Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán hàng xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt “lột xác” doanh thu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều DN Việt Nam đã và đang tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới nhằm tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn khó khăn.

Đây là thông tin nổi bật được nêu tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA do Bộ Công Thương phối hợp với Alibaba.com tổ chức ngày 1/3.

Thuật ngữ VUCA gồm: Biến động (Votality), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguilty)

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh

Tăng trưởng doanh thu vượt bậc

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi chia sẻ, từ doanh thu 3.000 USD cho đơn hàng xuất khẩu đầu tiên qua sàn thương mại điện tử Alibaba, sau một năm tổng doanh số đã tăng lên 260.000 USD. Các đơn hàng đều là các sản phẩm có thương hiệu, chất lượng và tìm khách mục tiêu ở Nhật Bản, EU và Đông Nam Á nên tránh được nhược điểm của việc xuất nông sản theo hướng truyền thống. Với đà tăng trưởng mạnh như trên, DN tự tin đặt mục tiêu xuất khẩu được 3,5 triệu USD trong thời gian tới và tiếp tục thâm nhập thị trường EU.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh 
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh 

Còn đối với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận (tỉnh Yên Bái), nhờ đẩy mạnh quảng bá và xuất khẩu hàng hóa bằng hình thức trực tuyến, đến nay sản phẩm chè của đơn vị đã có mặt tại thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông, với doanh thu đạt 1 triệu USD/năm.

Phó Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận Đỗ Tuấn Lương chia sẻ: “Nếu như trước đây, 70% doanh thu của HTX là bán ở trong nước, phần còn lại mới đến từ xuất khẩu thì từ khi gia nhập Alibaba.com, sàn thương mại điện tử này đã giúp doanh thu xuất khẩu của đơn vị tăng lên đến 80%. Đến nay, HTX đã có lượng khách hàng tương đối ổn định trên sàn Alibaba. Năm 2023, HTX tiếp tục đẩy mạnh bán hàng qua nền tảng thương mại điện tử này để gia tăng lượng hàng xuất khẩu cũng như giúp nâng cao thu nhập”.

Báo cáo Alibaba.com Việt Nam cho thấy, hiện có khoảng hơn 2.000 DN, HTX Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com, trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản.

Bình quân mỗi ngày một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông sản, đặc biệt là nhóm hàng thủy hải sản, trái cây, thức uống, gia vị có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.

Điều này cho thấy thị trường nông sản, thực phẩm, nước uống vô cùng tiềm năng và đầy dư địa phát triển. Các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực này có cơ hội rõ ràng để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

Đáng chú ý, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn trong năm 2023 được đánh giá là khả quan. Bởi, thực tế đến nay có tới hơn 50% DN lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hoá và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu cơ hội thị trường

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), năm 2023, xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% mở ra kì vọng kinh doanh mới cho DN. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức như: Giá xăng dầu, lạm phát, xung đột vũ trang… đòi hỏi các DN phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử cần được áp dụng nhiều hơn. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu giúp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phân tích các thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh
TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) phân tích các thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Ánh

Đề cập về các giải pháp hỗ trợ DN, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, đã có hơn 200 khoá huấn luyện, đào tạo được Bộ Công Thương phối hợp với Alibaba.com triển hai ở các tỉnh thành.

Khóa huấn luyện tập trung vào các nội dung như: Nhận thức về chuyển đổi số, tiếp cận với phương thức kinh doanh trên nền tảng số, cách thức vận hành gian hàng số, bán hàng trực tuyến (livestream)…

Tuy nhiên, ông Vũ Bá Phú khuyến cáo DN phải chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác; chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, DN cần phối hợp với các tổ chức xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động XTTM để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do.

Giám đốc Phát triển thị trường và Đối ngoại Chính phủ Alibaba.com Việt Nam Vũ Thế Tùng nhận định, năm 2023 là năm được dự báo nhiều thử thách cho DN Việt Nam.

Trong bối cảnh đó sàn thương mại điện tử Alibaba.com tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ kết nối nhà xuất khẩu - nhà nhập khẩu, cung cấp thông tin thị hiếu thị trường để tăng tính hiệu quả khi các DN quyết định tham gia kinh doanh trên nền tảng. Do vậy, khi tham gia thương mại điện tử, DN cần phải xác định rõ ràng các nguồn lực nhân sự và tài chính để đầu tư đúng, trúng.

 

Năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và sàn thương mại điện tử Alibaba.com tập trung triển khai hiệu quả hoạt động đã được hai bên thống nhất trong Thoả thuận hợp tác theo chiều sâu thông qua các hoạt động và kế hoạch dài hạn nhằm hỗ trợ các tổ chức và DN nâng cao nhận thức, tham gia hiệu quả vào tiến trình chuyển đổi số; triển khai hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu thành công.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú