Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Quang Dương chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính Ban Tổ chức T.Ư. Hội nghị được kết nối với 33 tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc T.Ư.
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.
Thời gian qua, công tác quán triệt, triển khai Quy định của Ban Chấp hành T.Ư, Hướng dẫn của Ban Bí thư về quy chế bầu cử và các văn bản có nội dung liên quan của T.Ư đã được các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, chú trọng và nghiêm túc tổ chức thực hiện, nhất là đối với điểm mới so với quy chế, hướng dẫn của nhiệm kỳ trước. Các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng, đồng tình, thống nhất cao với các nội dung của Quy chế bầu cử, quy định, hướng dẫn của T.Ư.
Việc cụ thể hóa Quy chế bầu cử được T.Ư, các cấp ủy, tổ chức Đảng chủ động, tích cực thực hiện, gắn với lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp và công tác cán bộ theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, các quy định, hướng dẫn của T.Ư. Một số nội dung trong Quy chế bầu cử chưa rõ đã được T.Ư hướng dẫn kịp thời, cụ thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Nội dung quy chế bầu cử cơ bản đồng bộ với các quy định, hướng dẫn của T.Ư, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, dễ thực hiện, là bước tiến mới trong thực hiện mở rộng dân chủ, đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong bầu cử, giải quyết được những vướng mắc trong công tác bầu cử ở những nhiệm kỳ trước. Qua đó, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên.
Tuy nhiên, thực tiễn sau 10 năm thực hiện Quy chế bầu cử đã gặp những vướng mắc, bất cập. Trên cơ sở đó, các địa phương đã đề xuất, kiến nghị và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều khoản phù hợp.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất bổ sung, sửa đổi quy chế bầu cử trong Đảng, trong đó thống nhất cao với nguyên tắc bổ sung, sửa đổi: Tuân thủ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tăng cường sự lãnh đạo, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, liên thông với các văn bản của Đảng; tính ổn định, kế thừa và phát triển; phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Mở rộng dân chủ phải đi đôi với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cấp ủy viên, đại biểu đại hội, đảng viên trong việc ứng cử, đề cử. Bảo đảm chặt chẽ quy trình, thủ tục về ứng cử, đề cử và sự công bằng trong việc đề cử, giới thiệu nhân sự để bầu cử.
Kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành; cập nhật những nội dung trong Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 3 ngày 20/3/2020 của Ban Bí thư; biên tập, bố cục lại một số nội dung, diễn đạt lại một số câu chữ bảo đảm chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện nhưng không làm thay đổi bản chất Quy chế bầu cử trong Đảng.
Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý vào một số điều, khoản cụ thể như nhiệm vụ của ban thẩm tra tư cách đại biểu của Đại hội, quy định về số dư và danh sách bầu cử; ứng cử và thủ tục ứng cử; đề cử và thủ tục đề cử…
Góp ý về dự thảo Đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cơ bản nhất trí với dự thảo. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, việc sửa đổi Quy chế nhằm có những điều chỉnh phù hợp với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay và phù hợp với những Quy định mới ban hành của T.Ư. Từ đó làm rõ hơn đối tượng, phạm vi, các quy định trong nguyên tắc bầu cử của Đảng hiện nay. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Quốc hội sửa đổi quy chế bầu cử cho phù hợp với thực tiễn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng góp ý 8 nội dung cụ thể về dự thảo Đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng, bao gồm: đối tượng phạm vi điều chỉnh; việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử; nhiệm vụ của đoàn Chủ tịch Đại hội; bổ sung nhiệm vụ cho ban thẩm tra tư cách đại biểu; hợp nhất mục ứng cử và hồ sơ của người ứng cử; đề cử và trách nhiệm của người đề cử trước Đảng về đề cử của mình; về phiếu bầu…
Ghi nhận, đánh giá cao những góp ý cụ thể, chi tiết của các địa phương, đơn vị, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Quang Dương trân trọng cảm ơn sự đóng góp ý kiến của các đại biểu dự họp. Đồng thời giao tổ biên tập tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và dự thảo Đề án bổ sung, sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng để trình Bộ Chính trị trước khi chính thức ban hành.