Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đại diện VCCI, vai trò của truyền thông là rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của DN về nguy cơ phòng vệ thương mại ở nước ngoài và cách thức ứng phó, công cụ kiện phòng vệ thương mại trong nước và cách thức sử dụng; cảnh báo cho các bên liên quan về vụ việc và tác động có thể có DN, về ảnh hưởng, tác động đối với ngành, lĩnh vực liên quan và các hành động có thể thực hiện.

Phòng vệ thương mại để cạnh tranh bình đẳng

Chia sẻ tại hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) cho các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “PVTM là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu”.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị

Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 thế giới. Quy mô xuất, nhập khẩu tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất của Việt Nam đã cao hơn, hàng hóa đã thâm nhập được và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, cùng với đó hàng hóa nhập khẩu cũng vào Việt Nam nhiều hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng Việt. Để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế quan, phi thuế quan, các nhà đàm phán của các thành viên WTO trước đây hay các hiệp định FTA hiện nay đã thiết kế công cụ là PVTM.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các biện pháp PVTM có tác động nhiều mặt, lâu dài, không phải là những lợi ích trước mắt. Các biện pháp này có thể xuất hiện ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của báo chí và các DN. Trong đó, báo chí có vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN, là kênh thông tin hiệu quả để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nói chung và lĩnh vực PVTM nói riêng. Để cộng đồng DN hiểu đúng về PVTM thì vai trò của các cơ quan báo chí là rất quan trọng.

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro trong xuất khẩu hàng hóa

Báo cáo tổng quan về các hiệp định thương mại tự do (FTA) và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, đến nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết 15 FTA và đang đàm phán 2 FTA .

Trong số 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) là 3 FTA thế hệ mới với các cam kết toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại.

“So với thời điểm chưa có các FTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN đã tăng 9 lần, Trung Quốc tăng 15 lần, Hàn Quốc tăng 6 lần... Với EVFTA, trong 7 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 32,4 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường các nước CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm trước; trong 6 tháng kể từ khi FTA giữa Việt Nam - Vương quốc Anh có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,29 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2020” - ông Lương Hoàng Thái thông tin thêm.

 Quang cảnh hội nghị

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra các vấn đề cho FTA của Việt Nam. Hiện, Việt Nam chưa có FTA với Hoa Kỳ và có rủi ro lớn do xuất siêu tăng nhanh. Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới chi phí sản xuất và chi phí logistic, khó có thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường mới.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử và kinh tế số của Việt Nam chưa phát triển; các nước đang có xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng riêng sau đại dịch. Hàng rào thương mại, đặc biệt là các hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều và khó vượt qua.

Để hỗ trợ DN sử dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, đơn vị đã triển khai hoạt động thường xuyên như duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM.

Hỗ trợ DN bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời dựa trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ, hỗ trợ DN trong xử lý vụ việc; thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ đối với cơ quan điều tra nước ngoài trong các vụ việc PVTM.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đưa các nội dung đào tạo, tập huấn vào hoạt động của ngành công thương nhằm nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó hoặc sử dụng kịp thời, hiệu quả hơn với vụ kiện PVTM cho DN; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của cộng đồng DN.

Tuyên truyền sâu rộng, nâng nhận thức cho doanh nghiệp về phòng vệ thương mại

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, vai trò của truyền thông là rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của DN về nguy cơ PVTM ở nước ngoài và cách thức ứng phó, công cụ kiện PVTM trong nước và cách thức sử dụng; cảnh báo cho các bên liên quan về vụ việc và tác động có thể có DN, về ảnh hưởng, tác động đối với ngành, lĩnh vực liên quan và các hành động có thể thực hiện.

 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phan Xuân Thủy phát biểu tại hội nghị

Nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy vai trò của báo chí trong lĩnh vực PVTM, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Phan Xuân Thủy đề nghị, Bộ Công Thương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên có nhiều thông tin chính xác, đầy đủ để phản ánh kịp thời những chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực PVTM. Đồng thời, phối hợp xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tài liệu, văn bản, ấn phẩm, đề cương hướng dẫn thông tin, tuyên truyền... về PVTM cho các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, trên cơ sở tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, các cơ quan báo chí trên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến kiến thức liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng DN, người dân về PVTM, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cũng đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên luôn trau dồi, cập nhật kiến thức chuyên sâu về PVTM để theo dõi, nắm bắt, phát hiện những vấn đề mới đặt ra, kịp thời đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước về cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi, phù hợp tháo gỡ cho DN phát triển.