Đứng trước những khó khăn mà xe buýt đang gặp phải, cần thực hiện liên tục, quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Bài 1: Thiếu không gian lưu thông
Bài 2: Bài toán nhân lực và hạ tầng
Ưu tiên không gian lưu thông
Trong bối cảnh toàn TP Hà Nội có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu mô tô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện, dù việc phát triển hạ tầng luôn được các cấp lãnh đạo của Hà Nội đã quan tâm, thúc đẩy nhưng vai trò của VTHKCC đối với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc vẫn cực kỳ quan trọng.
Trong đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt được coi là một trong những giải pháp khả thi, bền vững để từng bước giảm ùn tắc giao thông. Với sự xuất hiện của đường sắt đô thị, VTHKCC bằng xe buýt lại càng trở nên quan trọng hơn, là những mảnh ghép quyết định hiệu quả cho toàn bộ mạng lưới.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, bên cạnh các yếu tố thuộc về khách quan, bản thân xe buýt phải chủ động thực hiện các công việc như tổ chức mạng lưới, nâng cao chất lượng phương tiện, đào tạo lái xe, ứng dụng công nghệ, kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm, thông tin tuyên truyền… Đặc biệt, cần nhìn nhận lại việc ưu tiên cho xe buýt.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để thu hút được hành khách sử dụng xe buýt, phải khắc phục ngay tồn tại, ưu tiên cải thiện điều kiện vận hành cho xe buýt để xe buýt đi nhanh hơn, đúng giờ hơn. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng để hấp dẫn hành khách.
Ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ: “Hiện có nhiều loại hình minh chứng cho việc ưu tiên cho xe buýt sẽ thu hút được khách hàng như xe BRT, dù còn nhiều chỉ trích nhưng rõ ràng, thành phần đi lại thường xuyên chính là cán bộ, công chức. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với học sinh, sinh viên. Nhanh hơn một chút, đúng giờ hơn một chút là người dân lựa chọn. Nhân viên công sở văn phòng dọc hành lang BRT có nhiều người bỏ cả ô tô và chuyển sang đi BRT”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải lấy ví dụ về tàu điện trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đang thu hút được rất đông hành khách. Những người sống, làm việc dọc hành lang này đều lựa chọn tàu điện trên cao. Như vậy, để xe buýt thu hút được người dân, loại hình này cần được ưu tiên, di chuyển thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn trên đường phố.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, muốn thống nhất hạ tầng phải ưu tiên quỹ đất cho xe buýt. Quỹ đất là để xây dựng hạ tầng làm điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ. Bên cạnh đó, phải ưu tiên xe buýt trong tổ chức giao thông. Trong giờ cao điểm, phải ưu tiên cho xe buýt, đảm bảo thuận tiện nhất cho phương tiện này di chuyển.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ tập trung vào các giải pháp chính như: Rà soát mạng lưới, đánh giá hiệu quả xem tuyến nào cần phải điều chỉnh; tiếp tục tăng khả năng tiếp cận của xe buýt”.
Đối với hạ tầng xe buýt, ông Nguyễn Tuyển cho biết, cơ quan chức năng cũng phải rà soát, đánh giá, không để tình trạng lợi dụng điểm dừng/nhà chờ xe buýt vào mục đích khác, tình trạng ô nhiễm điểm dừng đỗ xảy ra.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất TP những chỗ nào mở làn đường riêng cho xe buýt. Giả sử đến năm 2025, để đáp ứng được tỷ lệ 30 - 35% lượng hành khách sử dụng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt, tại sao lại không ưu tiên 1 làn cho phương tiện này ở những tuyến đường có 3 làn. Từ sự ưu tiên này, người dân có sự so sánh đi xe buýt thuận tiện hơn đi xe cá nhân và tự giác chuyển sang xe buýt” - ông Nguyễn Tuyển chia sẻ.
Khắc phục nguyên nhân chủ quan
Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn bởi nguyên nhân khách quan gây ra, nhiều nguyên nhân chủ quan cũng được các chuyên gia trong lĩnh vực VTHKCC cho rằng cần sớm được khắc phục, thay đổi.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, muốn tăng lượng hành khách cho xe buýt, cần đảm bảo những yếu tố xung quanh, kết nối xe buýt như: Đường cho người đi bộ từ khu dân cư đến trạm xe buýt; điểm chờ xe phải sạch sẽ, an toàn.
“Nhiều khu vực, hành khách bước xuống xe buýt là đã có một loạt xe máy để tràn trên vỉa hè, lấn toàn bộ phần đường cho người đi bộ, buộc người đi bộ phải xuống lòng đường đi cùng xe máy, xe ô tô, rất mất an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, trong TP Hà Nội, có rất nhiều vị trí bến xe buýt nằm cạnh điểm tập kết rác, rất mất vệ sinh” - TS Phan Lê Bình nói, đồng thời cho rằng, những việc không nằm trong phạm vi đơn vị quản lý xe buýt hoặc công ty vận hành xe buýt có thể giải quyết mà nằm ở trách nhiệm chính quyền địa phương cần có những giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn nữa để người đi xe buýt tiếp cận dễ dàng hơn.
Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Tuyển cho biết thêm, chất lượng dịch vụ của xe buýt cũng phải tính đến thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên. “Ví dụ, khi Vinbus tham gia vào mạng lưới vận tải HKCC, rõ ràng thái độ phục vụ trên xe buýt điện tốt hơn trên xe buýt khác, chưa nhận được phản gây bức xúc cho người dân” - ông Nguyễn Tuyển nêu ví dụ.
Từ những vấn đề trên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, các đơn vị vận tải cần phải tích cực đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên lái xe về thái độ phục vụ hành khách. Hiện nay, theo quy định đều đã có lớp tập huấn cho lái, phụ xe buýt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phản ánh về chất lượng phục vụ của lái phụ xe khiến hành khách bức xúc. Cần xem xét lại giáo trình đào tạo đã đáp ứng được đầy đủ nhu cầu hay chưa.
Bên cạnh đó, cần cập nhật thêm những đòi hỏi của xã hội, khách hàng trong giai đoạn hiện nay. Việc cung cấp thông tin cho hành khách như phần mềm tìm buýt cũng chưa đầy đủ các tuyến. Nếu có thông tin đầy đủ sẽ giúp hành khách có thể cân đối thời gian để sắp xếp hợp lý, tin tưởng sử dụng xe buýt hơn.
Rõ ràng, để xe buýt ngày càng thu hút được nhiều người sử dụng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng, kết nối, tăng cường thông tin cho hành khách, phát triển hợp lý các phương thức vận tải từ đường sắt đô thị, xe buýt đến các loại hình khác như xe điện bốn bánh, hai bánh, taxi xe hợp đồng để việc đi lại của hành khách được dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi nhất.
"Có nhiều trường hợp hành khách phải bức xúc vì thái độ của lái, phụ xe. Cần thắt chặt hơn nữa công tác tuyển dụng, đào tạo lái phụ xe để có nguồn nhân lực chất lượng, đảm bảo phục vụ hành khách." - Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình