Bởi, Chùa Cầu khi được trùng tu xong đã gần như mới hoàn toàn, như trẻ lại, từ hơn 400 năm tuổi, xuống còn 1 tuổi.
Đây là câu chuyện gần giống khi trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khi biệt thự này được trùng tu xong, không ít ý kiến cho rằng biệt thự này trở nên quá mới. Có người còn cho rằng biệt thự cũ có vẻ đẹp “tã tượi” (!?).
Trên thực tế, qua thời gian, tìm hiểu sâu về cách trùng tu biệt thự ở Hà Nội nói trên, nhiều người mới thấy được sự cẩn trọng, tỉ mỉ, khoa học trong việc tìm biện pháp và thực hiện trùng tu, như việc dò tìm màu gốc từ hồ sơ, các kỹ thuật hiện đại…
Việc trùng tu có được sự tham gia của chuyên gia Pháp, nơi sản sinh ngôi biệt thự này. Bây giờ, đại đa số người quan tâm đã cho rằng biệt thự 49 Trần Hưng Đạo vẫn giữ được hồn cốt của nó, duy chỉ không còn màu thời gian, điều mất mát không thể tránh khỏi với một di sản đã quá xuống cấp. Hơn nữa, muốn có màu thời gian thì chỉ có cách là... đợi chờ mà thôi. Ngôi biệt thự đã được mở cửa cho khách tham quan.
Trở lại với Chùa Cầu: đây là công trình được chuẩn bị kỹ các phương án để trùng tu với hơn 10 năm. TP Hội An đã tổ chức những hội thảo khoa học, mời các chuyên gia giỏi trong nước và Nhật Bản đóng góp ý kiến về cách trùng tu, sửa chữa từng phần hay hạ giải để sửa chữa toàn bộ từ móng cầu, cột, mái…
Công trình Chùa Cầu (Lai Viễn cầu) được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ XVI, là nơi thực hành tín ngưỡng (thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần lớn của Đạo giáo bảo vệ người dân khỏi tai ương) và nơi nghỉ ngơi, vãn cảnh.
Chùa Cầu là một trong những biểu tượng quan trọng của Hội An, biểu tượng cho quan hệ Việt - Nhật - Hoa trong giao thương, buôn bán… Bởi vậy, chính quyền địa phương và các nhà khoa học trong và ngoài nước đã rất thận trọng trong việc trùng tu nó.
Cho đến nay việc trùng tu Chùa Cầu được các nhà khoa học, người yêu Hội An đánh giá tốt. Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn nhận xét: “Chùa Cầu đã được tu bổ bài bản, khoa học, đúng với diện mạo, hình hài bản thể nhưng vững chãi, kiên cố hơn”.
Như vậy, việc trùng tu di sản trên đã hoàn toàn đạt được mục tiêu, nhờ sự cẩn trọng cũng như quyết tâm của chính quyền địa phương và các nhà khoa học…
Trong trùng tu di sản, việc quan trọng là vẫn giữ được hồn cốt của di sản, đồng thời giúp nó vững bền hơn với thời gian. Việc di sản “mới hơn”, ‘trẻ hơn” là điều tất yếu. Làm cách nào đó, như sơn phủ, để di sản trông cũ kỹ, giống xưa chỉ là quan niệm, nhiều lúc không cần thiết và nếu lạm dụng sẽ dẫn đến như việc làm giả cổ nhưng đánh mất bản chất, hồn cốt của di sản.
Câu chuyện trùng tu thành công của Chùa Cầu đã một lần nữa có thể rút ra bài học: với di sản, cần có tấm lòng, sự hiểu biết, cẩn trọng.