Bài toán nào để nước mắm Phú Quốc "vươn ra biển lớn"

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Sau đại dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm Phú Quốc gặp nhiều khó khăn. Những người làm nên "miền di sản nước mắm" mong muốn chính quyền TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng như các bộ, ban, ngành trung ương cần có giải pháp cụ thể để bảo vệ làng nghề.

Giá trị cần được nâng tầm

Trong những năm gần đây, sản lượng và doanh thu tại các cơ sở sản xuất nước mắm Phú Quốc luôn tăng trưởng mạnh, cụ thể: từ năm 2015 đến 2019 sản lượng nước mắm tăng từ 10,7 triệu lít lên 12 triệu lít; doanh thu từ 611 tỷ đồng lên 684 tỷ đồng.

Nước mắm Phú Quốc không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là nơi thu hút khách du lịch tới tham quan mua sắm. Ảnh: Hữu Tuấn
Nước mắm Phú Quốc không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là nơi thu hút khách du lịch tới tham quan mua sắm. Ảnh: Hữu Tuấn

Hiện nay, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc có 54 hội viên, sở hữu 7.009 thùng ủ chượp, trong đó 8 hội viên có đội tàu khai thác nguyên liệu cá cơm, 10 doanh nghiệp có hàng xuất khẩu, sản lượng cá cơm thu mua hàng năm 30-40 nghìn tấn, sản xuất 20-30 triệu lít nước mắm (từ 25 độ đạm trở lên), doanh thu hàng năm đạt 250-300 tỷ đồng.

Trong số 54 hội viên có 37 hội viên đăng ký chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 18 hội viên thực hiện việc dán tem bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm. Nhiều nhà thùng đã đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô lớn, dây chuyền tự động, kiểm định chất lượng bằng thiết bị hiện đại, đẩy mạnh tiêu thụ sang các nước Châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế nước mắm Phú Quốc khi xuất khẩu có giá bán cao hơn giá tiêu thụ trong nước, cụ thể: thị trường Hàn Quốc cao hơn 20 – 30%, EU khoảng 50%, Mỹ khoảng 65%.

Ngoài những giá trị về kinh tế, nước mắm Phú Quốc còn mang bề dày của giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học điển hình như: trong nước mắm cốt truyền thống có khoảng 20 loại acid amin - Vitamin, đặc biệt là 8 loại Axit amin thiết yếu  trong nước mắm mà cơ thể người không tự tổng hợp được.

Bên cạnh đó, ngày nay nhiều nhà thùng nước mắm Phú Quốc có thương hiệu nổi tiếng như: Khải Hoàn, Huỳnh Khoa, Thanh Quốc, Hồng Ân 1, Phụng Hưng... đưa sản phẩm nước mắm vào khai thác du lịch, được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Khách du lịch nước ngoài thử nước mắm Phú Quốc khi tham quan nhà thùng. Ảnh Hữu Tuấn
Khách du lịch nước ngoài thử nước mắm Phú Quốc khi tham quan nhà thùng. Ảnh Hữu Tuấn

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tich Hội nước mắm Phú Quốc, Chủ nhà thùng nước mắm Khải Hoàn cho biết, khi nghề nước mắm được gắn với du lịch sẽ thu hút được nhiều khách tham quan thì các sản phẩm nước mắm được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến nhiều người hơn.

Qua đó, tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập của người làm nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho nghề và cho địa phương một cách ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Giải pháp phát triển làng nghề.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết trước mắt hội mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ bảo tồn và phát triển người tham gia nghề làm; Bảo vệ thương hiệu và chất lượng nước mắm Phú Quốc; Quy hoạch khai thác bảo đảm nguồn nguyên liệu; Hỗ trợ đầu tư kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn, bảo vệ giá trị nghề.

"Hội cũng đã có tờ trình, trình UBND TP Phú Quốc cấp đất, làm bảo tàng nước mắm là nơi trưng bày sản phẩm của các hội viên Hội nước mắm để khách du lịch tham quan và lựa chọn sản phẩm" bà Liên cho hay.

Sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc được đẩy  mạnh xúc tiến, quảng bá. Ảnh Hữu Tuấn
Sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc được đẩy  mạnh xúc tiến, quảng bá. Ảnh Hữu Tuấn

Trong khi đó, trao đổi phóng viên báo Kinh tế và Đô thị đã trao đổi với ông Huỳnh Thanh Minh, Trưởng phòng Kinh tế TP Phú Quốc cho biết, từ sau dịch Covid-19, nước mắm Phú Quốc gặp nhiều khó khăn về đầu ra, chính quyền địa phương và Hội nước mắm đã hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh, liên kết lại để tháo gỡ những khó khăn và tìm đầu ra cho nước mắm Phú Quốc.

Đồng thời, UBND TP đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Hội nước mắm và các phòng ban chuyên môn, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá nước mắm Phú Quốc như: tham gia Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan tháng 11/2022, hội chợ thương mại tại Quảng Ninh, Gia Lai.... và có gần 15 doanh nghiệp đăng ký, ông Minh cho hay.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn đề nghị Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc tăng cường quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thống của các cơ quan báo chí, truyền thông, đồng thời quảng bá trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tik Tok… để người tiêu dùng biết được giá trị, chất lượng của nước mắm truyền thống Phú Quốc”, ông Huỳnh Thanh Minh thông tin.

Bà Nguyễn Thị Tịnh Chủ nhà thùng nước mắm Thanh Quốc cho biết, tôi rất mong các bộ ngành liên quan lên tiếng, cải chính hoặc kiến nghị hủy bỏ quy định tiêu chuẩn histamine trong nước mắm vì nó không phù hợp. Có như vậy mới “cởi trói” cho nước mắm truyền thống Phú Quốc được tự do cạnh tranh trên thị trường quốc tế” và giải bài toán tồn ứ mà các doanh nghiệp nước mắm Phú Quốc đang gặp phải.

Ông Nguyễn Huỳnh Anh Khoa, Chủ nhà thùng nước mắm Huỳnh Khoa cho hay, thời gian tới doanh nghiệp nước mắm cần phải liên kết lại để phát triển sản xuất và mong muốn các cơ quan ban, ngành trung ương và địa phương cùng đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp nước mắn vượt khó sau đại dịch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần