Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán nhà cho người nước ngoài: Sửa cơ chế để chặn mua bán chui

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố thêm 10 dự án nhà ở trên địa bàn TP được phép bán cho người nước ngoài. Đây là tin vui với người có nhu cầu nhưng các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần phải nới rộng chính sách quy định bán nhà cho người nước ngoài để khuyến khích thị trường phát triển hơn.

 Cần nới rộng chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở thương mại tại Việt Nam. Ảnh: Chiến Công

Khó kiểm soát sở hữu nhà của người nước ngoài
Anh Jonh Nguyễn – quốc tịch Mỹ đang làm việc tại Công ty đa phương tiện VTC (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, anh đã trở về Việt Nam sinh sống và làm việc được 5 năm. Hiện nay, anh có nhu cầu mua nhà gần nơi làm việc và được giới thiệu mua lại căn hộ của một gia đình người Việt nhưng lại gặp khó khăn trong việc chuyển nhượng giấy tờ. “Hiện tài chính của tôi chỉ đủ để mua một căn hộ đã qua sử dụng nhưng khi làm thủ tục chuyển nhượng thì lại mắc về quy định không cho phép chuyển nhượng nhà từ người Việt Nam sang người nước ngoài” – Jonh Nguyễn chia sẻ.
Theo tôi, quy định về số lượng căn hộ bán cho người nước ngoài tại mỗi dự án thì nên giữ nguyên. Nhà nước tạo điều kiện cho người nước ngoài mua bằng cách hỗ trợ về pháp lý để tăng tính minh bạch, tránh bị thất thoát nguồn thuế từ các giao dịch mua bán của người nước ngoài.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành
Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Điều 76, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định nếu nhà ở thuộc sở hữu người Việt Nam (đã được cấp giấy chứng nhận), thì không thể bán cho người nước ngoài nhưng nếu tặng cho người nước ngoài thì lại hợp pháp. Như vậy, quy định khiến họ lách luật, thực hiện các giao dịch giả bằng việc cho – tặng. “Quy định này đã gây ra hiện tượng mua nhà trá hình tràn lan, người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên mua nhà, khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát được tình hình sở hữu nhà của người nước ngoài” – ông Thơm nhìn nhận.
Sửa đổi quy định về giao dịch
Theo Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính, ngoài những bất cập về quy định chuyển nhượng, quy định về số lượng bán căn hộ thương mại cho người nước ngoài cũng đang bị “gò bó”. Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định trường hợp trên một địa bàn có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều tòa nhà chung cư để bán, cho thuê mua thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30%. Trường hợp chỉ có một dự án, số lượng nhà ở riêng lẻ dưới 2.500 căn thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 10% tổng số lượng nhà ở trong dự án đó. “Tôi cho rằng, quy định này đang làm hạn chế rất nhiều đến thanh khoản sản phẩm của các DN và cũng gây khó khăn cho người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần xem xét nới rộng hơn quy định này” – ông Đính cho hay.
Số liệu từ Bộ Xây dựng, hiện nay có khoảng trên 400.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc thường xuyên tại Việt Nam và trên 4 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trong đó một số lượng lớn có nhu cầu mua, sở hữu nhà. Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, việc quy định số lượng căn hộ tại mỗi tòa nhà được phép bán cho người nước ngoài là phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam hiện nay, Nghị định số 139/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi không tuân thủ. “Bán nhà ở vượt quá số lượng cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép sở hữu theo quy định; bán nhà ở mà theo quy định thuộc khu vực không cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu; không gửi thông tin để đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng về nhà ở đã bán cho cá nhân, tổ chức nước ngoài, sẽ bị phạt tiền từ 200 – 300 triệu đồng” – vị này cho hay .
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Quốc Dương (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, ở thời điểm hiện tại Nhà nước nên tập trung vào việc mở rộng hình thức giao dịch. “Nhà nước nên xác lập hình thức giao dịch cho người Việt Nam được phép bán nhà cho người nước ngoài, căn cứ trên những quy định đã có, để có thể quản lý tốt hơn thay vì việc để xảy ra tình trạng mua bán “chui” như hiện nay” – ông Dương nhìn nhận.