Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gỡ khó cho xe buýt-mũi tên trúng nhiều đích] Bài 1: Thiếu không gian lưu thông

Minh Tường - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt đang đứng trước hàng loạt khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Đảm bảo được những điều kiện thuận lợi nhất cho xe buýt hoạt động, nâng cao chất lượng, tăng khả năng kết nối và tiếp cận sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nóng mà giao thông Hà Nội đang phải đối mặt.

Xe buýt Hà Nội đang bị hạn chế rất lớn về khả năng đảm bảo hành trình do phải di chuyển chung cùng các loại phương tiện khác trong tình cảnh ùn tắc. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo không gian lưu thông cho xe buýt sẽ là chìa khóa trong việc giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Chưa đạt kỳ vọng

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, TP hiện nay có 154 tuyến xe buýt, trong đó có 132 tuyến trợ giá. Hệ thống xe buýt đã phổ cập đến tất cả các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2022, hệ thống xe buýt đã vận chuyển 215 triệu lượt hành khách.

Xe buýt chật vật lưu thông cùng các phương tiện khác trong ùn tắc. Ảnh Phạm Công
Xe buýt chật vật lưu thông cùng các phương tiện khác trong ùn tắc. Ảnh Phạm Công

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân vẫn e dè với xe buýt. Hiệu quả mà xe buýt đem lại chưa đạt được như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chính là loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) này vẫn phải “chen chân” cùng các phương tiện khác, vật lộn với ùn tắc mỗi ngày. Thời gian di chuyển của những chuyến xe buýt quá dài, giữa các lượt chuyến vẫn còn khoảng trống, hành khách phải chờ đợi quá lâu do tắc đường. Có thể nói, mạng lưới xe buýt chưa có điểm nhấn nào đặc biệt ngoài giá vé rẻ.

Hà Nội có đặc thù là một đô thị lớn đông dân cư, lượng phương tiện cá nhân lớn, gia tăng với tốc độ rất nhanh. Càng nhiều xe cá nhân, giao thông quá tải, quãng thời gian đi lại bằng xe buýt lại càng dài, trở thành một trong những điểm yếu nhất của VTHKCC.

Chị Lê Thị Thúy (sinh viên trường Đại học Công đoàn) cho biết: “Trước đây, tôi thường xuyên di chuyển bằng xe buýt do giá rẻ, sạch sẽ và an toàn. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng xe buýt vào giờ cao điểm gặp rất nhiều khó khăn khi đường phố chật kín phương tiện. Có lúc phải mất hàng giờ trên xe buýt, muộn học, muộn làm thêm, buộc lòng tôi phải chuyển sang đi xe máy”.

Nhiều hành khách cũng chia sẻ, vào giờ cao điểm để đón được một lượt xe buýt là quá lâu. Có những thời điểm, chỉ chậm một chuyến, đợi được chuyến sau phải mất cả tiếng đồng hồ; lại cộng thêm chừng đó thời gian nữa để đến được cơ quan, trường học... Điều này đã khiến hành khách ngại sử dụng xe buýt.

Anh Trần Ngọc Mạnh - tài xế xe buýt tuyến 02 chia sẻ: “Xe buýt có kích cỡ rất lớn, việc di chuyển vào giờ cao điểm cùng với những phương tiện khác cực kỳ khó khăn. Nhích từng tí một trên đường, hay bị xe máy, xe ô tô tạt đầu, chèn ép không chỉ khiến việc di chuyển vất vả mà hành khách trên xe cũng vô cùng bức xúc”.

Không chỉ do phương tiện quá đông, anh Mạnh còn cho rằng, ý thức của người điều khiển xe cá nhân theo kiểu “mạnh ai nấy đi” cũng là một nguyên nhân không nhỏ khiến không gian lưu thông của xe buýt bị thu hẹp lại. “Tại một số nút giao, tuyến đường, tình trạng ùn tắc giao thông có thể không trở nên nghiêm trọng như hiện nay nếu mỗi người điều khiển phương tiện có ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của luật giao thông” - anh Trần Ngọc Mạnh chia sẻ thêm.

Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp để mở rộng không gian lưu thông, nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt. Đơn cử như tuyến xe buýt BRT ra đời vào năm 2017: Với ưu điểm là năng lực vận chuyển lớn, có làn đường riêng, xe buýt BRT được kỳ vọng sẽ giảm được ùn tắc giao thông. Hầu hết người dân khi đi xe buýt nhanh đều hài lòng về chất lượng dịch vụ tốt, xe sạch sẽ hiện đại, dễ dàng tiếp cận, nhưng ưu điểm lớn nhất là có làn đường riêng lại bị hạn chế cực kỳ lớn bởi vấn đề muôn thuở: Xe cá nhân lấn làn, chèn ép. Chính vì vậy, thực tế vận hành của xe buýt BRT thời gian qua tại Hà Nội chưa được như kỳ vọng.

Điều kiện tất yếu

Nâng cao vai trò của VTHKCC để khuyến khích người dân dần từ bỏ phương tiện cá nhân là hướng đi tất yếu được TP Hà Nội đặt ra để đẩy lui ùn tắc giao thông. Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có đề xuất với UBND TP cho thí điểm tổ chức phân làn dành riêng xe buýt, xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi, ngăn cách cứng với làn ô tô bên ngoài đến hết năm 2022. Việc tổ chức lại giao thông đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, không chỉ xe buýt di chuyển thuận lợi hơn mà điểm đen ùn tắc trên đường Nguyễn Trãi đã phần nào được giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, cho biết: “Trước đây, vào giờ cao điểm xe buýt di chuyển trên đường Nguyễn Trãi cực kỳ khó khăn, phải giành giật từng mét đường. Nhiều xe buýt cùng tuyến nối đuôi nhau dồn cục trong giờ cao điểm khi hành khách đứng chờ mòn mỏi”.

Vị này nhìn nhận, từ khi Hà Nội tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi tình trạng trên tuyến được cải thiện rõ rệt. Xe buýt cùng xe máy đi làn đường riêng, qua đó việc di chuyển thuận lợi hơn, rút ngắn thời gian chờ đợi cho hành khách, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt trên tuyến.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định, xe buýt là loại xe cỡ lớn, được sử dụng với mục đích phục vụ đa số người dân, thay thế xe cá nhân. Nó cần được ưu tiên tối đa về không gian lưu thông để phát huy thế mạnh.

“Lấy ví dụ, mặc dù việc phân làn đường Nguyễn Trãi chưa đạt được hiệu quả cao nhất, tuy nhiên việc xe buýt có không gian riêng, chỉ phải đi chung làn với xe máy đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực” - thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nói.

Nhiều chuyên gia cho biết thêm, việc tạo không gian riêng cho xe buýt di chuyển cần đồng bộ nhiều giải pháp như: Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông, đồng thời nghiên cứu tổ chức làn đường riêng dành cho xe buýt trên một số trục đường chính, đủ điều kiện.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của đô thị Hà Nội là thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt. Hầu hết các tuyến xe buýt sử dụng chung làn đường với phương tiện khác. Do đó, xe buýt bị hạn chế rất lớn về khả năng bảo đảm thời gian hành trình. Việc xe buýt không đáp ứng được yêu cầu về thời gian di chuyển đang dần khiến người dân trở lại, gắn bó hơn với xe cá nhân, khiến áp lực giao thông của TP ngày càng trầm trọng.

 

Xe buýt chỉ có thể thu hút được đông đảo người dân khi chạy nhanh, đúng giờ và an toàn. Trong đó yếu tố thời gian là quan trọng bậc nhất. Đối với tôi, xe buýt có thể không có wifi miễn phí, chỉ cần rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại trên đường là tôi sử dụng thường xuyên.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh

(Còn nữa)