Tinh thần, giá trị cốt lõi ấy một lần nữa được Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện tổ chức ngày 12/5.
Không phải ngẫu nhiên, tư tưởng “lấy dân làm gốc” được đúc kết thành kim chỉ nam định hướng cho cả chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) Thủ đô những năm tiếp theo mà giá trị này đã được tôi rèn, thử thách qua thực tiễn khá sinh động. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, đã có những địa phương cán bộ không có sự bàn bạc, lấy ý kiến Nhân dân dẫn tới nhiều bất cập xảy ra. Ngay ở khâu đột phá được Hà Nội chọn trong xây dựng NTM là dồn điền đổi thửa, bài học lấy dân làm gốc đã được thể hiện rõ nét nhất. Ở một số thôn, xã, cán bộ vì lợi ích cá nhân nên làm sai quy trình dồn đổi khiến cho người dân bức xúc, thậm chí có nơi bà con không nhận ruộng, bỏ ruộng hoang. Hay nhiều chương trình, đề án, công trình rơi vào cảnh dở dang cũng vì thiếu sự tham gia chung tay góp sức của người dân… Nắm bắt được vấn đề cốt lõi ấy, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 đã quán triệt sâu rộng tới các địa phương về tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng và người dân. Nhờ đó, xây dựng NTM đã thực sự trở thành phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tham gia. Với 201/386 xã đạt chuẩn NTM, chiếm khoảng 11% số xã NTM của cả nước, Hà Nội đã vươn lên khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vô cùng quan trọng này. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm qua, nguồn lực huy động từ người dân và DN cho xây dựng NTM toàn TP đạt hơn 10.900 tỷ đồng (chiếm 21%) - một tỷ lệ rất đáng khích lệ và cao hơn so với bình quân cả nước. Thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, phải lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa... Các công việc đó được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của chính Nhân dân, để người dân thấy rõ lợi ích của mình và tham gia xây dựng NTM. Theo Bí thư Thành ủy, hiện nay Hà Nội vẫn còn trên 50% lao động là nông dân. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách lâu dài và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp Nhân dân. Để đạt được mục tiêu ấy, chắc chắn rằng bài học “lấy dân làm gốc” vẫn luôn còn nguyên giá trị đối với tất cả các địa phương.
Tuyến đường liên xã nông thôn mới tại Yên Sở, huyện Hoài Đức. Ảnh: Chiến Công |