Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học chậm trễ cấp “sổ đỏ” tại TP.HCM: Quận Bình Tân đang thách thức dư luận, “phớt lờ” chỉ đạo của Ban Tiếp công dân Thành phố

Theo Tạp chí Mặt trận
Chia sẻ Zalo

Mặc dù nhiều tháng đã trôi qua cùng với nỗi bức xúc của người dân và sự lên tiếng của cơ quan báo chí nhưng vấn đề cấp lại cuốn sổ đỏ cho người dân tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM vẫn “giậm chân” tại chỗ. Trong vụ việc này, dư luận đang đặt câu hỏi có hay không biểu hiện “trù dập” mang tính “cá nhân” của một số cán bộ quận Bình Tân.

Có hay không chiêu trò làm khó người dân?
 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp ngày 15/8/2019 của gia ông Lê Như Nguyên đang bị Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân giữ lại.
Trước thềm Năm mới, thay vì cảnh nô nức, vui vẻ như mọi năm, ông/bà Lê Như Nguyên, Nguyễn Kiều Diễm Chi, trú tại Phường 4, Quận 10, TPHCM - chủ sở hữu khu đất tại số thửa 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân theo Giấy chứng nhận số CS13787 do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp ngày 15/8/2019 vừa trải qua cái Tết buồn nhất cuộc đời khi cuốn “sổ đỏ” bị Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân giữ gần năm nay vẫn chưa trao trả lại cho gia đình ông, bà.
Theo ông Nguyên, gia đình ông không ngần ngại hiến hàng trăm m2 đất để làm đường giao thông, công viên cây xanh, nộp số tiền hơn 9,3 tỷ đồng vào ngân sách để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thế nhưng, thứ mà ông nhận lại chỉ là sự thờ ơ, vô cảm của các cấp chính quyền quận Bình Tân, bất chấp ý kiến của Ban Tiếp công dân Thành phố và Cơ quan Công an quận.
Không chỉ gây khó cho người dân trong quá trình cấp lại sổ đỏ, UBND quận Bình Tân còn cố “hình sự hóa các quan hệ dân sự” khi đẩy một việc xin cấp lại “sổ đỏ” sang cơ quan công an điều tra, làm rõ để làm cớ cho việc không trả “sổ đỏ”.
Tích cực hiện thực hóa chỉ đạo của UBND quận Bình Tân, ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân luôn viện lý do vụ việc đang chờ kết quả điều tra của cơ quan công an để biện minh cho việc “om” sổ đỏ của người dân; tuy nhiên, ngày 22/10/2019, Công an quận Bình Tân đã có văn bản số 3143/CABT-CSKT gửi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân trả lời thông tin tranh chấp dân sự liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.
 Văn bản số 3143/CABT-CSKT ngày 22/10/2019 của Công an quận Bình Tân gửi Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Tân.
Nội dung văn bản nêu rõ ý kiến của cơ quan công an như sau: “Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tham nhũng. Ngày 23/9/2019, Công an quận Bình Tân có xác minh tại UBND phường An Lạc, quận Bình Tân liên quan đến thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân nhằm mục đích điều tra cơ bản, thực hiện yêu cầu nghiệp vụ.
Công an quận Bình Tân chưa có văn bản đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch đối với thửa đất 402, tờ bản đồ số 44, phường An Lạc, quận Bình Tân.
Do đó đề nghị Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Bình Tân thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Dù đã có văn bản trả lời của cơ quan công an, nhưng thay vì trả lại sổ đỏ cho gia đình ông Nguyên và bà Chi thì các cấp chính quyền quận Bình Tân lại đang hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự đối với việc xin cấp sổ đỏ của người dân. Dưới “chiêu bài” này, Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân khiến vụ việc ngày càng bị kéo dài và trở nên rối rắm, phức tạp.
Sâu chuỗi toàn bộ vụ việc này theo thời gian, dư luận có quyền nghi vấn, liệu đây có phải là việc làm cố tình trì hoãn, để nhũng nhiễu nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, cố tình tạo lý do “hợp lý” để không trả lại sổ đỏ cho người dân.
Trao đổi với PV, ông Lê Như Nguyên cho biết: Chúng tôi phản đối cách hành xử theo kiểu “ép khung” hình sự để lấy lý do trì hoãn việc cấp lại sổ đỏ cho gia đình tôi. Đề nghị UBND TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm vụ việc của gia đình chúng tôi theo đúng luật, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, gây khó cho người dân.
Vẫn tồn tại việc “trên nóng, dưới lạnh” khi cấp sổ đỏ cho người dân
 Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM. Ảnh: Báo TN&MT
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM diễn ra cuối năm 2019, đại biểu HĐND thành phố phản ánh về tình trạng trễ hẹn nhiều lần khi người dân nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện. Vậy, việc công khai minh bạch giải quyết hồ sơ được xử lý như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giam đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, khi hợp nhất các Văn phòng Đăng ký đất đai các quận, huyện thành các Chi nhánh thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố, có hơn 1.200 cán bộ, viên chức, người lao động. Sở TN&MT TP.HCM đã tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ lực lượng này, qua đó phát hiện một số trường hợp cán bộ chưa đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ cũng như thái độ phục vụ người dân chưa đúng mực.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, hiện nay, Sở TN&MT TP.HCM đang áp dụng nhiều giải pháp để phục vụ người dân và các tổ chức trong cấp Giấy chứng nhận. Trong đó, Sở TN&MT đã chỉ đạo công khai minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình cấp Giấy chứng nhận để người dân nắm rõ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với cơ quan thuế để giúp người dân thuận tiện trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
Thế nhưng, dường như Văn phòng Đăng kí đất đai Chi nhánh quận Bình Tân đang “bỏ quên” lời hứa của vị Giam đốc Sở TN&MT TP.HCM trước HĐND và cử tri Thành phố. Và ngay chính, Sở TN&MT TP.HCM cũng tỏ ra thờ ơ, vô cảm khi đứng ngoài cuộc trong vụ việc chậm trễ cấp sổ cho gia đình ông Lê Như Nguyên tại phường An Lạc, quận Bình Tân.
Quá bức bách, gia đình ông Lê Như Nguyên đã gửi nhiều đơn thư phản ánh tới các cấp chính quyền của TPHCM và cơ quan báo chí đã chuyển vụ việc đến lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, chỉ đạo giải quyết; tuy nhiên, đến nay, vụ việc vẫn chìm sâu vào im lặng.
Trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước vào 29/4/2016, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định mạnh mẽ: Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước! Và trong suốt cuộc đối thoại kéo dài từ 8h đến gần 13h30, thông điệp “Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đến 3 lần.
Nhưng lạ một nỗi là ở trên thì “nóng” mà sao ở dưới vẫn cứ “nguội”! Bao giờ thì cái “nóng”, cái lo lắng của lãnh đạo Chính phủ sẽ được “Quan cấp quận” như Bình Tân biến thành hành động? Có lẽ điều này chỉ xảy ra khi nào mấy ông “quan quận” đóng vai người dân đi làm sổ đỏ này mới thấy hết được người dân bị thử thách lòng kiên trì đi đòi trả “sổ” là như thế nào.
Đặc biệt khi mà sự bức xúc bị dồn nén từ nhiều tháng nay đã được cơ quan báo chí phản ánh một cách trung thực, khách quan, nhưng các quan cấp quận tại Bình Tân vẫn để ngoài tai mọi sự.
 Văn bản số 4033/UBND ngày 12/12/2019 của UBND quận Bình Tân.
Trong khi đó, ngày 12/12/2019, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt đã ký ban hành văn bản số 4033/UBND gửi Tạp chí Mặt trận thông tin về tiến độ xử lý liên quan đến tồn tại trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại phường An Lạc do Tạp chí Mặt trận phản ánh.
Đến nay, đã gần 2 tháng sau văn bản hồi âm trên, những lời hứa của Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt vẫn chỉ là lời hứa suông trên giấy khi Tạp chí Mặt trận vẫn chưa nhận được văn bản trả lời chính thức của UBND quận Bình Tân liên quan đến vấn đề này.
Để giải quyết triệt để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, TP.HCM cần có các giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn tại, bất cập trong công tác cấp sổ đỏ cho người dân:
Một là, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM có chỉ đạo đối với các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác minh làm rõ động cơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm trong việc chây ỳ, gây khó khi cấp sổ đỏ cho người dân..
Hai là, TPHMC cần có cơ chế hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng từ việc chậm trễ cấp sổ đỏ như: giảm bớt các khoản thu, có chính sách miễn giảm lệ phí, thuế; bổ sung kiến thức cho cán bộ giải quyết; giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà…
Ba là, tập trung rà soát và chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp sổ đỏ theo tinh thần cắt giảm thủ tục và thành phần hồ sơ không cần thiết.
Bốn là, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người dân. Việc công khai các thông tin cần được xử lý nhanh chóng, kịp thời nhằm đảm bảo hạn chế những trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân khi đi làm sổ đỏ.
Năm là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc ở các địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện giám sát công tác cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.