Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không gian văn hóa hồi sinh, du lịch cất cánh?

Bài cuối: Tạo bứt phá để phát triển

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, sau giai đoạn "bùng nổ" về mặt cảm xúc vì Covid-19, du khách đã ổn định lại và sẽ lựa chọn hơn cho những chuyến đi.

Bài 1: Gìn giữ, khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch

Vì vậy, tương lai cho du lịch Việt Nam năm 2023 sẽ là những sản phẩm theo chiều sâu, tăng tính trải nghiệm cho du khách, sản phẩm du lịch thông minh. Trong đó, du lịch Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với không gian di sản - di tích.

Phát huy tối đa thế mạnh

Năm 2022, Việt Nam đã được vinh danh ở hơn 40 hạng mục tại lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”.

Bên cạnh các giải thưởng đã được, từ góc độ phân tích dữ liệu của Google, lượng tìm kiếm của khách quốc tế với điểm đến Việt Nam luôn ở mức cao, có thời điểm tăng trên 400% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng, trong đó khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Canada... tìm kiếm thông tin về Việt Nam nhiều.

Du khách tìm hiểu nghề truyền thống ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Hoàng Hà
Du khách tìm hiểu nghề truyền thống ở làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Hoàng Hà

Ở cấp địa phương, 2022 cũng là năm Hà Nội nhận nhiều giải thưởng từ các tổ chức quốc tế. Trong đó, World Travel Awards bình chọn Hà Nội là Điểm du lịch TP hàng đầu thế giới; trang công cụ phân tích xu hướng du lịch Google Destination Insights công bố Hà Nội là một trong những TP được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất; hãng hàng không Icelandair xếp Hà Nội thứ 9 trong bảng xếp hạng 10 TP để khám phá văn hóa, ẩm thực. Điều này cho thấy một trong những điểm mạnh mà du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã làm được là xây dựng thương hiệu điểm đến từ thế mạnh văn hóa.

Cụ thể, theo Sở Du lịch Hà Nội, Thủ đô có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, giá trị đặc biệt, được khai thác thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc. Đến nay, Hà Nội đã công nhận 28 khu, điểm du lịch cấp TP, trong đó có nhiều điểm đã xây dựng được sản phẩm hấp dẫn, thu hút nhiều khách tham quan trải nhiệm như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long có sản phẩm tour đêm; các điểm du lịch ngoại như Khu du lịch Hạ Mỗ (Đan Phượng), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (Thường Tín) phát triển du lịch nông nghiệp.

Nhiều địa phương đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, hình thành nhiều điểm du lịch đạt chuẩn về chất lượng phục vụ, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn còn loay hoay trong việc thu hút khách du lịch. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng: Việc khai thác du lịch còn rời rạc, chỉ vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa nên chưa ra được tổng thể các tour du lịch mang tính bài bản tại các điểm du lịch Hà Nội.

Để khai thác tiềm năng điểm đến còn đang bỏ phí hiện nay, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng cần xây dựng các trục du lịch chính cho Hà Nội. Trước mắt, có thể phân định 3 không gian du lịch theo 3 trục lớn: Từ trung tâm Hà Nội - Ba Vì - Sơn Tây; nội thành Hà Nội - Đông Anh - Sóc Sơn; tuyến nội thành - Mỹ Đức (chùa Hương).

Các tuyến du lịch này như kiềng 3 chân để các đơn vị lữ hành khai thác, có thể xây dựng các sản phẩm khác nhau: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch học đường, nghỉ dưỡng, cộng đồng. “Ngoài ra, các đơn vị điểm đến cần có sự liên kết với đơn vị lữ hành để xây dựng nên những sản phẩm du lịch khác nhau. Để làm điều đó, các đơn vị cần sử dụng các dịch vụ mới, áp dụng công nghệ 4.0 như sử dụng vé điện tử để DN dễ xây dựng tour” - ông Phùng Quang Thắng gợi ý.

Còn theo Giám đốc Công ty du lịch Thế Anh Nguyễn Gia Thế, cần có sự chung tay từ cơ quan quản lý, đơn vị lữ hành, điểm đến. Với tiềm năng sẵn có, trước mắt có thể làm các chương trình 2 ngày 1 đêm kết nối các điểm kết nối các điểm du lịch mới của Hà Nội, điển hình như: Điểm du lịch Dương Xá - Bát Tràng - Ecopark hoặc kết nối các điểm: Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam - chùa Thầy, chùa Tây Phương - xem biểu diễn “Tinh hoa Bắc Bộ”.

Du lịch Hà Nội cần thể hiện vai trò đầu tàu

Năm 2023, ngành Du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 102 triệu lượt khách nội địa; 8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 650.000 tỷ đồng. Cùng với cả nước, để tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện du lịch Thủ đô, năm 2023, Hà Nội phấn đấu số lượng khách du lịch đạt khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%.

Để làm được điều này, theo các chuyên gia, du lịch Hà Nội tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ Trung tâm TP đến Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất - Quốc Oai và Sơn Tây - Ba Vì.

Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đêm như làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; triển khai tuyến đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây; tuyến phố đi bộ tại khu đô thị Nam Vành đai 3, quận Hoàng Mai; không gian đi bộ khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng… Phối hợp với các DN lữ hành, các điểm đến du lịch, đặc biệt là các điểm đến di tích, di sản xây dựng các sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác các giá trị truyền thống.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy: Hà Nội cần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút du khách có khả năng chi tiêu cao. Ngành Du lịch Hà Nội cần cơ cấu ngành du lịch theo hướng vùng miền, thể hiện vai trò là đầu tàu dẫn dắt các địa phương trong vùng và cả nước cùng phát triển; kết nối các sản phẩm du lịch Hà Nội với các địa phương khác; thu hút nguồn lực cho phát triển du lịch; nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch để thu hút du khách.

Trong “Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch TP Hà Nội năm 2023”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đề nghị du lịch Thủ đô cần có những hướng đi đổi mới, cơ cấu để trở thành ngành kinh tế, hiện đại, chuyên nghiệp cũng như có tính cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội cần chủ động rà soát quy hoạch du lịch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ; nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô.

 

"Ngành Du lịch đã có sự nhận thức, lý luận cũng như tiến hành thực tiễn đúng đắn, không qua loa, đại khái, thiếu chứng cứ khoa học. Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã gần hoàn thiện, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện để trình Chính phủ.

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá trong du lịch. Trong điều kiện mới, cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu các chính sách, đặc biệt là đối với việc xuất - nhập cảnh, làm sao cho thông thoáng, thu hút khách quốc tế, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố chủ quyền quốc gia." - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt

"Du lịch Hà Nội sẽ nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” của TP; tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành các chương trình, kế hoạch, phương án để đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô; chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị, DN, cá nhân triển khai Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô năm 2022 - 2023; tập trung làm tốt 3 nhiệm vụ trực tiếp là quản lý Nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ phát triển du lịch; từng bước đưa ngành du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn." - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang