Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán của du lịch Đông Nam Á

Hương Thảo - Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 2 năm gián đoạn du lịch vì đại dịch dường như đã trở thành cơ hội hiếm có để nhiều chính phủ ở Đông Nam Á suy tính lại về ngành công nghiệp không khói, nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn. Nhưng thực tế đang chỉ ra những thách thức không nhỏ.

Khách du lịch dạo chơi gần một con rồng Komodo đang tắm nắng trên đảo Komodo, Indonesia. Ảnh: SCMP
Khách du lịch dạo chơi gần một con rồng Komodo đang tắm nắng trên đảo Komodo, Indonesia. Ảnh: SCMP

Tăng giá, cấm cửa để... bớt khách

Tháng 8 năm nay, Chính phủ Indonesia gây "sốc" khi thông báo sẽ tăng phí vào cửa gấp 25 lần đối với Vườn quốc gia Komodo - thu hút du khách khắp thế giới với hoạt động tham quan rồng Komodo sắp tuyệt chủng. Giá vé được ấn định mức 3,75 triệu rupiah (khoảng 250 USD), so với giá vé ngày thường trước đó chỉ 5.000 rupiah cho một người Indonesia và 150.000 rupiah cho một người nước ngoài. Kế hoạch này được cho là nhằm tăng doanh thu, đồng thời giảm số lượng du khách và bảo tồn môi trường sống tự nhiên, nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành du lịch và các quan chức chính quyền địa phương.

Tuần trước, Sandiaga Uno - Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo của Indonesia - thông báo rằng đợt tăng giá tháng 1/2023 đã bị hủy bỏ. Nhưng ông nói thêm rằng giới hạn lượng khách mỗi ngày vào Vườn quốc gia Komodo vẫn đang được xem xét, cùng với việc giảm giờ mở cửa và nhiều hạn chế chặt chẽ hơn đối với các khu vực mà khách du lịch có thể ghé thăm. Lý do được đưa ra là bởi các mối đe dọa đối với rồng Komodo, bao gồm cả nạn buôn lậu đang tràn lan trong những năm gần đây.

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cảnh báo vào năm 2021 rằng nhiệt độ toàn cầu và mực nước biển tăng dự kiến ​​sẽ làm giảm ít nhất 30% môi trường sống phù hợp của loài sinh vật độc đáo này trong 45 năm tới. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia được cho cũng đang gặp khó khăn về tài chính nghiêm trọng và mong muốn tối đa hóa doanh thu từ du lịch.

Cuộc tranh luận về Komodo của Indonesia không phải là duy nhất. Các biện pháp cần thiết để làm cho du lịch bền vững đã liên tục được đem ra thảo luận khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ, hoạt động du lịch xuyên biên giới được nối lại. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo rằng vào năm 2023, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là "khu vực đầu tiên quay trở lại thời kỳ năm 2019" khi xét về đóng góp của ngành vào tổng sản phẩm quốc nội. WTTC dự báo rằng các khu vực khác sẽ "phục hồi hoàn toàn vào năm 2024".

Đáng nói, việc cản trở du khách đang ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của một lượng lao động đông đảo trong ngành du lịch. Theo thống kê mới nhất của WTTC, riêng lĩnh vực khách sạn sử dụng gần 11 triệu lao động ở Indonesia, gần 8 triệu ở Philippines và khoảng 7 triệu ở Thái Lan. Do đó, có được sự cân bằng phù hợp cho du lịch bền vững là rất quan trọng đối với các nền kinh tế Đông Nam Á.

"Các chính phủ cần hiểu rằng để duy trì môi trường và thúc đẩy du lịch bền vững, tăng giá không phải là cách duy nhất" - Giám đốc điều hành Piter Abdullah tại Viện nghiên cứu Segara, có trụ sở tại Jakarta, nêu quan điểm. Ông cho rằng Vườn quốc gia Komodo nên ưu tiên biện pháp giới hạn số lượng du khách thay vì tăng giá vé.

Trên thực tế, có nhiều cách khác nhau để chống lại tình trạng quá tải du lịch, bao gồm tăng phí vào cửa, hạn chế số lượng du khách hoặc tạm thời đóng cửa các khu vực dễ bị tổn thương như công viên quốc gia, khu bảo tồn biển để phục hồi. Chẳng hạn, năm 2018, Thái Lan đã đóng cửa vịnh Maya ở quần đảo Phi Phi trên biển Andaman, để đối phó với những vấn đề nghiêm trọng mà du lịch đã gây ra đối với môi trường nơi đây.

Vịnh này đã trở nên nổi tiếng sau khi trở thành bối cảnh chính trong bộ phim Hollywood "The Beach" năm 2000, với sự tham gia của nam tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio. Cũng kể từ đó, hệ sinh thái mỏng manh nơi đây cũng ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng. Theo Siriwat Suebsai, trợ lý trưởng phụ trách Bãi biển Nopparat Thara và Quần đảo Phi Phi tại Bộ TN&MT Thái Lan, các đoàn khách du lịch liên tiếp đã làm hư hại 80% rạn san hô trong vịnh.

Bãi biển Maya đã mở cửa trở lại cho khách du lịch trong năm nay, lần đầu tiên sau gần 40 tháng. Các quy định mới giới hạn số lượng du khách được đề ra ở mức khoảng 4.000 người/ngày so với mức 5.000 người/ngày thu được vào dịp cao điểm năm 2018, trong khi hoạt động bơi lội vẫn bị cấm. Đáng chú ý, việc đóng cửa kéo dài được cho đã mang lại những kết quả tích cực. "San hô đã được cải thiện, những đàn cá mập đã quay trở lại và thường xuyên có thể được nhìn thấy ở vùng nước trong hơn" - ông Siriwat cho biết.

Cũng vào năm 2018, Tổng thống lúc bấy giờ của Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh cải tạo đảo Boracay - khu nghỉ mát nổi tiếng của nước này. Bên cạnh nhiều vấn đề được chỉ ra, các hoạt động du lịch tự phát, không có giấy phép tại Boracay đã làm tăng lượng nước thải và gây ô nhiễm biển nghiêm trọng. Ông Duterte thậm chí đã gọi khu vực này là "bể phân" và nhất quyết đóng cửa hòn đảo, bất chấp sự phản đối của cư dân.

Khách du lịch tại Thái Lan. Ảnh: Iam Anupong/iStock
Khách du lịch tại Thái Lan. Ảnh: Iam Anupong/iStock

Tái tạo nhưng vẫn đảm bảo sinh kế

Một thực tế là ngay cả khi các chính sách được thiết kế tốt để giảm thiểu tác động xã hội, các chính phủ vẫn khó có thể giành được sự chấp thuận từ tất cả các bên liên quan. Trong một báo cáo chung được công bố vào tháng 3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết: "Các chuyên gia đầu ngành đã bày tỏ nghi ngờ về việc liệu các chính phủ, DN và khách du lịch có áp dụng quan điểm dài hạn để hỗ trợ tăng trưởng ngành bền vững, thay vì các hình thức xử lý mang tính tạm thời hay không".

Jaeyeon Choe từ Trường Kinh doanh và Xã hội Glasgow, Đại học Glasgow Caledonian, coi vấn đề này là rất quan trọng. "Đã đến lúc đầu tư vào những khía cạnh này của du lịch với sự tham gia của chính cộng đồng địa phương" - Choe nói. Theo bà, các chính phủ Đông Nam Á cho đến nay vẫn chưa chủ động xây dựng nền tảng cho du lịch bền vững với môi trường. "Các cơ quan quản lý du lịch nên phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa để khai thác nhu cầu. Điều này có thể giúp bảo vệ và hồi sinh các di sản và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra sinh kế mới" - bà nói rõ hơn.

Nikkei Asia dẫn một mô hình du lịch như vậy ở Việt Nam làm ví dụ: ADB đã giúp chính quyền địa phương khởi xướng Chày Lập Farmstay, một dự án du lịch cộng đồng gần Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, với mục tiêu cung cấp những trải nghiệm đậm chất văn hóa bản địa cho khách du lịch. Đáng nói, để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, 90% công việc được giao cho người dân địa phương, trong khi các địa điểm lưu trú được đào tạo thực hành nghiêm túc hoạt động tái chế, bao gồm cả việc ủ phân rác thải nhà bếp.

Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì tập trung vào việc làm thế nào để hạn chế dòng khách du lịch đến các điểm đến hiện có, đây có thể là thời điểm để ngành dịch vụ lữ hành tìm cách phân tán du khách tốt hơn ở những khu vực bị bỏ quên cho đến nay. Ít nhất, khách du lịch cũng đang tỏ ra thích thú hơn đối với các hoạt động và trải nghiệm dựa trên thiên nhiên.

"Vịnh trong như pha lê, không có thuyền neo đậu" - một du khách 45 tuổi người Australia chia sẻ với Nikkei Asia về chuyến thăm Vịnh Maya sau một thập kỷ - "Tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với lần trước tới đây".