Báo chí góp tiếng nói cho người yếu thế: sứ mệnh nhân văn trong kỷ nguyên số
Kinhtedothi - Giữa dòng chảy hối hả của thông tin thời đại số, báo chí vẫn giữ một sứ mệnh cốt lõi - làm cầu nối giữa chính sách và đời sống, giữa người có tiếng nói và những người yếu thế. Góp tiếng nói bảo vệ người yếu thế không chỉ là một giá trị đạo đức, mà còn là thước đo bản lĩnh và trách nhiệm xã hội của nền báo chí hiện đại.

Loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" của Báo Thanh Niên đã vạch trần tội ác kinh hoàng của những người được gọi là bảo mẫu. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Lắng nghe người yếu thế và những bài báo thay đổi số phận
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ta nêu rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng thời, phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế.
Người yếu thế là nhóm người gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình trong xã hội. Họ có thể là người nghèo, người khuyết tật, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ lang thang, phụ nữ bị bạo hành, người lao động phi chính thức, hoặc đồng bào vùng sâu vùng xa… Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của họ bị lấn át hoặc có thể bị phớt lờ.
Một vai trò đặc biệt của báo chí là phát hiện và lên tiếng kịp thời về các vụ bạo hành trẻ em - một vấn đề nhức nhối nhưng thường bị che giấu trong đời sống gia đình và xã hội. Nhiều vụ việc đã được đưa ra ánh sáng nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo chí. Không thiếu những tác phẩm báo chí đã góp phần thay đổi số phận cho các nhân vật yếu thế.
Đơn cử như loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" ở Quận 12 tại TP Hồ Chí Minh của Báo Thanh Niên cuối năm 2024. Qua đó, đã vạch trần tội ác kinh hoàng của các bảo mẫu với các bé bị bỏ rơi được nhận nuôi tại Mái ấm Hoa Hồng. Sau loạt bài, hơn 80 bé đã được Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh và UBND Quận 12 đưa vào 3 cơ sở Bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, bảo đảm quyền lợi của trẻ em. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở chăm sóc trẻ em trên cả nước.
Bên cạnh phản ánh tiêu cực, báo chí còn đóng vai trò khơi gợi sự sẻ chia từ cộng đồng. Một ví dụ tiêu biểu là chuyên mục "Tấm lòng nhân ái" của báo Dân trí, nơi hàng nghìn hoàn cảnh éo le được giới thiệu. Đồng thời, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội, các cá nhân chung tay góp sức ủng hộ để hoạt động nhân ái này có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mang đến cho họ niềm tin và hy vọng vào cuộc sống… Thống kê cho thấy, thông qua chuyên mục "Tấm lòng nhân ái", các nhân vật, người yếu thế nhận được từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng từ bạn đọc để chữa bệnh, vượt qua khó khăn trong cuộc sống…
Hay chương trình "Tết nghĩa tình" được Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức thường niên hơn 10 năm nay nhằm mục đích sẻ chia, tương thân tương ái với những gia đình chính sách, hộ nghèo mỗi dịp Tết đến, Xuân về, qua đó cùng với chính quyền các cấp chăm lo cho người dân để mọi gia đình đều được vui Xuân đón Tết đủ đầy.
Tại Hà Nội, loạt hình ảnh về những người vô gia cư co ro trong đêm được nhiều báo ghi lại. Những bài báo với hình ảnh khắc họa chân thực cuộc sống của người lang thang, nhất là vào mùa đông lạnh giá ở Thủ đô không chỉ lay động người đọc mà còn khơi nguồn cho chiến dịch cộng đồng kêu gọi quyên góp chăn ấm, thực phẩm cho người vô gia cư…
Bằng sự dấn thân, tỉnh táo và nhân văn, báo chí có thể làm được điều mà không phải lĩnh vực nào cũng làm được. Đó là, giúp những người không thể tự lên tiếng được lắng nghe và được hành động.
PGS.TS. Lê Lan Chi - Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội từng chia sẻ, đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cần dựa trên nguyên tắc: Tiếp cận nhân vật dựa trên quyền con người, tôn trọng sự khác biệt, loại bỏ định kiến, kỳ thị, đa chiều và khách quan, đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức. Bên cạnh đó, nhà báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho nhóm người yếu thế tham gia tích cực hơn vào xã hội.

Vai trò của người làm báo ngày càng trở nên quan trọng và không thể thay thế. Ảnh: Duy Khánh.
Thách thức của nhà báo khi đứng về phía yếu thế trong thời đại số
Dấn thân đưa tiếng nói của người yếu thế đến công luận là một hành trình đầy rủi ro, đòi hỏi không chỉ chuyên môn mà còn lòng can đảm của người làm báo. Trên thực tế, không ít nhà báo khi tác nghiệp trong các vụ việc liên quan đến người nghèo, nạn nhân bị bạo hành, hay các nhóm dễ tổn thương đã gặp phải sự cản trở từ nhiều phía.
Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu sự hợp tác từ chính nhân vật hoặc gia đình họ, do tâm lý sợ bị kỳ thị, xấu hổ hoặc lo sợ trả thù. Nhiều người yếu thế không muốn lên báo, dù hoàn cảnh họ rất đáng được lắng nghe. Khi đó, nhà báo còn phải cân nhắc giữa quyền riêng tư và lợi ích công cộng, giữa việc tôn trọng nhân vật và việc tạo ra thay đổi xã hội.
Thêm vào đó, không ít trường hợp nhà báo bị đe dọa hoặc gây áp lực ngầm khi điều tra những vụ việc có liên quan đến vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm… Một số nhà báo theo mảng phóng sự điều tra cho biết, khi tiếp cận cơ sở, họ bị theo dõi, gây khó dễ, thậm chí bị cảnh báo bằng những lời lẽ rất rõ ràng; thậm chí đe dọa cả người thân và gia đình… Nhưng vì niềm đam mê với nghề và vì những người yếu thế mà họ sẵn sàng vượt qua.
Điển hình, sau loạt bài điều tra của báo Thanh Niên về Mái ấm hoa hồng, xuất hiện clip với những ngôn từ miệt thị, xúc phạm phóng viên liên quan đến loạt bài viết. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng Biên tập Báo Thanh Niên chia sẻ bản thân ông và Ban Biên tập Báo đã rất cân nhắc khi đăng loạt bài, nhưng vì trách nhiệm của nghề báo nên chọn thời điểm và dung lượng đăng tải phù hợp.
Thời đại ngày nay, sự phát triển của mạng xã hội và báo chí đa nền tảng đang mở ra cơ hội lớn cho việc lan tỏa câu chuyện của người yếu thế. Các video ngắn, podcast, ảnh phóng sự, hay thậm chí các chiến dịch hashtag đã giúp đưa câu chuyện của những người "bên lề" đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, chính sự lan truyền nhanh lại là con dao hai lưỡi. Nếu không được kiểm soát, câu chuyện về người yếu thế có thể bị bóp méo, giật gân hóa, làm tổn thương họ nhiều hơn là giúp đỡ. Hơn thế, có những trường hợp sau khi lên báo, nhân vật bị cộng đồng mạng soi mói, đánh giá đạo đức hoặc bị lợi dụng hình ảnh để phục vụ mục đích từ thiện không minh bạch…
Theo PGS.TS. Lê Lan Chi, truyền thông đang đóng góp vào việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người dễ bị tổn thương. Song, hãy cẩn thận có thể mắc lỗi "tổn thương kép". "Tổn thương đến từ truyền thông đó là mô tả họ rất đáng thương, khổ sở, càng khắc sâu sự yếu đuối của họ hoặc là đổ lỗi cho nạn nhân. Do đó, báo chí đưa tin cần tránh làm tổn thương thứ phát cho nạn nhân" - PGS.TS. Lê Lan Chi nhấn mạnh.
Một bài báo tốt chưa đủ, mà cần sự đồng hành về hậu kỳ, từ việc bảo vệ danh tính, theo dõi phản ứng dư luận, đến việc giữ liên hệ hỗ trợ nhân vật nếu cần thiết. Báo chí chính thống vì thế càng cần giữ vai trò "người gác cửa", dẫn dắt dư luận bằng sự chuẩn mực và chuyên nghiệp.
Góp tiếng nói cho người yếu thế không chỉ là một mảng nội dung trong báo chí, mà là bản chất của báo chí vì con người. Trong một xã hội ngày càng số hóa, nơi mà tiếng nói mạnh thường át đi tiếng nói yếu, vai trò của người làm báo càng trở nên quan trọng và không thể thay thế.

Báo chí thời đại số: trách nhiệm không chỉ là đưa tin
Kinhtedothi - Ngày nay, khi thông tin lan truyền với tốc độ chưa từng có và mạng xã hội trở thành một "kênh truyền thông" phổ biến, báo chí chính thống càng được kỳ vọng đóng vai trò dẫn dắt, phản biện và bảo vệ sự thật. Song, đi cùng với cơ hội cũng là thách thức lớn về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội - trung tâm báo chí lớn nhất cả nước.

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước
Kinhtedothi - Tại Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành phát triển địa phương và gắn kết vì cộng đồng bền vững” lần thứ III/2025 do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Báo Quảng Trị tổ chức chiều 7/5, các đại biểu khẳng định, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước.

Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ khai trương vào ngày 9/5
Kinhtedothi - Lễ khai trương Trung tâm Báo chí Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức được khai trương vào chiều 9/5, tại Cơ sở 2 của Trung tâm Truyền thông, Dữ liệu và Công nghệ số TP Hà Nội (số 17 Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội).