Hiếu học - nét văn hóa đẹp của người Hà Nội
Bài cuối: Lan tỏa tinh thần hiếu học trong Kỷ nguyên mới
Kinhtedothi - Hội Khuyến học các cấp phát huy truyền thống hiếu học của Hà Nội trong Kỷ nguyên mới, xây dựng các mô hình học tập. Từ các mô hình này lan tỏa ra cộng đồng dân cư để tạo thành phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tập. Đây là khẳng định của Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh khi trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị.

Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh
Xây dựng các mô hình để phát triển truyền thống hiếu học
Xin bà cho biết, các phong trào khuyến học trên địa bàn Thủ đô đã góp phần duy trì và phát triển truyền thống hiếu học của người Hà Nội như thế nào?
- Hội Khuyến học là một tổ chức hội quần chúng, được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Hội Khuyến học Hà Nội được TP giao nhiệm vụ làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về khuyến khích, hỗ trợ, động viên mọi người học tập ở các độ tuổi khác nhau, từ trong ghế nhà trường cho đến học tập suốt đời. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, có truyền thống hiếu học từ xa xưa. Bây giờ, chúng ta phát huy truyền thống hiếu học, tiếp tục học tập, trở thành nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng Thủ đô.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Hội Khuyến học Hà Nội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về truyền thống hiếu học của Thủ đô Hà Nội, học tập suốt đời. Đây cũng là yêu cầu của thời đại, giai đoạn cách mạng 4.0 với ba trụ cột cơ bản là phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Học tập là để cập nhật, thường xuyên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đào tạo hiện nay, như Bác Hồ nói: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng có bài viết rất hay và ý nghĩa về vấn đề học tập suốt đời. Chúng ta học tập suốt đời cũng chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phát huy truyền thống hiếu học của Thủ đô nghìn năm văn hiến là xây dựng các mô hình học tập. Trước kia, trong gia đình, mọi người quan tâm đến trẻ em học tập. Bây giờ, mô hình “Gia đình học tập” là tất cả mọi người, bao gồm cả người lớn, người già học ở mọi nơi, mọi lúc. Mô hình “Dòng họ học tập” là nơi liên kết các gia đình, dòng họ tồn tại từ ngày xưa. Giờ đây, chúng tôi xây dựng mô hình “Dòng họ học tập” ở từng địa phương, làng xã, kể cả xuyên các tỉnh, thành. Đơn cử, vừa rồi Hội Khuyến học Hà Nội đi khảo sát và xây dựng mô hình dòng họ Bạch của người Mường ở huyện Ba Vì có rất nhiều thuận lợi trong việc xây dựng dòng họ học tập.
Đối với mô hình “Cộng đồng học tập” thì có hai loại: “Cộng đồng học tập” cấp thôn, tổ dân phố do Hội Khuyến học làm thường trực và “Cộng đồng học tập” cấp xã, phường, thị trấn, do Hội Khuyến học phối hợp với ngành GD&ĐT xây dựng bộ tiêu chí riêng. Mô hình “Đơn vị học tập” gồm có đơn vị cấp xã, phường, thị trấn và đơn vị học tập cấp quận, huyện trở lên. Hơn hai năm qua, chúng tôi còn tập trung xây dựng mô hình “Công dân học tập” đồng thời là công dân số trong thời điểm hiện nay.
Tất cả các mô hình học tập đó đã được Hà Nội thực hiện, hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu của T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam. Và từ các mô hình này lan tỏa ra cộng đồng dân cư để tạo thành phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội tập...; qua đó đã góp phần nâng tổng số hội viên Hội Khuyến học lên hơn 20% so với tổng dân số trên địa bàn Hà Nội.
Thưa bà, trong Kỷ nguyên mới, chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Hội Khuyến học Hà Nội có những giải pháp trọng tâm nào để thực hiện phong trào này?
- Chúng tôi cũng hiểu rằng đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình dân tộc vì mục tiêu phát triển giàu mạnh, phồn vinh; Hà Nội là phải gương mẫu và tiên phong đi đầu trong cả nước theo đúng tinh thần của Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu.
Và chúng tôi cũng may mắn khi Thành ủy Hà Nội có Nghị quyết 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, chúng tôi cũng có ý thức và xác định: muốn bước vào Kỷ nguyên mới thì phải có con người của Kỷ nguyên mới. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm thì con người của Kỷ nguyên mới là có trí tuệ, có nhân cách, có kỹ năng. Do đó, Hội Khuyến học Hà Nội dự kiến sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm lớn, có tính định hướng cho tất cả các cấp hội thực hiện.
Thứ nhất là tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để mọi người nhận thức được việc học tập trước hết là vì chính bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, để thành những người hữu dụng như lời Tổng Bí thư nói.
Chúng tôi tập trung vào xây dựng các mô hình học tập gồm: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” nhưng với tiêu chí của một giai đoạn cách mạng mới, tức là có những yếu tố bổ sung, yêu cầu cao hơn, thể hiện ý thức, trách nhiệm học tập bằng những công việc cụ thể. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình và lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, để người người học tập, nhà nhà học tập trên nền tảng số.
Khuyến học xanh - vì sự phát triển bền vững của Thủ đô
Theo bà, khi thực hiện các phong trào khuyến học, Hội Khuyến học các cấp gặp phải trở ngại gì cần phải vượt qua để truyền thống hiếu học của người Hà Nội tiếp tục phát triển?
- TP Hà Nội rất quan tâm đến các phong trào khuyến học, truyền thống hiếu học. Nhưng so với các tỉnh, thành khác, Hà Nội có cái khó riêng như địa bàn rộng, có cả người dân tộc thiểu số, không đồng đều về điều kiện cơ sở vật chất giữa các vùng miền. Như vậy, phương pháp, nội dung để thực hiện nhiệm vụ khuyến học ở các vùng miền là khác nhau. Đối với người dân ở trung tâm TP tiếp nhận thông tin rất nhanh, đa chiều thì mình hỗ trợ họ tránh mặt trái của xã hội, đó là biết chọn thông tin đúng, hữu ích để học tập, nhận ra cái sai để đấu tranh, phản bác.
Chúng tôi cũng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền như bằng thơ, ca nhạc, họa, thuyết trình; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và những ấn phẩm tuyên truyền rất hay và đẹp để mọi người hứng thú tiếp nhận.
Hà Nội là nơi có nhiều người dân ở các tỉnh, TP khác đến sinh sống, học tập và làm việc. Vậy chúng ta có cách nào thu hút những cư dân sống trong các chung cư, khu nhà cao tầng tham gia hoạt động khuyến học cũng để lan tỏa truyền thống hiếu học của người Hà Nội, thưa bà?
- Hà Nội có dân số rất đông nhưng trong đó dân số tăng cơ học rất nhiều. Người dân dù ở tỉnh nào khi đã về Hà Nội lao động, học tập, công tác thì phải có trách nhiệm như công dân Thủ đô, thực hiện quy định, nếp văn hóa của người Hà Nội. Chúng tôi cũng động viên họ thực hiện những quy định của Hà Nội và có trách nhiệm xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
Ở những khu chung cư, tòa nhà cao tầng đều có tổ dân phố, tổ Đảng sinh hoạt với chi bộ dân cư và có Ban Khuyến học. Ban Khuyến học trực thuộc Hội Khuyến học các phường, xã, thị trấn nên vẫn thu hút được cư dân tham gia vào những hoạt động khuyến học cũng như ủng hộ quỹ.
Chúng tôi có chỉ đạo, với những đô thị mới chưa có Ban Khuyến học thì lập tổ chức; nếu đã có rồi thì hoạt động tích cực, đạt kết quả tốt. Chúng tôi coi Ban Khuyến học ở các khu chung cư, đô thị mới như là hệ thống chân rết để Hội Khuyến học cấp phường, xã, thị trấn hoạt động mang lại hiệu quả, góp phần vào truyền thống hiếu học của người Hà Nội.
Mới đây, Hội Khuyến học Hà Nội tổ chức Hội thảo “Khuyến học xanh – vì sự phát triển bền vững của Thủ đô”. Bà có thể chia sẻ “Khuyến học xanh” gồm có những hoạt động nào để phát triển truyền thống hiếu học của người Hà Nội?
- Khuyến học xanh phải bắt đầu từ mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Hội Khuyến học có mục tiêu là khuyến khích, hỗ trợ, động viên mọi người học tập để tạo ra nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tăng trưởng xanh. Khái niệm khuyến học xanh của chúng tôi cũng bắt đầu từ đấy, đây cũng là tâm huyết của T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam, đứng đầu là GS.TS Nguyễn Thị Doan.
Để xây dựng Hà Nội phát triển bền vững, với mục tiêu giàu, đẹp, văn minh, hiện đại thì Hà Nội phải trở thành một đô thị xanh, bền vững trên các yếu tố rất quan trọng: TP sinh thái sáng - xanh - sạch đẹp, môi trường xanh, kinh tế xanh, xã hội xanh. Với những yêu cầu xây dựng Hà Nội như thế thì khuyến học xanh của Hà Nội cũng sẽ phải tập trung vào những mục tiêu như vậy.
Thứ nhất, Hội Khuyến học vẫn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để mỗi người Hà Nội phải là một công dân xanh, có ý thức bảo vệ môi trường. Thứ hai là thực hiện phong trào khuyến học xanh và “Bình dân học vụ số”, xanh hóa và số hóa các hoạt động của Hội. Hội Khuyến học sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT và các ngành để trước hết giai đoạn trong nhà trường có những chuyên đề và tổ chức những hoạt động cho các em học sinh học tập. Và giai đoạn ngoài nhà trường, thông qua các trung tâm học tập cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phong trào để phát triển tư duy xanh, lối sống xanh và kỹ năng xanh cho mọi người.
Về phong trào “Bình dân học vụ số” thì hoạt động của Hội Khuyến học là môi trường số và môi trường xanh. Môi trường số là mọi người đều phải học tập trên nền tảng số; trước hết, cán bộ khuyến học gương mẫu đi đầu bằng cách là số hóa các hoạt động khuyến học và lan tỏa ra tinh thần đó trong Nhân dân. Chúng tôi bổ sung những nội dung, tiêu chí phấn đấu và đổi mới cách làm để đạt được mục tiêu xanh hóa và số hóa. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để chúng ta duy trì và phát triển phong trào hiếu học - nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn bà!

“Tết cho trẻ em nghèo” trao quà cho trẻ em nghèo hiếu học xã Thanh Ngọc
Kinhtedothi - Chương trình “Gọi nắng xuân về” năm 2023 với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” là một trong những chuỗi hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chia sẻ, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Trường THCS Vạn Phúc: Phát huy truyền thống hiếu học đất Thanh Trì
Kinhtedothi - Với sự tâm huyết, sáng tạo và tinh thần học hỏi không ngừng của các thế hệ giáo viên, học sinh, Trường THCS Vạn Phúc, huyện Thanh Trì ngày càng khẳng định được vị trí xuất sắc của mình trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Trì.
Hiếu học - nét văn hóa đẹp của người Hà Nội
Trong bài viết “Học tập suốt đời” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời cơ, vận hội mới để vươn mình, để sánh vai với thế giới như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đó, học tập suốt đời trở thành một quy luật sống, là chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí và đào tạo nhân lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Với hơn một nghìn năm lịch sử, là Thủ đô văn hiến, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Hà Nội có truyền thống hiếu học lâu đời, được gìn giữ, phát huy cho tới ngày nay, trở thành nét văn hóa đẹp của người Tràng An.