Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng Covid-19 có hai mức hỗ trợ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ bổ sung đối tượng, điều chỉnh nâng mức hỗ trợ cho lao động tự do. Tuy nhiên, những người thực hiện băn khoăn về việc lao động tự do đã được quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP với mức hỗ trợ thấp nhất 1.500.000 đồng nhưng trong Nghị quyết 126/NQ-CP nâng lên thành 3.000.000 đồng.

Nghị quyết 126 mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách
Trong quá trình triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn. Vì thế, ngày 8/10/2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126 Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP.
Thông tin về những điểm mới nổi bật của Nghị quyết 126/NQ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Nghị quyết 126/NQ-CP giảm điều kiện đối với chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. NSDLĐ đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 1/2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 10% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1/2021 (Nghị quyết 68 là 15% và tháng 4/2021). Nghị quyết 126 bỏ điều kiện nợ xấu, tạo điều kiện cho NSDLĐ tiếp cận chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Băn khoăn đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng Covid-19 có hai mức hỗ trợ - Ảnh 1m Lao động tự do trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình được hỗ trợ lương thực thực phẩm thiết yếu để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc.
Nghị quyết 126/NQ-CP mở rộng đối tượng đối với nhóm chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc; chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động. Nghị quyết hỗ trợ NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động cho tất cả NSDLĐ trong các loại hình sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp.
Đồng thời, Nghị quyết 126 bổ sung đối tượng NLĐ phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; do NSDLĐ bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng chống dịch Covid-19 được hưởng chính sách hỗ trợ.
Nghị quyết 126/NQ-CP quy định người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh... được hỗ trợ 1 lần 3.000.000 đồng/hộ. Ảnh: Phạm Hùng. 
Nghị quyết 126/NQ-CP bổ sung đối tượng người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng phải điều trị Covid-19 (F0) hoặc cách ly y tế theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người.
Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 lần 3.000.000 đồng/hộ.
Cần căn cứ cụ thể để thực hiện
Theo các chuyên gia lao động, Nghị quyết 126/NQ-CP đã tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi nhất cho NLĐ và NSDLĐ.  Và, đặc biệt là bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách nhằm tránh bỏ sót NLĐ. Tuy nhiên, khi đọc kỹ khoản 10, Mục II của Nghị quyết số 126/NQ-CP, một số cán bộ ngành LĐTB&XH cấp cơ sở hết sức băn khoăn vì quy định lẫn giữa hộ kinh doanh và lao động tự do.
Ngoài ra, quy định trong khoản 10, Mục II của Nghị quyết 126 còn có mâu thuẫn với Nghị quyết 68/NQ-CP. Cụ thể, Nghị quyết 126 quy định: Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh... được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1 lần 3.000.000 đồng/hộ.
Trong khi, Nghị quyết 68/NQ-CP quy định tại Chính sách 12 đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, TP xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Các cán bộ thực thi chính sách ở cấp cơ sở mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP để chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống. Ảnh: Phạm Hùng.
Như vậy, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, đối tượng lao động tự do được hỗ trợ mức tối thiểu là 1.500.000 đồng/người/lần nhưng theo Nghị quyết 126/NQ-CP, người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh...  có mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ.
Về việc này, một trưởng phòng LĐTB&XH ở Hà Nội cho rằng chính sách đối với đối tượng lao động tự do ở Nghị quyết 126 hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ mâu thuẫn với Nghị quyết 68 hỗ trợ 1.500.000 đồng/người. Cùng đối tượng lao động tự do nhưng có người hưởng 1.500.000 đồng (Nghị quyết 68), có người hưởng 3.000.000 đồng (nghị quyết 126). Chẳng lẽ Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho đối tượng lao động tự do từ 1.500.000 đồng lên thành 3.000.000 đồng? 
“Trong Nghị quyết 126 quy định đối tượng lao động tự do được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ; nhưng trước đó, các quận, huyện ở Hà Nội đã phê duyệt hỗ trợ và chi trả kinh phí cho đối tượng lao động tự do 1.500.000 đồng/người. Tới đây, thực hiện Quyết định 126 của Chính phủ, UBND tỉnh có cho hồi tố hay không?” – một trưởng phòng LĐTB&XH khác đặt câu hỏi.
Một cán bộ LĐTB&XH đặt ra tình huống từ thực tế: Một hộ kinh doanh có 2 thành viên, trong đó một người đã làm hồ sơ và được phê duyệt hỗ trợ 1.500.000 đồng (theo Nghị quyết 68); người còn lại chuẩn bị làm hồ sơ để hưởng chính sách hộ kinh doanh theo Nghị quyết 126 để nhận mức 3.000.000 đồng có được không?
Điều mong muốn nhất của các cán bộ thực thi chính sách ở cấp cơ sở là Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP; Bộ LĐTB&XH có văn bản cụ thể, chi tiết, thống nhất trên toàn quốc để các địa phương lấy làm căn cứ thực hiện, để chính sách trong Nghị quyết 126 sớm đi vào cuộc sống.