Vai trò báo Đảng địa phương trong tuyên truyền xây dựng nông thôn mới
Sáng 18/9, Hội thảo báo Đảng các tỉnh, TP phía Bắc lần thứ 28 đã diễn ra tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hội thảo do báo Vĩnh Phúc đăng cai tổ chức với chủ đề “Báo Đảng địa phương với nhiệm vụ tuyên truyền về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu”.
Đến dự Hội thảo, về phía Trung ương có đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí Trung ương.
Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Bùi Huy Vĩnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Tham dự hội thảo có lãnh đạo của 25 Báo Đảng các tỉnh, TP khu vực phía Bắc và một số tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Đây là dịp báo Đảng các tỉnh, TP trong trao đổi kinh nghiệm để có nhiều hoạt động tuyên truyền hiệu quả, góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao và làng văn hóa kiểu mẫu.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc Hoàng Thị Nhung khẳng định: Xây dựng nông thôn mới (NTM) là Chương trình MTQG quan trọng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH TW Đảng (khóa X) ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Sau hơn 12 năm, chương trình xây dựng NTM đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”. Khu vực nông thôn nước ta đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
“Đó là kết quả của sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; thể hiện sự đoàn kết, nhất trí, đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, có vai trò quan trọng, đặc biệt là sự đồng hành của các cơ quan báo chí nói chung, các cơ quan báo Đảng địa phương nói riêng.” - Tổng Biên tập Báo Vĩnh Phúc Hoàng Thị Nhung khẳng định.
Đưa chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về chương trình xây dựng NTM vào cuộc sống
Hội thảo đã làm rõ, trên hành trình xây dựng NTM, các cơ quan báo Đảng trên mọi miền Tổ quốc và khu vực phía Bắc đã thể hiện tốt vai trò xung kích đưa chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước, của địa phương về chương trình xây dựng NTM đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời, cổ vũ mạnh mẽ các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân chung sức, đồng lòng trong xây dựng NTM.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh cho biết: Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của mỗi địa phương. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo nên bước ngoặt lớn trong phát triển nông thôn, làng quê nông thôn đang thay da đổi thịt từng ngày, kiến tạo nên những làng quê đáng sống.
“Các cơ quan báo Đảng là những lực lượng đi đầu; chính nhờ có báo chí, truyền thông mà nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chương trình xây dựng NTM được thay đổi; từ chỗ trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã hiểu được chủ thể của mình trong xây dựng NTM; làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy tính tích cực chủ động, sáng tạo của cộng đồng dân cư, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng rộng lớn.” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh chia sẻ.
Ghi nhận những kết quả thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng tham dự hội thảo, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu những ý kiến chỉ đạo: Báo chí địa phương cần có sự đầu tư chiều sâu hơn, để có những sản phẩm chất lượng, gây được tiếng vang không chỉ dư luận trong nước mà còn ở khu vực.
“Các cơ quan báo chí nhất là báo Đảng địa phương, cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các điển hình tiên tiến, thì cũng mạnh dạn có những bài viết mang tính phản biện, lên án các sai phạm, tăng cường chức năng phát hiện dự báo để có những bài viết đúng đắn kịp thời định hướng dư luận. Đặc biệt, cần phải có những tác phẩm báo chí phản ảnh xứng tầm công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, ngay ở địa phương mình.” – ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh.
Các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, áp dụng các phương thức truyền thông mới, hiện đại, bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Xây dựng phương án truyền thông hiện đại về nông thôn mới để tiếp cận độc giả, tuyên truyền cần sinh động, có dẫn chứng số liệu thực tế.
Góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong xây dựng NTM, làng văn hóa kiểu mẫu
Hội thảo có sự đóng góp của 27 tham luận từ các cơ quan báo Đảng và các đơn vị, trong đó có 5 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các tham luận gửi đến hội thảo đã trình bày cụ thể những thành quả và những khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM và làng văn hóa kiểu mẫu đã đạt được.
Trong đó, Báo Kinh tế & Đô thị là cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội đã có tham luận gửi đến hội thảo với nội dung cho biết: Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ chính trị được TP giao về công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, hằng năm, báo Kinh tế & Đô thị xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về Chương trình số 02-CTr/TU, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, báo Kinh tế & Đô thị dành thời lượng lớn trên các ấn phẩm để đăng tải những nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Báo đã xây dựng chuyên trang, thực hiện thông tin, tuyên truyền về các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Ngoài chuyên trang hàng tuần về xây dựng NTM, báo duy trì 1 trang trong số báo ra hàng ngày để tuyên truyền các nội dung về nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Bên cạnh phản ánh những kết quả tích cực đạt được, những điển hình tiên tiến trong xây dựng NTM, sự tham gia của các sở, ban, ngành cũng như các tầng lớp nhân dân…, báo Kinh tế & Đô thị cũng thường xuyên có những nội dung phản ánh, nhìn nhận thẳng thắn những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, Chương trình số 04-CTr/TU tại các địa phương, làm cơ sở để Thành ủy - UBND TP Hà Nội nắm bắt, kịp thời chỉ đạo.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp và nhân dân được chú trọng, nhất là về mục đích, ý nghĩa, phương châm, các nội dung và cơ chế, chính sách của chương trình. Công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở được thực hiện gắn liền với việc bàn bạc công khai, dân chủ. Nhờ đó đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Điều này được thể hiện qua kết quả: Trong tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU từ năm 2021 đến nay khoảng 50.000 tỷ đồng, có hơn 2.800 tỷ đồng là nguồn vốn xã hội hoá, từ đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân…
Đến nay, sau gần 15 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện, 15/18 đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; TP phấn đấu trong năm 2023 sẽ đưa 3 huyện còn lại về đích.
Có thể khẳng định, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy - UBND TP Hà Nội, công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã được báo Kinh tế và Đô thị thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, hiệu ứng tích cực đến các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở. Đặc biệt, đã làm thay đổi nhận thức của các tầng lớp nhân dân; từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, chung sức, đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới.