Băn khoăn bài toán tăng vốn tại nhiều doanh nghiệp

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường chứng khoán mạnh cũng là lúc các DN tranh thủ chào bán tăng vốn hàng tỷ cổ phiếu mới.

Gần 102.600 tỷ đồng tăng vốn trên thị trường chứng khoán

Tận dụng trạng thái tích cực của thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều ngân hàng, DN bất động sản đang đổ xô huy động vốn bằng cổ phần. 

 Ảnh minh họa

Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 1.056 tỷ đồng bằng cách phát hành thêm gần 106 triệu cổ phầnCông ty CP Tập đoàn Sao Mai lên kế hoạch phát hành thêm 129,4 triệu cổ phiếu nhằm huy động 1.294,3 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu với mục đích dùng 700 tỷ đồng trả nợ vay ngân hàng và 594,3 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động. Trước đó Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) cũng công bố kế hoạch phát hành 16,8 triệu cổ phiếu, giá chào bán riêng lẻ là 35.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 56,3% so với giá đỉnh 80.000 đồng.

Ở nhóm ngân hàng, BIDV dự kiến phát hành riêng lẻ 341 triệu cổ phiếu, tương đương 3.400 tỷ đồng tính theo mệnh giá. Ngân hàng SHB trong tháng 5 đã hoàn thành việc phát hành hơn 250 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019. Chưa dừng lại ở đó, SHB cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành gần 370 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức năm 2020 và chào bán cho cổ đông hiện hữu... Theo ước tính, chỉ riêng khối ngân hàng đang niêm yết và giao dịch sàn chứng khoán thì trong năm nay sẽ có khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu mới được phát hành.

Ngoài ra, phát hành thêm cổ phiếu mới còn diễn ra ở hàng loạt nhóm ngành khác. PNJ đã thông qua phương án phát hành 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,6% lượng cổ phiếu lưu hành. Song song, PNJ cũng phát hành hơn 3,4 triệu cổ phiếu ESOP 2020 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ở khối chứng khoán, Công ty Chứng khoán (CTCK) VNDidect lên kế hoạch phát hành 214,51 triệu cổ phiếu, huy động 3.110 tỷ đồng. CTCK MB dự kiến phát hành 78,64 triệu cổ phiếu để huy động 786,4 tỷ đồng, bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ, hoạt động đầu tư, phát triển nền tảng công nghệ…

Theo số liệu từ Fiin Group, hiện có 147 DN niêm yết dự kiến tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương gần 102.600 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phần trong năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục dù dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Dự kiến trong thời gian tới, phát hành tăng vốn qua phát hành cổ phiếu sẽ tăng gấp 2,3 lần so với quý I/2021. Fiin Group đánh giá, nếu các DN thực hiện thành công kế hoạch phát hành, năm 2021 sẽ là năm kỷ lục về lượng vốn huy động qua phát hành cổ phần của các DN niêm yết.

Rủi ro pha loãng cổ phiếu và hiệu quả sử dụng vốn

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định việc phát hành thêm cổ phiếu, tăng huy động vốn sẽ góp phần giúp DN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đơn cử như Công ty Thiết bị Điện Việt Nam (HOSE: GEX) dự kiến thu được từ việc chào bán cổ phiếu là 3.515 tỷ đồng. Trong đó, GEX sẽ dùng 2.300 tỷ đồng để triển khai các dự án nhà máy điện gió thông qua Công ty CP Hạ tầng Gelex và dự án “Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê”. Số tiền còn lại hơn 1.215 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Tuy nhiên, khi phát hành thêm cổ phiếu, DN cần đưa ra mức giá hợp lý, đồng thời cung cấp cho nhà đầu tư đầy đủ thông tin, thể hiện độ minh bạch trong kế hoạch sử dụng vốn, tránh tình trạng chiếm đoạt, ảnh hưởng lợi ích của các cổ đông nhỏ. 

Hiện tại, nhiều CTCK có hình thức huy động khác để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh từ chính tiền của khách hàng. Tuy nhiên, rủi ro sẽ đến khi thị trường rơi vào tình trạng giá xuống và CTCK không quản trị rủi ro chặt chẽ khiến không thể thu hồi lượng tiền cho vay margin. Điều này khiến CTCK có thể gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản đã vay cho khách hàng.

Ngoài ra, làn sóng tăng huy động vốn trên sàn còn có sự góp mặt của nhóm DN vốn hóa nhỏ (Small & Micro Cap), thậm chí là những DN có thị giá chưa tới 10.000 đồng/cổ phiếu. Phần lớn trong số này đều là những DN có hoạt động kinh doanh đang khá chật vật. Trong trường hợp này, công ty thu tiền mua cổ phiếu từ tay nhà đầu tư/cổ đông hiện hữu. Vấn đề cần phải quan tâm là đánh giá xem liệu công ty sử dụng vốn tăng lên như thế nào? Việc hàng trăm DN niêm yết lên kế hoạch phát hành thêm CP, tăng huy động vốn khiến áp lực pha loãng, tăng nguy cơ giảm lãi cơ bản trên cổ phiếu.

“Nếu vốn tăng thêm được sử dụng để mang lại mức sinh lợi cao hơn chi phí vốn thì giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng lên. Ngược lại, nếu công ty sử dụng vốn không hiệu quả hay mang lại mức sinh lợi thấp hơn chi phí vốn thì công ty đó không những không làm gia tăng giá trị cho cổ đông của mình mà còn làm suy giảm giá trị của cổ đông”- chuyên gia Cấn Văn Lực nhận xét.