Bằng khen cho bà nội

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Hôm thằng Bi mang bằng khen đoạt giải Nhì (huy chương Bạc) học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh về, nó mang thẳng đến hai tay trao cho bà nội và nói tặng bà, khiến bà rưng rưng nước mắt. Chị thấy khuôn mặt của bà nội - mẹ chồng mình rạng ngời mà cũng cảm thấy vui lây.

Bà nội thằng Bi hiện đã gần 70 tuổi, nguyên là giáo viên tiểu học. Khi chị về làm dâu mới biết, từ trẻ bà đã ở một mình nuôi đứa con nhỏ là chồng chị bây giờ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chị chưa thấy ai chịu thương chịu khó như bà của thằng Bi. Buổi ngày bà đi dạy học, tối về soạn bài giảng, rồi chăn nuôi lợn gà, làm đủ thứ việc vặt khác để nuôi đứa con ăn học. Bà hầu như chỉ có vài bộ quần áo tươm tất để lên lớp, ăn uống tằn tiện, kham khổ nhưng lúc nào cũng cười tươi. Chị về nhà làm dâu, bà nói ngay với chị: “Mẹ coi con như con ruột. Có băn khoăn gì con cứ nói cho mẹ biết, đừng ngại nhé. Nhà mình còn khó khăn nên con cố gắng nhé”.

Nghe những lời của bà, chị cảm thấy nhẹ cả lòng. Trước khi lấy anh, chị cũng đã biết gia cảnh nhà anh, biết nhà anh nghèo, sống thanh bạch.
Chị và anh cũng làm giáo viên, được phân công dạy ở một huyện miền núi, xa nhà đến 50 cây số nên cuối tuần mới về nhà được. Chị sinh con đầu lòng sau khi cai sữa con thì gửi nó cho bà nội chăm, may mà lúc này bà đã về hưu.

Bà nói: “Hai vợ chồng cứ yên tâm đi làm. Ở nhà bà chăm cháu cho. Bà chăm cháu có hơi mệt nhưng mà vui”. Thế là, thằng Bi ở nhà với bà nội, lớn lên cùng bà cho đến khi vào học trung học phổ thông cơ sở thì hai vợ chồng xin được về dạy trường gần nhà. Thằng bé được bà dạy dỗ rất ngoan và chăm học. Nó đến giờ là tự ngồi ôn bài. Nó còn biết phụ việc vặt trong nhà nữa. Chồng chị là giáo viên dạy tiếng Anh nên hướng dẫn nó và sau này là em nó học tiếng Anh. Nó có vẻ có năng khiếu học môn này, con giúp bố mẹ khuyến khích em gái học…

Tuy chị và anh đã về nhà để chăm lo cho các con, nhưng hai đứa vẫn quấn quýt với bà nội, nhất là thằng Bi. Nó nói: “Bà nội có gì cũng dành cho các cháu. Bà mua cho các cháu nhiều thức ăn, sữa, trái cây, rồi sách truyện, đồ chơi… nữa”.

Chị hỏi bà: “Mẹ ơi! Tiền lương hưu của mẹ thì mẹ để dành còn tiêu này, tiêu nọ rồi đi chơi nữa chứ! Mẹ cứ dùng hết cho các cháu, con áy náy lắm”. Bà nhìn chị cười không nói gì cả.

Một hôm, chị rỗi rãi lục giá sách thì bắt gặp một album ảnh cũ. Chị lần giở thì thấy hình ảnh của mẹ chồng hồi còn là nữ sinh trung học, rồi trường sư phạm… Chị ngỡ ngàng thấy bà có vẻ đẹp rất đáng ngưỡng mộ trong tà áo trắng. Chị bồi hồi không hiểu sao bà lại ở vậy một mình nuôi con khi tuổi còn trẻ và còn rất đẹp.

Bất ngờ, bà đi đâu về, thấy chị đang xem những bức ảnh của mình. Bà nói: “Con lại đây mẹ kể chuyện cho mà nghe”.

Bà nói, thực ra bà cũng muốn cho con dâu biết về mình, rằng mình từng là hoa khôi được nhiều người theo đuổi. Bà cũng kể về người chồng cũ của bà, tại sao lại chia tay.

Bà nói: “Người đó sống quá lãng đãng. Có lần bà bắt gặp anh ta đi chơi với một cô gái khác. Anh ta không biện minh được tại sao lại chở cô gái đó trên chiếc xe đạp với vẻ tình tứ, từ đó tình cảm hai người rạn nứt dần”. Bà kể, lúc đó bà không mạnh mẽ như bây giờ nên dễ bị tổn thương, tính tự trọng quá cao nên không dễ tha thứ cho người ta…

Sau này bà mới biết, anh ta và cô gái đó cũng chỉ là bạn cũ thời phổ thông mà thôi. Bà ân hận về sự ngộ nhận của mình nên không đi bước nữa. Bà nói: “Trong mọi hoàn cảnh về chuyện tình cảm thì con nên cẩn thận mà xét đoán nhé”.

Chị ngồi lâu mới biết, mẹ chồng lấy chuyện của mình để giúp chị nhận thức về cuộc sống tốt hơn, kẻo lại đi vào “vết xe đổ” của bà, khi hờn ghen vô cớ.
Bà cho biết thêm, sau này vẫn có nhiều người theo đuổi bà nhưng bà không nỡ đi thêm bước nữa vì như vậy bà cảm thấy có lỗi thêm với người ấy.
Hai đứa con của chị ở với bà nội được bà chăm chút nên có vẻ cũng sống thiên về nội tâm như bà.

Như thằng Bi, nó mới hơn 13 tuổi đã biết hiếu kính với bà, mang bằng khen học sinh giỏi tặng bà - điều cũng làm chị bất ngờ. Chị thầm nghĩ: “Mẹ ơi! Mẹ là tấm gương cho các con, các cháu. Con thật hạnh phúc khi được làm con dâu của mẹ”.