Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấp bách cứu hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Bài cuối: Giải pháp hồi sinh đại thủy nông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù nhiều đơn vị đã vào cuộc, Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo trực tiếp, tuy nhiên tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vẫn diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm.

Bài 1: Nỗi ám ảnh bên dòng kênh ô nhiễm

Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng?

Điểm xả nước thải từ các cụm công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn  
Điểm xả nước thải từ các cụm công nghiệp nằm trên địa bàn huyện Văn Lâm (Hưng Yên) vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Lâm Nguyễn  

Không nương tay với vi phạm

Việc xử lý nghiêm các vi phạm được xem là giải pháp cần thiết nhằm tạo sức răn đe, ngăn chặn các hành vi “bức tử” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Tại tỉnh Hưng Yên - địa bàn có lưu lượng xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải lớn nhất, thời gian qua ghi nhận sự vào cuộc khá tích cực của lực lượng công an.

Đại diện Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Hưng Yên) cho biết, cuối tháng 2/2022, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ít nhất 44 vụ việc đã được lực lượng chức năng địa phương phát hiện, lập biên bản xử lý.

Cũng theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Hưng Yên, từ năm 2017 - 2021, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 143 vụ việc vi phạm về môi trường liên quan đến hoạt động bảo vệ và khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Đồng thời, xử phạt vi phạm hàng chục tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm nông lâm ngư nghiệp và đa dạng sinh học (Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an), tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được dư luận đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, sau khi nhận được mệnh lệnh của Bộ Công an, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt.

“Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 293 trường hợp xả thải vi phạm quy định về bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải; xử phạt đối với 222 trường hợp; số còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với hơn 20 đơn vị có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải” - Thượng tá Nguyễn Văn Thắng thông tin thêm.

Cải thiện ô nhiễm nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ ngành và địa phương.
Cải thiện ô nhiễm nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp bộ ngành và địa phương.

Tăng cường công tác phối hợp

Theo tìm hiểu, việc quản lý, bảo vệ và khai thác hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải hiện nay do 5 DN cùng thực hiện. Trong đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải thuộc Bộ NN&PTNT có chức năng quản lý các tuyến sông, kênh mương trục chính; 4 DN thủy lợi thuộc 4 tỉnh, TP (Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội) thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến nhánh.

Mặc dù vậy, cả 5 DN thủy lợi đều không có chức năng xử phạt vi phạm, mà chỉ có quyền kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, sau đó báo cáo chính quyền sở tại xử lý. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy công tác phối hợp giữa các địa phương và DN thủy lợi trong xử lý vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi chưa thực sự hiệu quả. Đơn cử, trên hệ thống do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội quản lý, số lượng vi phạm mà DN này phối hợp với chính quyền địa phương xử lý rất ít.

 

Tại cuộc tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên trước Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2022 vừa qua, các cử tri địa phương đã phản ánh hiện trạng và đề nghị đại biểu Quốc hội có tiếng nói trong giải quyết vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Nhấn mạnh kiến nghị của cử tri là chính đáng, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết với quyết tâm cao nhất, sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành và 4 tỉnh, TP giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong thời gian sớm nhất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống cho người dân.

Được biết, từ năm 2016, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã ký quy chế phối hợp giữa đơn vị với 4 DN thủy lợi của Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và các cấp chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và vi phạm diễn ra thời gian qua cho thấy, hiệu quả của công tác phối hợp thực hiện quy chế này là một dấu hỏi lớn.

Năm 2016, Sở NN&PTNT Hà Nội và Công an TP đã thống nhất ký Quy chế phối hợp số 5088/QC-CAHN-SNN trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn ngành NN&PTNT. Từ năm 2019 đến nay, đã có 80 tổ chức, cá nhân bị liên ngành xử phạt, với tổng số tiền khoảng 230 triệu đồng do có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải vào hệ thống thủy lợi, trong đó có sông Cầu Bây - dòng thải lớn nhất vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Tuy nhiên, con số này còn hết sức khiêm tốn nếu so sánh với tổng số điểm xả thải không phép (hoặc chưa được đánh giá) trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Nâng cao vai trò trách nhiệm địa phương

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thuỷ lợi) Nguyễn Việt Anh, hiện nay, hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi đã cơ bản đầy đủ. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, đã quy định rất rõ trách nhiệm của các bộ ngành, mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Việt Anh cho rằng, 4 tỉnh, TP thuộc lưu vực hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần trách nhiệm hơn trong vấn đề quản lý nguồn xả thải từ khu đô thị, cụm công nghiệp, làng nghề và đặc biệt là từ hoạt động dân sinh. “Muốn kiểm soát được nguồn thải, các địa phương cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các hệ thống thu gom nước thải; thường xuyên giám sát chất lượng nước trước khi xả ra môi trường, đổ vào hệ thống thủy lợi” - ông Nguyễn Việt Anh kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Vy cho rằng, muốn quản lý tốt nguồn nước trên hệ thống thủy lợi nói chung, Bắc Hưng Hải nói riêng thì phải có thông tin từ cơ sở, nhất là hiện trạng các điểm xả thải và khả năng chịu tải của các tuyến sông, kênh mương.

Cũng theo đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc, việc cấp phép đầu tư các dự án khu đô thị rất đơn giản nhưng Hà Nội và các địa phương nên cân nhắc kỹ lưỡng. Không nên tiếp tục cấp phép đầu tư xây dựng cho các khu đô thị mà chưa có kế hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhằm bảo đảm hệ thống thủy lợi nói chung không phải “oằn mình” gánh thêm ô nhiễm.

Trong khi đó, Trưởng phòng Thí nghiệm và tư vấn quản lý chất lượng nước, môi trường (Viện Quy hoạch thủy lợi) Trịnh Xuân Hoàng khuyến nghị, Hà Nội và các địa phương nên nghiên cứu, đưa yêu cầu xử lý nước thải là nội dung bắt buộc trước khi cấp phép xây dựng nhà ở.

“Thực tế áp dụng tại các nước tiên tiến cho thấy số tiền để lắp đặt hệ thống này không cao so với tổng chi phí xây dựng. Tuy nhiên, muốn đưa giải pháp này vào thực tiễn, cần phải luật hóa thành quy định bắt buộc” - ông Trịnh Xuân Hoàng cho hay.

Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ và khai thác công trình thủy lợi thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải cũng là vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh vận động người dân không xả thải xuống kênh mương, sông ngòi, thông tin rộng rãi về các hình thức xử phạt nếu vi phạm để người dân biết, tránh các hành vi xâm hại hệ thống thủy lợi.

 

Bộ Tài chính đã có Thông tư số 09/TT-BTC quy định khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác theo quy định tại Luật Thủy lợi và Nghị định số 96/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, cả nước mới chỉ có tỉnh Hưng Yên quy định giá cụ thể.

Việc thu phí đối với hoạt động xả thải ra môi trường theo cơ chế “xả thải nhiều, nộp tiền nhiều” sẽ khiến các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư hệ thống xử lý, hạn chế tối đa lưu lượng xả thải; đồng thời tạo nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu về vốn, đầu tư ngược trở lại bảo vệ nguồn nước…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh