên trách HĐND.
(Còn nữa)