Bài học mở cửa giữa Covid-19 từ các quốc gia tiên phong trên thế giới

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 18 tháng sau đại dịch, một số quốc gia đã quyết định mở cửa và áp dụng mô hình sống chung với Covid-19, coi đây như một tiến trình dài hơi để đại dịch dần trở thành “căn bệnh đặc hữu”.

Singapore
Chỉ có 60 ca tử vong do Covid-19 tại ở Singapore kể từ khi đại dịch lần đầu tiên xuất hiện, và khoảng 82% dân số của nước này hiện đã được tiêm phòng đầy đủ. Vào tháng 6, chính phủ đảo quốc sư tử tuyên bố sẽ hướng tới chiến lược "sống chung với Covid-19", tập trung vào việc theo dõi và điều trị các cụm ổ dịch bằng tiêm chủng và theo dõi các ca nhập nhập viện – thay vì những biện pháp hạn chế như đóng cửa biên giới hay yêu cầu làm việc tại nhà - đặc điểm nổi bật của phần lớn chiến lược chống đại dịch trên toàn thế giới.
 Singapore đã quyết "sống chung với Covid" từ tháng 6/2021. Ảnh: Getty. 
"Tin xấu là Covid-19 có thể không bao giờ biến mất. Tin tốt là có thể sống bình thường với Covid-19", các quan chức hàng đầu phụ trách ứng phó đại dịch của Singapore cho biết vào thời điểm đó.
Thay vì tái áp đặt các quy định hạn chế nghiêm ngặt khi số ca bệnh tăng nhanh, Singapore chọn cách khởi động chương trình tiêm vaccine tăng cường cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu, kể từ ngày 14/9.  Để giảm sức ép lên các bệnh viện, quốc đảo 5,7 triệu dân cũng sẽ mở rộng chương trình thử nghiệm cho người đã tiêm 2 liều vaccine nhưng vẫn nhiễm virus được điều trị và hồi phục tại nhà, cùng với đó là giảm thời gian cách ly cộng đồng từ 14 xuống còn 10 ngày.
Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng ưu tiên các nguồn lực để tập trung xét nghiệm và truy vết tiếp xúc, nhằm ngăn chặn các cụm dịch lớn ở những cơ sở có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương.
Đan Mạch
Cuộc sống bình thường đã chính thức trở lại với người dân Đan Mạch kể từ ngày 10/9 vừa qua khi Chứng chỉ sức khỏe số - biện pháp bảo vệ cuối cùng ngăn chặn Covid-19 chính thức dược dỡ bỏ hoàn toàn, ngay cả đối với các quán bar và câu lạc bộ đêm. Đan Mạch trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ tất cả các hạn chế do dịch Covid-19.
Chìa khóa thành công của Đan Mạch một phần nằm ở việc triển khai tiêm chủng. Tính đến ngày 13/9, hơn 74% dân số Đan Mạch đã được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Our World in Data.
 Đan Mạch là một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế do Covid-19. Ảnh: AP
Tỷ lệ bao phủ vaccine của Đan Mạch hiện cao thứ hai tại Liên minh châu Âu (EU) chỉ sau Malta. Thành quả này giúp Đan Mạch khống chế số ca mắc Covid-19 ở mức thấp mà không cần áp đặt quá nhiều quy định hạn chế. Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết, hệ số lây nhiễm hiện tại là 0.7, có nghĩa là dịch bệnh đang tiếp tục giảm. Nếu hệ số này trên 1.0, các trường hợp Covid-19 sẽ tăng lên trong tương lai gần, nếu nó dưới 1.0, các trường hợp sẽ giảm trong tương lai gần.
Hộ chiếu vaccine được Đan Mạch áp dụng từ tháng 3/2021, khi nước này dần nới lỏng các hạn chế ngăn dịch Covid-19. Nhờ tỷ lệ tiêm phòng vaccine tăng lên, ngày 1/8, giới chức Đan Mạch đã dỡ bỏ yêu cầu hộ chiếu vaccine tại các bảo tàng và sự kiện trong nhà dưới 500 người. Kể từ ngày 14/8, Đan Mạch không bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, cho phép các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại và người dân không bắt buộc phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng nếu muốn vào nhà hàng, xem các trận đấu thể thao, phòng tập thể dục hay tiệm cắt tóc.
Mặc dù vậy, giới chức y tế nước này vẫn thận trọng khi nói rằng Đan Mạch vẫn chưa thoát khỏi đại dịch và chính phủ sẽ không ngần ngại hành động nhanh chóng nếu đại dịch lại đe dọa các chức năng quan trọng trong xã hội.
Thái Lan
Tuần trước, các quan chức cho biết Thái Lan có kế hoạch mở cửa trở lại Bangkok và các điểm đến nổi tiếng khác cho du khách nước ngoài khi quốc gia Đông Nam Á này cố gắng hồi sinh ngành du lịch quan trọng của mình bất chấp số lượng ca bệnh gia tăng.
Reuters cho biết, theo chương trình mở rộng, khách du lịch được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19 và cam kết thực hiện xét nghiệm sẽ được phép vào thủ đô Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai. 
 Thái Lan tăng cường tiêm chủng và bắt đầu mở cửa du lịch trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Ảnh: Bangkokpost
Hôm 30/8, người phát ngôn chính phủ Thanakorn Wangboonkongchan cho biết, dự kiến nước này sẽ mua được 140 triệu liều vaccine các loại vào cuối năm nay. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng chỉ đạo Bộ Y tế mua thêm vaccine tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi nhằm chuẩn bị mở cửa trường học an toàn. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan đã đề ra kế hoạch cấp "Thai Covid Pass" (hộ chiếu Covid-19 Thái Lan) cho người đã tiêm chủng, cho phép tới một số địa điểm như nhà hàng.
Đảo Phuket đã mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài tiêm chủng vào ngày 1/7 mà không cần kiểm dịch. Vào ngày 15/7, Thái Lan khởi động chương trình tương tự trên các đảo du lịch Koh Samui, Koh Pha Ngan và Koh Tao, được đặt tên là "Samui Plus".
Chile
Chile đã được quốc tế ca ngợi vì chiến dịch tiêm chủng thành công và suôn sẻ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, gần 87% người Chile đủ điều kiện đã được tiêm chủng đầy đủ. Nước này đã bắt đầu tiêm nhắc lại cho những người được tiêm chủng đầy đủ. Các cơ quan y tế Chile hôm 16/9 đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Trung Quốc Sinovac cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và bắt đầu thực hiện từ ngày 20.9.
 Chiến dịch tiêm chủng ở Chile được ca ngợi. Ảnh: Xinhua. 
Bất chấp mối đe dọa do biến thể Delta gây ra, chính phủ Chile công bố các động thái mở cửa trở lại đất nước cho du lịch quốc tế từ ngày 1/10, đúng vào mùa hè của quốc gia Nam bán cầu.
Người nước ngoài không cư trú sẽ có thể nhập cảnh với điều kiện họ đáp ứng các yêu cầu nhất định và cách ly trong năm ngày khi đến.
"Việc du khách nước ngoài có thể đến Chile là một bước quan trọng cho sự phục hồi của du lịch trong nước. Điều quan trọng là phải chỉ ra rằng đây là bước đầu tiên, và chúng tôi sẽ có thể tiếp tục tiến lên miễn là chúng tôi duy trì các điều kiện sức khỏe phù hợp", theo Bộ trưởng Du lịch José Luis Uriarte.
Mất bao lâu để Covid-19 trở thành một căn bệnh đặc hữu?
Nhiều nghiên cứu khoa học đã được triển khai để dự đoán về những kịch bản của đại dịch Covid trong tương lai. Hầu hết các chuyên gia sức khỏe cộng đồng nhất trí rằng Covid-19 sẽ tồn tại như một căn bệnh đặc hữu thay vì biến mất hoàn toàn. Họ dự đoán số ca nhiễm sẽ ổn định trong nhiều năm với các xu hướng có thể xảy ra theo mùa và các đợt bùng phát nhỏ hơn thường xuyên.
Trên toàn cầu, con đường từ đại dịch đến đặc hữu sẽ không hề dễ dàng. Tại Australia, các nhà lãnh đạo quốc gia và tiểu bang đang công bố các kế hoạch nối lại hoạt động cho doanh nghiệp và cuối cùng là mở cửa biên giới. Dù vậy, chuyên gia y tế nước này cho rằng, quá trình này dự kiến sẽ dẫn đến làn sóng Covid-19 thứ hai trên toàn quốc. Vẫn sẽ có người tử vong và hệ thống y tế vẫn phải thử thách. Tiêm vaccine sẽ bảo vệ nhiều người, nhưng vẫn có những người không hoặc không thể tiêm chủng. Khả năng miễn dịch cộng đồng (do tiêm chủng hoặc khỏi bệnh) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiến tới biến đại dịch thành căn bệnh đặc hữu.
Điều lâu dài và tiên quyết mà các quốc gia cần, theo giới phân tích, để chung sống với đại dịch là tiêm chủng và tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng tránh. Thông qua đó, người dân tự bảo vệ bản thân, những người xung quanh và cùng nhau tiến tới giai đoạn “đặc hữu” của Covid. Nếu chúng ta không làm việc cùng nhau, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhanh và kéo dài thời gian kết thúc đại dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần