Đó cũng là 3 nội dung tiêu điểm được đánh giá có liên hệ trực tiếp và quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian tới. VCCI Cần Thơ đã làm việc với các chuyên gia nông nghiệp, môi trường, các bên liên quan để thống nhất nội dung của báo cáo.
Về nội dung chuyển đổi mô hình nông nghiệp, có ý kiến cho rằng, thị trường nội địa đang bị bỏ ngỏ dù rất tiềm năng với gần 100 triệu dân. Các chuyên gia cũng thống nhất rằng hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics yếu kém hiện nay cũng là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của cả vùng nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng…
Theo VCCI Cần Thơ, bản quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên của cả nước, dự kiến sẽ được Thủ tướng phê duyệt sớm. Báo cáo 2021 sẽ tóm tắt, bình luận những nội dung cốt lõi và quan trọng nhất của quy hoạch, những tác động đến ngành lúa gạo, thủy sản, trái cây, du lịch, logistics, năng lượng… Từ đó giúp chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt những tác động của quy hoạch đối với hoạt động của mình.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng yếu kém là một nút thắt trọng yếu đối với sự phát triển của vùng ĐBSCL. Báo cáo sẽ đưa ra góc nhìn phản biện đối với các quy hoạch, kế hoạch hiện hành, từ đó đề xuất giải pháp ưu tiên về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (giao thông thủy so với giao thông bộ, đường trục trung tâm so với đường ven biển).
Còn mô hình chuyển đổi nông nghiệp cho ĐBSCL được chọn là chủ để trọng tâm. Báo cáo 2020 đã chỉ ra các mô hình phát triển cũ của ĐBSCL đã tới hạn, thậm chí lạc hậu, do vậy cần một mô hình phát triển mới.
Tuy nhiên, đây là chủ đề có quy mô rộng nên với nguồn lực, thời gian có hạn, báo cáo 2021 cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi, khả thi nhằm định hướng chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL. Những nút thắt chính cũng như tác động của quy hoạch đối với chuyển đổi nông nghiệp của ĐBSCL cũng sẽ được đề cập.
Ngoài ra, để báo cáo được bài bản, đầy đủ và đảm bảo tính khoa học, VCCI Cần Thơ triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm tìm hiểu hiện trạng cơ sở hạ tầng, logistics, cấu trúc nông nghiệp của vùng và năng lực cạnh tranh của cụm ngành chế biến có liên quan tại ĐBSCL.
Theo đó, tổ chức các chuyến khảo sát thực địa một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng và một số doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực logistics và nông nghiệp vùng ĐBSCL. Thông tin từ thực địa sẽ được thảo luận sâu tại các hội thảo chuyên đề về logistics, nông nghiệp và quy hoạch đề tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển ĐBSCL bền vững, toàn diện…