Trong mọi giai đoạn phát triển, gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội. Sự ổn định của xã hội, sự phát triển của quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển của văn hóa gia đình. Với Hà Nội, TP xác định, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận và bổ sung những giá trị mới của xã hội để phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước.
Xác định vai trò quan trọng của gia đình, vun đắp giá trị gia đình, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi về xây dựng gia đình, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Phát huy trách nhiệm của gia đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động… đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp.
Chỉ thị số 06-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới" ban hành ngày 24/6/2021 cũng đã nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước".
Với Thủ đô Hà Nội, luôn coi trọng công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu của thời đại. Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” xác định, sự nghiệp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi phải đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển Thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
Chỉ thị cũng nêu rõ, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Trong đó, nội dung quan trọng là xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình: lễ phép, lịch sự, hòa thuận, kính trên nhường dưới, nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý...; xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định: Đây được coi giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đi vào thực chất, bền vững, còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Việc thực hiện 2 Quy tắc ứng xử, nhất là ứng xử nơi công cộng chưa có chuyển biến mạnh mẽ. Trong nhận thức, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu còn xem nhẹ giá trị văn hóa, giá trị con người Hà Nội trong phát triển mọi mặt đời sống xã hội; còn thiên về các giá trị kinh tế, chưa chú ý tới nhân tố văn hóa và con người trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...
Những hành vi ứng xử thiếu văn hóa với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng; thái độ sùng bái đồng tiền, lối sống hưởng thụ, buông thả, không chú trọng xây dựng, phát triển thế hệ tương lai; tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống, đặc biệt là trong một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nguy cơ làm mai một vẻ đẹp thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, hạn chế tinh thần tận tâm, tận lực cống hiến xây dựng Thủ đô.
Nhận diện những thách thức đang đặt ra với con người, với từng gia đình ở Thủ đô, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra các giải pháp để xây dựng hệ giá trị gia đình, chuẩn mực người Hà Nội một cách hiệu quả. Trong đó, coi phong trào xây dựng gia đình văn hóa, coi gia đình văn hóa là động lực quan trọng quyết định thành công của sự phát triển kinh tế - xã hội. Các chuyên gia cũng đề xuất Nhà nước đầu tư về kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng gia đình văn hóa đi vào thực chất; tập trung đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo cho thế hệ trẻ...
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho rằng, cần đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng ứng xử văn minh. “Đặc biệt, phát huy hiệu quả việc thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu” – ông Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nêu ý kiến, phải coi công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn TP Hà Nội…
Để công tác gia đình được phát huy hiệu quả, huyện Mê Linh đưa các chỉ tiêu cơ bản về gia đình vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, huyện cũng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền xây dựng các mô hình văn hóa, các quy tắc ứng xử góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa.
Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp trong gia đình truyền thống ở Hà Nội trong tình hình mới, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cư dân Thủ đô về các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống người Hà Nội là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, là bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống người Hà Nội hiện nay để hướng tới xây dựng văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đem lại hạnh phúc cho mọi nhà.
Nhiều chuyên gia văn hóa khác cũng khẳng định vai trò của gia đình, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng Thủ đô. Song, công tác gia đình cũng đang đứng trước nhiều thách thức không hề nhỏ. Đó là sự xung đột giữa việc bảo tồn các giá trị đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục tốt đẹp với việc tiếp thu những yếu tố mới của xã hội hiện đại trong gia đình; đó là tình trạng lỏng lẻo trong mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên dẫn đến gia đình thiếu ổn định, bền vững; đó là tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, xâm hại trẻ em, bất bình đẳng giới... Chính vì lẽ đó, bản thân gia đình cần có được “tấm lá chắn” - từ các quy định của pháp luật, từ cơ chế, chính sách có liên quan và từ chính trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL nêu quan điểm, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, các bộ, ngành, địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt nhằm xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về gia đình, thống nhất Ban Chỉ đạo công tác gia đình từ trung ương đến cơ sở để phát huy vai trò điều phối liên ngành và thực hiện các nhiệm vụ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, để thực hiện công tác gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình trong tình hình mới, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống.
Cũng theo bà Trần Ánh Tuyết, đầu tư cho công tác xây dựng gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững, cho dù nền khoa học trên thế giới có phát triển tối tân và hiện đại đến đâu nhưng những giá trị như: giáo dục đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, tình cảm yêu thương gắn bó để vượt qua những trở ngại, gập ghềnh, những thăng trầm của cuộc sống, sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình không gì có thể thay thế được.
Có thể nói, việc xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô nói riêng, xây dựng và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới là một vấn đề hết sức hệ trọng đối với sự phát triển chung của đất nước. Chính vì vậy, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, để chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống, bản thân mỗi cấp chính quyền địa phương cần có những hành động cụ thể, quyết liệt để phát huy vai trò quản lý nhà nước trong công tác gia đình hiện nay. “Phát huy vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc ngay từ trong gia đình để tạo nên sức mạnh đoàn kết, hun đúc ý chí tinh thần dân tộc. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng một ngành nào, mà cần sự quan tâm, đầu tư của tất cả các cấp, các ngành, sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội” – ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Văn hóa thanh lịch Hà Nội, qua thời gian dẫu có hao hụt, phai nhạt ít nhiều “nếp xưa” nhưng chắc chắn luôn là hồn cốt của Hà Nội hiện tại và tương lai. Bởi, hai từ “thanh lịch” đã là biểu tượng cho phẩm chất, giá trị tinh thần của người Thăng Long – Hà Nội xưa và nay. Giá trị bất biến ấy được lưu giữ, trao truyền trong ca dao, tục ngữ “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hãy bắt đầu từ mỗi cá nhân, gia đình – được coi là tế bào của xã hội, khi từng tế bào gia đình vững mạnh, sẽ đóng góp vào một Thủ đô văn hiến, văn minh, hòa bình, sáng tạo.
09:10 04/08/2024