Bàn giải pháp nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/11, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội thảo Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất mạ khay, mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy năm 2019.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất mạ khay quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 200ha lúa. Mô hình được thực hiện tại 5 xã thuộc 4 huyện: Ứng Hoà (2 xã); Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh - mỗi địa phương thực hiện tại 1 xã.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương tham gia mô hình 50% giống lúa với định mức 45kg/ha; 50% khối lượng giá thể và 50% khay nhựa đựng mạ theo định mức 1,2 tấn giá thể và 270 khay/ha. Kết quả đánh giá vụ Xuân 2019 cho thấy, lúa canh tác bằng mạ khay máy cấy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha. So với canh tác truyền thống, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm chi phí sản xuất từ gần 3,9 - 5,45 triệu đồng/ha.

 Các đại biểu và chuyên gia đánh giá chất lượng mạ khay tại Trung tâm mạ khay Kubota Quốc Oai

Từ thành công từ mô hình trong vụ Xuân 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục triển khai hỗ trợ tiếp mô hình trong vụ Mùa 2019. Kết quả đạt được tương tự vụ Xuân.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy mang lại hiệu quả rõ rệt: Giảm chi phí sản xuất từ 2,5 – 3,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 10 – 15% so với cấy lúa truyền thống, giúp nông dân giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, thực tế, diện tích lúa cấy bằng máy trên toàn TP còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 5%.

Tại hội thảo các đại biểu là đại diện các hợp tác xã (HTX) đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, tồn tại của việc triển khai ứng dụng mạ khay, cấy máy. Cụ thể, sản xuất hiên nay vẫn chủ yếu ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, chính sách của TP đã ban hành (hỗ trợ 50% chi phí mua máy cơ giới hóa nhưng không quá 75 triệu đồng) vẫn ở mức thấp, không khuyến khích được nông dân, hợp tác xã (HTX) manh dạn mua máy.

Đáng nói, khi thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy là khâu làm mạ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỹ thuật từ làm giá thể và thời tiết. Trong khi đó, kinh phí đầu tư để mua khay làm mạ vẫn ở mức cao, lợi nhuận thấp nên chỉ có HTX, trạm khuyến nông đủ năng lực mới đảm nhiệm được.

Để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, các HTX kiến nghị, TP cần nâng mức hỗ trợ cao hơn để thành phần tư nhân có cơ hội được tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, các HTX rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước cũng như phía DN cung cấp máy móc, thiết bị...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần