Chưa nên “khai tử” cầm đồ
Ngày 17/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật ĐT năm 2020, trong đó quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và vẫn quy định dịch vụ cầm đồ thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như quy định tại Luật ĐT năm 2014. Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm do hoạt động gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm về an ninh, trật tự và an toàn xã hội, khó điều chỉnh bằng các quy định pháp luật hiện hành.
Dư luận cũng đang đặt ra đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu không cho phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ, vì biến tướng ngày càng nguy hiểm của dịch vụ này. Tuy nhiên, “khai tử” hay chưa nên “khai tử” dịch vụ cầm đồ là vấn đề cần phân tích một cách đa chiều chứ không phải không quản được thì cấm.
Cầm đồ là dịch vụ ra đời, phát triển từ hàng nghìn năm và tồn tại cho tới ngày nay tại nhiều nước trên thế giới dưới hình thức cho vay cầm cố tài sản. Ảnh minh họa |
Không ít ý kiến cho rằng, phát triển mạnh cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính sẽ dẹp được thị trường tín dụng tiêu dùng phi chính thức, trong đó có cho vay cầm đồ. Điều này không bàn cãi về lý thuyết. Nhưng thực tế tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính không thể thay thế cho tín dụng tiêu dùng qua cầm đồ được. Tại sao? Tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính là tiêu dùng trước trả nợ sau, người vay chủ yếu không có tài sản thế chấp nhưng phải chứng minh được nguồn thu nhập trả nợ. Còn với tín dụng tiêu dùng qua cầm đồ, người vay phải cầm cố tài sản và không cần chứng minh nguồn thu nhập trả được hay không trả được nợ. So sánh như vậy để thấy sự tồn tại của thị trường tín dụng cầm đồ là do đòi hỏi của người dân chưa có điều kiên tiếp cận thị trường tín dụng tiêu dùng chính thức.
Cầm đồ là dịch vụ ra đời, phát triển từ hàng nghìn năm và tồn tại cho tới ngày nay tại nhiều nước trên thế giới dưới hình thức cho vay cầm cố tài sản. Đặc trưng của cho vay cầm đồ là phần lớn các khoản vay được xếp vào dạng “vay nóng” (giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, giải ngân nhanh). Vì vậy, với thủ tục cho vay và mức chi phí quản lý khoản vay cho phép hiện tại của mình, các tổ chức tín dụng (TCTD) không muốn và khó tiếp cận thị phần tín dụng này. Một cách tổng thể, thị trường tín dụng chính thức đang thiếu hụt nguồn cung các khoản vay quy mô nhỏ với yêu cầu giải ngân tức thì của người dân. Cho nên trên góc độ cung cầu tín dụng thì hoạt động cho vay cầm đồ vẫn cần thiết để lấp thiếu hụt đó.
Vấn đề là Nhà nước đưa ra quy định quản lý và điều hành ra sao để khống chế biến tướng tiêu cực của cho vay cầm đồ mà thôi. Cũng cần lưu ý, ngay cả tín dụng tiêu dùng chính thức nếu quy định pháp luật điều chỉnh còn lỗ hổng và giám sát chưa đủ chặt của cơ quan giám sát NHNN thì hoạt động thị trường tín dụng này vẫn biến tướng tiêu cưc không kém. Vụ cho vay lãi nặng và đòi nợ manh động dẫn đến cái chết bằng nhảy sông tự tử của anh Lê Minh Tâm - khách hàng của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng hàng đầu Việt Nam vào ngày 21/6/2020 là một minh chứng. Đây chỉ là giọt nước tràn ly, thời gian qua công ty tài chính này đã nhiều lần bị khách hàng “tố” đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Không chỉ công ty tài chính, mà cả ngân hàng cũng có tình trạng đòi nợ manh động thông qua đối tác thứ 3. Mới đây, ngày 2/8 báo Dân Việt đã có bài với tít “Khách hàng “tố” OCB đòi nợ theo kiểu xã hội đen” đối với khách hàng vay tiêu dùng là Lâm Chí Dũng.
Để khống chế biến tướng tiêu cực, tại Pháp hay các Tiểu bang của Mỹ đều có Luật cho vay nặng lãi rất chi tiết, nghiêm ngặt để ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi trên thị trường tín dụng phi chính thức. Luật pháp ở nước ta cũng khá nhiều quy định hạn chế cho vay nặng lãi nói chung và quản lý cho vay cầm đồ nói riêng. Tuy vậy, các quy định còn chung chung, thiếu cụ thể, không đồng bộ và mâu thuẫn lẫn nhau, dẫn đến luật pháp quản lý hoạt đồng cầm đồ chưa có hiệu quả, không khống chế được các biến tướng tiêu cực diễn ra trên thị trường dịch vụ cầm đồ. Cho nên nếu Nhà nước vẫn cho dịch vụ cầm đồ hoạt động đòi hỏi phải sửa đổi pháp luật điều chỉnh cho phù hợp, hiệu quả.
Sửa đổi quy định pháp luật theo hướng nào?
Cầm đồ là giao dịch tài sản mang tính dân sự, nhưng về bản chất đó là giao dịch cho vay tiền bằng cầm cố tài sản như khẳng định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP. Mà cho vay tiền bằng cầm cố tài sản là một loại nghiệp vụ hoạt động ngân hàng, vì vậy dịch vụ cầm đồ phải được cấp phép của NHNN và ràng buộc quy định quản lý hoạt động nghiệp vụ ngân hàng đối với các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng. Khi đó cá nhân/hộ gia đình muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải thành lập doanh nghiệp hoăc hợp tác xã. Trở về quá khứ, Thông tư số 02TT/LB ngày 03/10/1995 quy đinh kinh doanh dịch vụ cầm đồ do NHNN và Bộ TM cấp phép; cùng với đó tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ này phải thành lập DN theo quy định về thành lập DN hiện hành.
Việc cho phép cá nhân được kinh doanh dịch vụ cầm đồ dẫn tới tiệm cầm đồ mọc lên như nấm rất khó khăn cho quản lý. Riêng TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội đã có trên 4.000 tiệm cầm đồ, thử hỏi ngành thuế và công an quản lý chặt chẽ sao nổi. Tình trạng này không chỉ Nhà nước thất thoát phần lớn thuế dịch vụ cầm đồ mà làm hư hỏng cán bộ chuyên quản lĩnh vực hoạt động này. Chỉ cần bắt thân với một vài chủ tiêm cầm đồ, họ yêu cầu dấu tên, địa chỉ và sẵn sàng kể hết các quan hệ ngầm đảm bảo cho hoạt động của tiệm cầm đồ.
“Không tạo được mối quan hệ ngầm thì đừng nghĩ tới chuyện kinh doanh cầm đồ”- đó là câu trả lời của một chủ tiệm cầm đồ với một người quen khi người này đặt vấn đề muốn mở tiệm cầm đồ. Cá nhân được kinh doanh dịch vụ cầm đồ xuất phát từ chỗ dịch vụ này không cần NHNN cấp phép hoạt động. Trường hợp nếu do NHNN cấp phép, rõ ràng NHNN không thể cấp phép cho cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ vì hoạt động cầm đồ là hoạt động ngân hàng.
Do cầm đồ là hoạt động ngân hàng nên chủ thể kinh doanh dịch vụ cầm đồ trước hết phải đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ ngân hàng chứ không chỉ là điều kiện an ninh trật tự khá lỏng lẻo như hiện tại. Với điều kiện kinh doanh dịch vụ ngân hàng, rõ ràng doanh nghiệp hay hợp tác xã kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng mức vốn pháp định, tiêu chuẩn nhân sự bộ máy, chế độ nghiệp vụ và chịu sự giám sát hoạt động của NHNN. Chủ thể cầm đồ nhưng đó là chủ thể hoạt động cho vay tiền nhưng không quy định nguồn tiền huy động như thế nào, dẫn đến đi vay ngân hàng lãi suất thấp để cho vay lại với lãi suất cao là điều không cho phép.