Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian văn hóa vỉa hè đi về đâu?

Bài cuối: Để Hà Nội thành nơi đáng sống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua nhiều năm, chính quyền các TP lớn, trong đó có Hà Nội, đều loay hoay tìm các giải pháp quản lý, chữa “căn bệnh nan y” lấn chiếm vỉa hè.

>>> Bài 1: Ký ức xưa và chuyện thời nay

>>> Bài 2: Văn hóa Kẻ chợ nơi vỉa hè

>>> Không gian văn hóa vỉa hè: Bất cập trong quản lý

Mặc dù tìm giải pháp quản lý vỉa hè không đơn giản, nhưng theo các chuyên gia hiện nay kinh tế số phát triển, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao là những thuận lợi để Hà Nội có thể thiết lập lại trật tự vỉa hè trong tình hình mới.

Du khách tản bộ trên vỉa hè đường Thanh Niên, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Du khách tản bộ trên vỉa hè đường Thanh Niên, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Bài cuối: Để Hà Nội thành nơi đáng sống - Ảnh 1

KTS Đoàn Kỳ Thanh: Quy hoạch vỉa hè phải đảm bảo “3 nhà” đều có lợi

Vỉa hè lại gắn với đường và phố. Tuy nhiên, trong thiết kế, quy hoạch, quản trị đường phố Hà Nội đang bị lẫn giữa hai khái niệm. Đường sẽ không được đỗ, dừng xe; phố thì ngược lại. Cũng có nghĩa, trên đường không yếu tố nào được gây cản trở, nhưng phố thì thoải mái hơn, tự vận hành theo cách của nó. Do đó, vỉa hè gắn với đường và phố khác nhau.

Nhiều người nói rằng, vỉa hè dành cho người đi bộ. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Vỉa hè có 4 công năng, không chỉ là giao thông động, giao thông tĩnh mà còn là không gian tương tác xã hội, không gian thương mại. Trên cơ sở các công năng của vỉa hè, Nhà nước nên quy hoạch, tính toán để “3 nhà” đều có lợi: Nhà nước - chính quyền có thể cho thuê vỉa hè, làm dịch vụ thương mại, giao thông tĩnh; nhà dân - Nhân dân có vỉa hè để đi, có dịch vụ để cung cấp; chủ nhà gắn với vỉa hè được kinh doanh.

Cùng với đó, quy hoạch vỉa hè cần đáp ứng cả 2 điều kiện không gian và thời gian. TP Hà Nội có thể quy hoạch địa điểm (không gian) để mọi người thể kinh doanh trong những khoảng thời gian nhất định, ví dụ chỉ được bán từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều, buổi tối không cho phép. Trong quy hoạch, chính quyền cần kẻ vạch, cắm biển báo múi giờ và cho người dân được quyền thuê lại vỉa hè, ngồi vỉa hè ăn uống. Nếu họ lấn ra thì phạt thật nặng.

Để 3 nhà đều có lợi cần phải thực hiện đồng bộ, hành động theo nguyên tắc: Nhà nước đưa ra luật, cộng đồng giám sát thực thi. Bên cạnh đó, nếu cộng đồng phát hiện vi phạm thì báo cáo chính quyền xử lý. Chính quyền thay vì kiểm tra liên tục, thường xuyên, chỉ cần lập một kênh để báo cáo sai phạm, có thể phạt nguội bằng hình ảnh. Đồng thời, TP Hà Nội cần có những chính sách khuyến khích người dân và chính quyền cùng nhau chăm sóc, bảo trì, bảo dưỡng vỉa hè.

Ở góc độ quy hoạch, TP Hà Nội cần lập bản đồ, đo đạc tổng diện tích của vỉa hè. Sau đó, quy hoạch bao nhiêu phần trăm cho giao thông tĩnh và động. Bởi, đáp ứng giao thông tĩnh nhiều quá chưa chắc đã tốt. Nhiều TP trên thế giới có ít chỗ để xe ô tô lại là nơi có chất lượng sống cao. Tôi cho rằng nếu chạy theo việc đáp ứng nhu cầu thì mãi mãi không đủ.

Di sản đô thị chính là “hình, lý và khí”. Trong đó, “khí” là yếu tố làm nên thành di sản sống, chất đời sống là “khí” do con người đi lại, hoạt động sinh hoạt tạo ra. Mặt khác, vỉa hè được quy hoạch, quản lý tốt sẽ làm cho bất động sản đô thị tăng. Giá trị bất động sản phụ thuộc vào giao thông, và tốc độ giao thông. Người đi càng chậm thì giá càng cao, muốn đi chậm thì phải đi bộ.

Nhìn từ vỉa hè có thể thấy thế nào là một TP đáng sống, TP chất lượng cao. Ở các TP lớn như Amsterdam hay Paris, người dân vẫn ngồi ăn uống ở vỉa hè. Vỉa hè ở Hà Nội không nhếch nhác mà là do cách quy hoạch, tổ chức quản lý.

Bài cuối: Để Hà Nội thành nơi đáng sống - Ảnh 2

Thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương: Cần bám sát vào thực tiễn để đề ra phương thức quản lý hiệu quả

Ngành xây dựng Trung Quốc đúc kết được quy tắc vàng: “Ba phần xây dựng, bảy phần quản lý”. Thực vậy, công trình xây dựng ra mà không bỏ nhiều công sức tiền của để quản lý thì hiệu quả, tính năng kỹ thuật và tuổi thọ kinh tế sẽ rất kém cỏi. Thế nhưng tình hình ở nước ta lại như ngược lại - “Bảy phần xây dựng, ba phần quản lý”, đó là vì chính quyền chỉ coi trọng xây dựng, xem quản lý là công việc thầm lặng, thành tích này ít ai biết đến.

Tại thủ đô Washington (Mỹ), quy hoạch không gian tuyến phố luôn quy định giành ít nhất 1,5m đường bộ theo đạo luật về người khuyết tật Mỹ (ADA). Các hộ kinh doanh trên không gian vỉa hè phải thực hiện xin phép với chính quyền đô thị về phương thức, sản phẩm và thời gian kinh doanh.

Căn cứ theo quy hoạch tuyến phố và điều luật về kinh doanh trên vỉa hè đã được thiết lập, chính quyền sẽ cấp phép và quản lý hộ kinh doanh trên vỉa hè. Quy hoạch tại một số tuyến phố cũng bố trí không gian vỉa hè cho kinh doanh sát với nhà dân để hạn chế lấn chiếm không gian vỉa hè cho người đi bộ.

Tại nước Anh, chính quyền đô thị đã đặt ra những quy định rõ ràng để vỉa hè được tận dụng làm nơi kinh doanh, giao lưu văn hóa nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như quyền lợi của người đi bộ. Phí sử dụng vỉa hè và quy trình cấp và đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website bao gồm cả các chi tiết cụ thể như hộ kinh doanh sử dụng 5 bộ bàn ghế trở xuống với phí hàng tháng là 922 USD, từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD.

Để quản lý hè phố tốt thì phải có phương thức quản lý đúng và tổ chức quản lý phù hợp. Về phương thức quản lý, có hai quy tắc rất quan trọng. Thứ nhất là quy tắc 3 i, gồm information (thông tin), incentive (khuyến khích) và interdiction (cấm đoán), cứ theo trật tự đó mà làm việc. Thứ hai là “Chỉ cấm đoán khi chi phí cho việc cấm đoán thấp hơn lợi ích mà việc cấm đoán đó đem lại”. Nhiều thất bại trong quản lý hè phố xuất phát từ việc không tôn trọng các quy tắc này.

Có thể ví dụ như việc cấm hoạt động thương mại đối tượng nhắm đến là những người bán hàng rong trên vỉa hè không thuộc tuyến đường cho phép được quy định tại Chương II Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16/03/2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh

. Nhưng thực tế, hiện nay việc kiểm soát không chặt chẽ và các gánh hàng rong, xe thồ hay quán nước vẫn hoạt động - bởi đó là nhu cầu mưu sinh và lượng người tham gia rất đông. Hay việc xử lý những trường hợp dừng đỗ xe trên vỉa hè để mua hàng, bắt đầu từ tháng 1/2015 chiếu theo Khoản 3 Điều 6 Nghị định 171 của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính đối với lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Điều bất cập ở đây, tại các tuyến phố cấm để xe nhưng các hộ sở hữu nhà mặt phố trên các tuyến phố vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Đây là mâu thuẫn vì không có chỗ để xe thì không thể có hoạt động dừng mua bán, trao đổi thương mại.

Mặt khác, việc quy hoạch các bãi để xe hay tổ chức trông giữ xe còn quá thiếu thốn. Như vậy, trên thực tế, việc quản lý hè phố chưa bám sát vào thực tế phát triển và phương thức hoạt động của hè phố ở nước ta.

Để giải quyết các vấn đề trên cần quản lý tốt không gian vỉa hè theo các chức năng chính, phù hợp bởi yêu cầu sử dụng thực tiễn và sinh hoạt của người dân. Trước hết, cần lập Quy chế quản lý tuyến phố quy định trách nhiệm, quyền hạn và trình tự xử lý nhằm giảm thiểu các bước xét duyệt, gọn nhẹ khi tra cứu và linh động đối với tính đặc thù của từng tuyến phố. Cần đầu tư nguồn nhân lực và nhân lực để lập bản đồ (số hóa) đầy đủ về cơ sở vật chất và hoạt động trên tuyến phố để thiết lập. Đây chính là những cơ sở cần thiết để có thể triển khai mạnh mẽ và đồng bộ công tác quản lý hè phố theo chức năng.

Bài cuối: Để Hà Nội thành nơi đáng sống - Ảnh 3

KTS Trần Huy Ánh: Xây dựng kinh tế chia sẻ trên vỉa hè

Vỉa hè bị chiếm dụng suốt một thời gian dài là do sự quản lý lỏng lẻo và việc tổ chức giao thông có phần tùy tiện. Khi vỉa hè bị mất đi chức năng dành cho người đi bộ, những hộ kinh doanh hai bên đường lại phải cơi nới và làm đủ mọi cách để tiếp cận, tạo sự thu hút của mình với người đi xe trên đường. Từ đó dẫn đến sự hỗn loạn khi vỉa hè phải “gồng gánh” những chức năng không phải của nó.

Tôi đánh giá việc thí điểm cho thuê vỉa hè ở 5 tuyến phố ở quận Hoàn Kiếm là phù hợp với nền kinh tế thị trường, đảm bảo công bằng giữa các chủ thể, giữa tài sản công với tài sản tư nhân với mức giá ngang bằng với nhau. Như vậy, chúng ta tạo nên một hoạt động phát triển sinh kế, khai thác hạ tầng đô thị công bằng.

Trật tự trong kinh doanh thương mại và quản lý vỉa hè lòng đường cũng văn minh, đã được rất nhiều TP khác trên thế giới thực hiện. Thí điểm cho thuê vỉa hè ở 5 tuyến phố của quận Hoàn Kiếm cần được kiểm tra, giám sát đánh giá nguồn lợi đem về, kể cả tác động đến sự phát triển của đô thị. Sau khi thí điểm mới quyết định nên mở rộng việc cho thuê vỉa hè hay là hạn chế cho thuê.

Mô hình giao toàn bộ vỉa hè cho DN là cách quản lý kinh tế chia sẻ. Không phải gia đình có vỉa hè là giành lại một góc tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, phản văn hóa. Khi đưa cho DN quản lý phải đảm bảo vệ sinh, trật tư an toàn giao thông đi lại, an ninh và chất lượng dịch vụ, hài hòa lợi ích tạo ra văn hóa sống cùng nhau.

Hơn nữa, lập lại trật tự ở vỉa hè không phải ra quân ầm ĩ mà dùng công nghệ số kiểm soát không gian bị chiếm dụng. Nghĩa là mọi nguồn thu phải được minh bạch hóa bằng công nghệ. Công nghệ này sử dụng tất cả các nước trên thế giới, không phải cái gì là sáng tạo.

Bài cuối: Để Hà Nội thành nơi đáng sống - Ảnh 4

Nhà văn Đỗ Phấn: Giữ lại những nét đẹp cho gánh hàng hoa bán rong

Dĩ nhiên là bất cứ cái gì sinh ra trên đời rồi cũng có ngày biến mất. “Bãi bể nương dâu ”, “Vật đổi sao dời”. May lắm thì kiếp người cũng chỉ được “Một đời ta muôn vàn đời nó” so với cái tăm. Cụ thể là khoảng bảy vạn chiếc tăm nếu như mỗi ngày dùng hai chiếc cho đến trăm tuổi với điều kiện răng chỉ mọc thêm chứ không rụng đi cái nào. Duy nhà Phật cho rằng có “kiếp” và có “chuyển kiếp”, còn lại không có thứ gì muôn năm cả. Đến như vỉa hè TP tưởng chừng là thứ bất biến thì cũng không phải thế. Còn đấy mà không phải.

Hình hài cái vỉa hè đã muôn phần đổi khác, không còn như trước: Những tuyến phố cũ trước hòa bình lát gạch chỉ khía vạch chéo chống; bờ hè được cạp bằng đá xanh; lối xe lên là những viên đá cắt chéo hạ dốc xuống bằng mặt đường. Đến nay, tất cả đều đã được lát gạch nhiều kiểu dáng màu sắc. Rất tùy hứng. Khát vọng tự do hình như dân phố đạt được đầu tiên là ở vỉa hè.

Dân giàu có chọn gạch cho vỉa hè trước cửa nhà mình chẳng giống ai. Lại hứng chí bày thêm hai chậu cây lộc vừng tổ bố giữa lối đi. TP cho lát đá xanh thí điểm vài con phố thấp gần sát mặt đường nhựa. Độ cao vỉa hè và độ nhám của gạch lát đã ăn sâu trong trí nhớ người Hà Nội xưa chẳng dùng vào việc đi đứng được nữa.

Tôi không thuộc tuýp người chỉ hoài cổ để đòi hỏi vỉa hè ngày nay phải đúng những chức năng như những năm 60 của thế kỷ trước. Bởi vì duy trì lối sinh hoạt vỉa hè thì không còn phù hợp với đời sống hiện đại, người ta không còn nhiều thời gian để chờ gánh hàng rong mua trên vỉa hè. Nhưng TP cũng cần quy hoạch các vỉa hè đủ rộng có không gian cho trẻ con vui chơi, người lớn tập thể dục, cơ quan đoàn thể có thể ra đó giải lao giữa trưa hoặc các hoạt động chào cờ đầu tuần.

Tôi cho rằng, vỉa hè Hà Nội không nhếch nhác mà là do cách tổ chức. Một trong những nét văn hóa đặc biệt của Hà Nội là những gánh hàng rong - điều mà thế giới đang mất dần. Có thể xem, gánh hàng rong chính là di sản sống của Hà Nội, thể hiện nhịp sống của Thủ đô, tạo nên sự hấp dẫn, đa dạng cho các sản phẩm du lịch, qua đó thu hút du khách. Để việc kinh doanh này không ảnh hưởng đến giao thông đô thị thì nên quy hoạch một vài khu vỉa hè thành nơi kinh doanh hoa cho các tiểu thương này.