Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 1
Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 2
Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 3

Thưa bà, thư viện là thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng ở các quận, huyện, nhất là vùng nông thôn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều thư viện còn thiếu về cơ sở vật chất và con người, hoạt động chưa hấp dẫn bạn đọc. Là người gắn bó khá lâu với ngành thư viện, bà đánh giá như thế nào về hoạt động của các thư viện cơ sở hiện nay?

- Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 29 thư viện cấp quận, huyện. Riêng có quận Nam Từ Liêm chưa có thư viện cấp quận. Theo đánh giá hiện nay, mạng lưới thư viện cấp cơ sở trên địa bàn Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là sau khi sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp của cấp quận, huyện là Nhà Văn hóa (Trung tâm Văn hóa), Trung tâm Thể dục Thể thao và Đài Truyền thanh thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, thì hoạt động thư viện khó khăn hơn trước rất nhiều.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 4

Tôi thấy rằng, hoạt động của thư viện cấp quận, huyện được đầu tư hay không phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo. Khi lãnh đạo quận, huyện đánh giá vai trò của thư viện rất quan trọng trong đời sống của người dân địa phương, trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì thư viện sẽ được đầu tư. Ở Hà Nội, một số thư viện cấp quận 5 – 7 năm trước được đầu tư cao về kinh phí nhưng những năm gần đây, nhiều nơi còn khó khăn.

Thứ nữa là về nhân lực thư viện cấp quận, huyện. Nhiều nơi cán bộ thư viện còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt, khi sáp nhập 3 đơn vị sự nghiệp, cán bộ thư viện cấp huyện còn phải tham gia nhiều lĩnh vực thuộc chức năng của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao. Chúng tôi thấy rằng, việc trưng dụng cán bộ thư viện cấp huyện tham gia vào việc khác, rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, phục vụ bạn đọc. Việc lịch phục vụ của các thư viện không ổn định đã tác động rất nhiều đến nhu cầu, thói quen tới thư viện của bạn đọc.

Với các thư viện cấp huyện hiện nay, ngoài một số thư viện như quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm được đầu tư nguồn kinh phí rất khá, hoạt động thư viện đạt hiệu quả tốt thì còn nhiều thư viện có nguồn kinh phí không ổn định, cộng thêm yếu tố nhân lực kiêm nhiệm đã tác động nhiều đến hiệu quả. Khi chúng tôi tổng hợp hàng năm mới thấy rằng, kinh phí cấp cho việc bổ sung tài liệu của thư viện là rất hạn chế. Có những thư viện cả năm không được cấp một đồng nào cho bổ sung sách.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 5

Điển hình như thư viện huyện Ứng Hòa, khó khăn từ cơ sở vật chất đến kinh phí đầu tư. Với các thư viện huyện chưa có điều kiện đầu tư theo hướng hiện đại thì tài liệu in vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên thư viện không có sách mới hàng năm đồng nghĩa tác động tới nhu cầu của người đọc rất lớn. Đó cũng là một trong những lý do Thư viện Hà Nội đã đưa ra chủ trương đưa sách về các thư viện quận, huyện. Qua đó phần nào khắc phục được tình trạng thiếu thốn sách của thư viện cơ sở.

Cũng phải nói thật, hiện nay vai trò của thư viện quận, huyện khi hoạt động tại trung tâm không đủ mạnh, rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thư viện cơ sở. Một số huyện ngoại thành đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, ngoài việc có một thiết chế đầy đủ các tiêu chí, việc đầu tư cho các thư viện, dù cấp xã hay cộng đồng cũng rất quan trọng.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 6

Chính vì khó khăn về nguồn sách và kinh phí nên hoạt động hưởng ứng văn hóa đọc của cấp cơ sở chưa thực sự lan tỏa và còn mang tính thời vụ, thưa bà?

- Những năm gần đây, Chính phủ, Bộ VHTT&DL, TP Hà Nội rất quan tâm đến phát triển văn hóa đọc, từ những văn bản pháp quy, chủ trương cho tới chương trình phối hợp giữa Bộ VHTT&DL với các Bộ liên quan như Bộ Công an, Bộ GD&ĐT, các Hiệp hội như Liên hiệp Hội Phụ nữ. Để phát triển văn hóa đọc, vai trò của các sở, ban, ngành, đoàn thể rất quan trọng. Trong điều kiện khó khăn của thư viện cấp cơ sở như vậy, chúng tôi thấy rằng, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành cấp Trung ương và sở, ban, ngành cấp TP rất quan trọng.

Với Thư viện Hà Nội, nhiều năm gần đây, phong trào đọc sách khá phát triển. Chúng tôi có những hoạt động mang tính chất thường niên như các cuộc thi tuyên truyền, giới thiệu sách. Đặc biệt là từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008 đến nay, các thư viện tỉnh, thành bạn đều ngưỡng mộ Hà Nội có 29/30 quận, huyện có thư viện. Tuy nhiên, thực tế cũng do nguồn kinh phí đầu tư cho thư viện còn hạn chế nên có những đơn vị chưa thể tổ chức hưởng ứng hết tất cả các hoạt động do Thư viện Hà Nội phát động.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng như các sản phẩm số, nhiều thư viện truyền thống đang gặp khó khăn trong việc giữ chân bạn đọc, lượng phục vụ bạn đọc còn hạn chế. Theo bà, hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện điện tử có phải là thách thức lớn với thư viện truyền thống hiện nay?

- Đúng vậy. Trước nhu cầu của bạn đọc về tài liệu số hoá, Thư viện Hà Nội cũng như các thư viện khác phải chủ động thay đổi phương thức hoạt động, quan tâm đến nhiều hơn đến tài nguyên thư viện.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 7

Nhiều năm gần đây, Thư viện Hà Nội cũng quan tâm xây dựng dự toán cho số hóa tài liệu, tuy nhiên để số hóa được toàn bộ tài liệu cần kinh phí rất lớn. Thư viện Hà Nội chưa được trang bị trang thiết bị tự số hóa nên tài liệu số hóa những năm gần đây chưa nhiều. Tuy nhiên, 2023 chúng tôi được đầu tư một dự án công nghệ khoảng 14 tỷ đồng, trong đó dành 10 tỷ đồng cho số hóa tài liệu. Dù vậy, Thư viện Hà Nội cũng như tất cả các thư viện các tỉnh, thành khác trên cả nước là mới chỉ số hóa được những tài liệu địa chí. So với thư viện các tỉnh bạn, Thư viện Hà Nội có vốn tài liệu về địa chí khá đồ sộ, khoảng gần 30.000 bản. Đợt rồi, chúng tôi đã số hóa được trên 1.000 tài liệu. Ngoài số hóa tài liệu về địa chí, chúng tôi cũng sản xuất một số tài liệu dạng sách nói, chủ yếu phục vụ đối tượng người yếu thế như người khiếm thị.

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay vừa mang đến cơ hội, vừa là thách thức cho các thư viện. Đó là phải thay đổi dạng thức tài liệu, từ tài liệu truyền thống sang tài liệu số. Thư viện Hà Nội là thư viện tổng hợp nên vẫn phải cân đối giữa tài liệu in và tài liệu số hóa. Bởi hiện nay đối tượng đọc tài liệu in của chúng tôi còn khá nhiều. Tỷ lệ bạn đọc đến Thư viện Hà Nội là thiếu nhi chiếm khoảng 50%; học sinh cấp III và sinh viên đại học chiếm 25%, còn lại là người cao tuổi. Đây là bài toán đặt ra phải cân đối giữa tài liệu in và tài liệu số trong nguồn kinh phí được cấp hàng năm.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 8

Ngoài sự quan tâm của lãnh đạo quận, huyện, bản thân các thư viện cơ sở phải đổi mới như thế nào để trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được bạn đọc, thưa bà?

- Như tôi đã nói, khi công nghệ phát triển, nhu cầu đọc của người dân rất cao. Họ đòi hỏi cao về điều kiện cơ sở vật chất, các tiện ích của thư viện, đặc biệt là các dạng, loại hình tài liệu. Với thư viện cơ sở, mới chỉ một số ít thư viện đáp ứng được các tiêu chí đó, còn lại rất khó khăn. Ví như thư viện huyện Ứng Hòa hiện nay đang được đặt trong một gian của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Chúng tôi đã có ý kiến rất nhiều lần, với yêu cầu của phát triển ngành văn hóa nói chung, xu hướng phát triển hoạt động thư viện, cũng như yêu cầu của người dân thì điều kiện cơ sở vật chất như vậy chưa đảm bảo.

4 yếu tố hình thành nên thư viện là cơ sở vật chất, trang thiết bị; vốn tài liệu; cán bộ và bạn đọc. Để thư viện tồn tại được, yếu tố cơ sở vật chất rất quan trọng. Với những thư viện gặp khó khăn về cơ sở vật chất, vốn tài liệu thì rất khó hình thành thói quen đọc sách của người dân địa phương.

Ở một số quận, huyện làm rất tốt công tác xã hội hóa hoạt động thư viện. Hiện nay ngành văn hóa ở quận, huyện đang phối hợp rất tốt với ngành giáo dục. Như cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc nếu không có sự tham gia của các nhà trường thì rất khó thành công.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 9

Tại Kỳ họp thứ 12 mới đây, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết Sửa đổi quy định về phí thư viện tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội. Theo đó, TP sẽ miễn phí sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định trong nội quy thư viện… Theo bà chính sách này có ý nghĩa như thế nào với hoạt động thư viện?

- Thực ra trước đây HĐND TP quy định về phí, lệ phí đối với hoạt động thư viện là không nhiều, trong đó có những đối tượng được miễn giảm đến 50% như trẻ em dưới 16 tuổi, người trên 60 tuổi. Mới đây, ngay sau khi HĐND TP thông qua Nghị quyết về miễn lệ phí sử dụng dịch vụ thư viện, chúng tôi đã kịp thời triển khai trên toàn bộ hệ thống thư viện cộng đồng của Thủ đô. Có thể nói, so với một số ít tỉnh, thành trên cả nước, Thư viện Hà Nội cũng đã triển khai Luật Thư viện, trong đó có nội dung miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 10

Theo cảm nhận và đánh giá thực tế của chúng tôi khi tiếp xúc với bạn đọc đến thư viện, sau khi Nghị quyết được thông qua, phải nói rằng đây là một chính sách rất có ý nghĩa, không chỉ với người làm công tác thư viện mà còn với đối tượng được thụ hưởng một địa chỉ văn hóa – thư viện. Sau khi thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, lượng bạn đọc đến Thư viện Hà Nội đông hơn rất nhiều. Mặc dù chỉ miễn khoảng 10.000 – 20.000 đồng nhưng tư tưởng của họ rất phấn khởi, cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND TP Hà Nội thúc đẩy nhu cầu đọc sách của người dân.

Chúng tôi hy vọng rằng với chính sách miễn phí sử dụng dịch vụ thư viện này, cùng không gian mới của Thư viện Hà Nội sau khi được tiếp nhận dự án “Tái tạo thư viện công cộng” do Chính phủ, Bộ VHTT&DL Hàn Quốc tài trợ, chúng tôi sẽ được đón nhiều bạn đọc hơn. Khi có đông bạn đọc hơn, chúng tôi lại thấy trách nhiệm của mình ngày càng cao, nhất là nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc của thủ thư từ kỹ năng cứng về chuyên môn nghiệp vụ đến kỹ năng mềm, ứng xử.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 11

Bà vừa nói tới dự án "Tái tạo thư viện công cộng" tại Thư viện Hà Nội, được biết dự này khánh thành, đi vào hoạt động từ tháng 4/2023. Sau khoảng gần 4 tháng triển khai, bà có thể cho biết kết quả ban đầu như thế nào?

- Con số tổng hợp mới của chúng tôi tính đến ngày 28/7, lượng bạn đọc đến Thư viện Hà Nội để làm thẻ tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số rất phấn khởi. Trong những ngày thư viện phục vụ, ngay ở tầng 1, không gian phục vụ bạn đọc đến cấp thẻ hoặc xuất trình thẻ để đi lên các phòng chức năng rất đông. Đây là điều chúng tôi rất mừng bởi hoạt động thư viện bình thường khá thầm lặng. Tuy nhiên, nếu đến một không gian rất đông người, không chỉ bạn đọc thấy có hứng thú hơn với việc đọc sách mà chúng tôi cũng thấy được động viên rất nhiều. Đó là niềm nui của chúng tôi vì nghề thư viện nhàn quá lại buồn.

Với một không gian mới được tiếp nhận từ dự án đã thay đổi hoàn toàn hoạt động phục vụ tại Thư viện Hà Nội, từ trang phục của thủ thư đến kỹ năng phục vụ, kỹ năng ứng xử. Khi tiếp nhận dự án, chúng tôi thấy không gian bài trí của Thư viện Hà Nội rất giống các thư viện tại Hàn Quốc. Đây là đất nước có hoạt động đọc rất phát triển, là điều kiện tốt cho hoạt động thư viện. Với không gian này, cùng trang thiết bị được đầu tư, cùng sự quan tâm của UBND TP, Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, chúng tôi nhận thấy rằng phải khai thác làm sao cho hiệu quả. Đó là trách nhiệm, thách thức nhưng cũng là niềm tự hào của chúng tôi.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 12

Hiện nay, ngoài hệ thống thư viện công cộng của TP, các thư viện tư nhân, không gian cà phê sách cũng khá phát triển trên địa bàn Thủ đô, thu hút một lượng lớn bạn đọc bởi nó mang đến một trải nghiệm đọc sách mới. Theo bà, làm thế nào ngày càng phát triển hơn nữa những mô hình này, qua đó chung tay cùng chính quyền TP phát triển văn hóa đọc?

- Trong nội dung Chương trình dự án “Tái tạo thư viện công cộng” tại Thư viện Hà Nội có hoạt động rất quan trọng là đào tạo cán bộ thủ thư. Được sang Hàn Quốc tập huấn, tôi nhận thấy rằng, các thư viện hiện nay, đặc biệt là thư viện cấp tỉnh, TP phải trở thành một thư viện mở. Mở ở đây là không chỉ tổ chức theo kho sách để bạn đọc tự chọn mà đó là địa điểm sinh hoạt văn hóa đa dạng, đa năng. Đặc biệt là tiện tích, dịch vụ phục bạn đọc một trong những yếu tố rất quan trọng để thu hút bạn đọc đến thư viện.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 13

Chúng tôi đến thăm thư viện Hàn Quốc thì đều là không gian mở hoàn toàn. Ngoài hệ thống trang thiết bị hiện đại, họ còn có không gian rất thư giãn. Với chức năng của thư viện là thông tin, giải trí thì tôi thấy rằng nhiều thư viện ở Việt Nam đã cũng làm được phương thức đó.

Trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi rất mong muốn tại Thư viện Hà Nội có được tiện ích đó, có thể là không gian cà phê sách. Ở đó, bạn đọc có thể nhâm nhi tách trà nóng, ly cà phê để đọc một cuốn sách; hay vào các thiết bị công nghệ để khai thác những tài liệu, tư liệu được số hóa. Đó là một không gian rất lý tưởng để bạn đọc có thể đọc sách trong trạng thái thư giãn. Chúng tôi rất muốn được tổ chức các dịch vụ như vậy.

Thực tế, trong Luật Thư viện cũng có những điều khoản rất rõ ràng quy định thư viện được phép tổ chức các dịch vụ hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các dịch vụ, hoạt động liên quan đến hoạt động thư viện để phục vụ bạn đọc. Với xu hướng phát triển hiện nay của các thư viện trên thế giới và Việt Nam, muốn bạn đọc đến thư viện, ngoài tài nguyên khai thác thì cần tiện ích phục vụ để họ cảm thấy đến thư viện không chỉ là nơi đọc sách mà còn vừa đọc sách vừa thư giãn.

Để làm được những việc này, nhiều ý kiến cho rằng nên cho thư viện cơ chế tự chủ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Với các thư viện áp dụng cơ chế tự chủ là rất khó. Bởi theo Nghị quyết mới của HĐND TP vừa thông qua thì người đến thư viện đã được miễn phí sử dụng dịch vụ, ngoài ra những dịch vụ chúng tôi có thể thu được tiền rất ít. Bởi đây là một thiết chế mang tính chất phục vụ cộng đồng. Để phát triển văn hóa đọc không thể đặt tính chất thương mại, dịch vụ thu tiền của người dân.

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 14

Hiện nay, các hiệu sách thu hút được phụ huynh đưa con em đến bởi trước hết vào đó, được trực tiếp xem sách. Thứ hai là không gian lý tưởng, ngoài gian sách còn có khu vui chơi. Tại Thư viện Hà Nội, chúng tôi cũng có không gian dành cho mẹ và bé. Chúng tôi cũng đang dần dần phát huy, khai thác tốt không gian dành cho thiếu nhi. Bởi để phát triển được văn hóa đọc, đối tượng thiếu nhi cực kỳ quan trọng. Với người lớn khi cần hay đến khi nghỉ hưu nhiều thời gian mới tới thư viện đọc sách. Nhưng với trẻ em thì chúng ta làm sao đưa các em vào một không gian đọc mà chơi, chơi mà đọc từ sớm để hình thành thói quen đọc sách.

Hiện nay, nhất là tháng Hè, bạn đọc thiếu nhi đến Thư viện Hà Nội rất đông, có những ngày đến 1.200 lượt. Nói như vậy để thấy nhu cầu đọc của đối tượng này đang tăng. Chúng tôi kỳ vọng không gian thu hút đối tượng thiếu nhi phải được quan tâm, chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa. Đồng thời cũng mong muốn có được dịch vụ để làm sao khi đến thư viện, các con được đọc sách còn bố mẹ cũng có không gian phù hợp vừa đọc sách, vừa thư giãn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bài cuối: Thư viện phải trở thành không gian văn hóa đa năng - Ảnh 15

07:06 09/08/2023