Băn khoăn về đào tạo trực tuyến

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh nghỉ dài để phòng, chống dịch Covid-19, các trường học đã chủ động xoay xở bằng nhiều chương trình đào tạo khác nhau. Tuy vậy, vẫn có những lo lắng, trăn trở xung quanh công tác dạy học.

Nhiều giáo viên mong sớm được đón học sinh trở lại lớp do lo ảnh hưởng chất lượng chương trình chung. Ảnh: Bảo Trọng
Nên khai thác công nghệ nhưng cần được hợp thức
Từ khóa “học trực tuyến”, “học online” hay “học trên mạng” đã được nhắc đến nhiều hơn những ngày gần đây trong môi trường giáo dục. Cũng là điều dễ hiểu, khi mà công nghệ ngày càng được phát huy những ưu việt trong mọi lĩnh vực. Giờ, hình ảnh một thầy, cô giáo sử dụng máy quay ghi lại toàn bộ giáo án của một buổi giảng hoặc trực tuyến đối thoại với cả nhóm học sinh đã không còn hiếm gặp. Có chuyên gia bảo, nên chăng, đã đến lúc ngành giáo dục cần nhìn nhận về “đổi mới tư duy” về mọi mặt, từ công tác giảng dạy lẫn phương pháp quản lý, điều hành. Bởi lẽ, thiên tai, địch họa có thể gõ cửa bất cứ lúc nào, khi ấy, ngành giáo dục chủ động đổi mới cũng có nghĩa sẽ ứng phó linh hoạt với mọi tình huống có thể xảy ra.
Tuy nhiên, đổi mới như thế nào lại là băn khoăn của nhiều nhà quản lý giáo dục. Sáng 18/2, chia sẻ cùng phóng viên Kinh tế & Đô thị, thầy Đặng Văn Chiến - Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cho hay, việc các trường áp dụng hệ thống phần mềm thông qua mạng internet là rất hữu ích, bảo đảm liên thông giữa thầy và trò trong quá trình truyền tải bài giảng. Chỉ cần mở một group trên mạng xã hội, các giáo viên và học sinh có thể trao đổi hàng ngày về từng bài giảng, từng vấn đề học thuật. Nhưng, để triển khai đồng bộ, đại trà là điều vô cùng khó khăn.
Theo thầy Chiến, giả định ở nội đô, các gia đình, nhà trường có đủ điều kiện về công nghệ, với các thiết bị tân tiến thì việc triển khai các lớp học ảo, “lớp học thời 4.0” sẽ dễ dàng. Nhưng, ở ngoại thành, không phải nơi nào cũng có thể đáp ứng. Nhiều gia đình vẫn còn khó khăn, thậm chí không có mạng internet hoặc điện thoại thông minh để học sinh tham gia các lớp học ảo. “Khi mà chất lượng công nghệ không đồng đều, đồng nghĩa với việc chất lượng tiếp thu bài giảng và phổ cập tới đầy đủ 100% là không được đáp ứng. Vậy nên, nếu kéo dài kỳ nghỉ học sinh và áp dụng các lớp học ảo là khó, rất khó” - thầy Chiến nói thêm.
Đồng tình với nhận định trên, thầy Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội phân tích, một chính sách phải bảo đảm tính phổ quát, rộng rãi tới tuyệt đại đa số vùng, miền. Giả thiết các lớp học ảo được phổ biến, nó phải đáp ứng được các trường học ở các nơi xa xôi, như biên giới, hải đảo hay các khu vực miền núi, vùng cao cũng áp dụng được. Do vậy, trước khi áp dụng các trường, lớp học trực tuyến, các nhà quản lý cần rà soát về chất lượng công nghệ trên diện rộng, xem có đáp ứng được sự thay đổi về phương pháp đào tạo hay không.
Tiếp tục trao đổi về phương án điều chỉnh đào tạo, thầy Đặng Văn Chiến cho biết, áp dụng các lớp học ảo là cần thiết, nhưng trước khi được nhân rộng, cần cơ quan có thẩm quyền công nhận, hợp thức nó là một nội dung, một chính sách đào tạo. “Có thể sẽ kéo dài các lớp học ảo nhưng ai công nhận tính pháp lý của chương trình này, ai dám khẳng định chương trình trực tuyến được tính như học trên lớp?" - thầy Chiến đặt câu hỏi.
Bài toán nào cũng có lời giải
Theo thầy Trịnh Hùng Sơn, nhà trường vừa tiến hành khảo sát tới hai đối tượng là học sinh và giáo viên. Hiện tại, nhiều học sinh đã bày tỏ muốn đến trường. Còn ở góc độ giáo viên, không ít thầy cô đã bộc lộ mong muốn được mở lại lớp học do nhiều bài giảng không truyền đạt được đầy đủ tới học sinh. Dù chưa có một kết quả nghiên cứu cụ thể nhưng theo đánh giá của Hiệu trưởng trường THPT Lý Thái Tổ: “Lớp học ảo chỉ bảo đảm chất lượng từ 40 - 50% so với việc giảng dạy tại trường. Trong khi đó, các thầy cô phản ánh, các lớp học ảo thiếu tính tương tác, do đó, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của bài giảng đó”.
Bàn về câu chuyện kỳ nghỉ của học sinh kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và kết thúc năm học, thầy Sơn lạc quan: “Bài toán nào cũng có lời giải”. Thầy Sơn cho rằng, trong mọi quyết định của Bộ GD&ĐT, đã có những tính toán của các chuyên gia giáo dục, nhà quản lý kinh nghiệm. Ngoài các phương án như kéo dài thời điểm kết thúc năm học, học bù vào thời gian nghỉ Hè, các nhà trường hoàn toàn có thể tính tới việc tiết giảm dung lượng của một số môn học. “Chương trình giáo dục mới hướng tới sự phát triển năng lực của học sinh, qua đó phát huy tối đa khả năng của học sinh và giảm tải, giảm căng thẳng do quá nhiều môn học, cách học không cần thiết. Với các môn học tự chọn, đây có thể là hướng xử lý cho việc điều chỉnh chương trình học tổng thể” - thầy Sơn cho biết thêm.