Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Báo chí - “Người bạn pháp lý” của doanh nghiệp trong thời đại rủi ro thông tin

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thông tin lan truyền với tốc độ chưa từng có, báo chí chính thống không chỉ là kênh đưa tin, mà đang dần trở thành một “người bạn pháp lý” của DN, góp phần bảo vệ hình ảnh, danh dự và quyền được sửa sai của DN. Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, đây là một vai trò thiết yếu, cần được nhận diện đúng và nâng đỡ bằng cả thể chế pháp luật lẫn đạo đức nghề nghiệp.

Trong khuôn khổ Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 27/5, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm đã trình bày tham luận “Báo chí - “Người bạn pháp lý” của DN trong thời đại rủi ro thông tin”.

Khi một bài báo có thể cứu hoặc “giết” một thương hiệu

Theo luật sư Trương Anh Tú, một dòng trạng thái chưa kiểm chứng, một bài đăng cảm tính, hay thậm chí chỉ là một tiêu đề giật gân cũng có thể làm sụp đổ hình ảnh một DN. Khi môi trường truyền thông trở nên mong manh như vậy, báo chí chính thống - với hệ thống kiểm chứng, trách nhiệm nghề nghiệp và chuẩn mực pháp lý - cần được nhìn nhận không chỉ là “người đưa tin”, mà là “người bảo vệ sự thật” và là “người bạn pháp lý” của DN.

Từ kinh nghiệm từng bảo vệ nhiều DN trong các vụ việc liên quan đến khủng hoảng truyền thông, luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Trong không ít vụ việc, báo chí là lực lượng đầu tiên lên tiếng trước cả luật sư. Họ không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh mà còn gián tiếp định hình cách nhìn nhận của xã hội về đúng – sai, công bằng – thành kiến, cơ hội sửa sai hay nguy cơ bị chôn vùi”.

Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm trình bày tham luận tại Diễn đàn “Báo chí đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Trong thực tiễn pháp lý, có những DN chưa bị kết luận vi phạm pháp luật, nhưng đã “chết lâm sàng” trên truyền thông. Một bài viết thiếu kiểm chứng có thể tạo ra sức ép khiến đối tác chấm dứt hợp đồng, ngân hàng dừng cấp tín dụng, thị trường quay lưng. Từ đó, DN mất khả năng tự vệ – thậm chí mất cơ hội chứng minh mình vô tội.

Luật sư Trương Anh Tú dẫn chứng: “Tôi từng bảo vệ một DN bị nêu tên trong một vụ việc sai phạm đất đai, dù họ chỉ là đơn vị thứ cấp, không tham gia hành vi vi phạm chính. Tuy nhiên, do truyền thông đưa tên không rõ ngữ cảnh, hậu quả là họ bị khách hàng hoài nghi, nhân viên xin nghỉ việc, các đối tác ngừng thanh toán. Mất mát lớn nhất không phải tiền bạc - mà là uy tín không thể lấy lại”.

Báo chí đồng hành với DN không có nghĩa là bỏ qua sai phạm. Trái lại, chính sự phản ánh công tâm, đúng lúc, đúng bản chất sẽ giúp DN nhận diện sai lầm, sửa đổi và lấy lại lòng tin. Vấn đề là: báo chí cần phản ánh “khi chưa có kết luận pháp lý cuối cùng” một cách trung lập, tôn trọng quyền cải chính và quyền được bảo vệ danh dự.

“Cần có một nguyên tắc vàng trong đưa tin liên quan đến DN: không gán nhãn tội lỗi khi chưa có phán quyết của tòa án. Nếu không, truyền thông sẽ thay thế tư pháp - và đó là điều nguy hiểm nhất cho môi trường kinh doanh lành mạnh” - luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Báo chí - Người gác cổng thông tin

Ngày nay, việc DN bị gài bẫy truyền thông, bị vu khống, thậm chí bị cạnh tranh không lành mạnh thông qua thông tin giả không còn là chuyện hiếm. Trong bối cảnh đó, báo chí chính thống là “người gác cổng thông tin” – the gatekeeper – giúp bảo vệ sự thật, bảo vệ những DN đang phát triển bằng thực lực và đạo đức.

Quang cảnh Diễn đàn: "Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", sáng 27/5.

Không chỉ đưa tin đúng, báo chí còn cần làm rõ: nguồn gốc thông tin, bối cảnh vụ việc, quan điểm các bên, phản hồi của cơ quan chức năng. Một tin tức đủ chiều là điều kiện để không gây ra “bản án xã hội” trước khi có phán xét pháp lý.

Tuy nhiên, để báo chí thực sự trở thành “người bạn pháp lý” của DN, thì không thể chỉ dựa vào tinh thần nghề nghiệp – mà phải có hành lang pháp lý đủ mạnh. Điều này bao gồm: Luật Báo chí (sửa đổi) cần có điều khoản bảo vệ quyền cải chính – quyền được phản hồi của DN bị nêu tên. Báo chí cần được bảo vệ khi phản ánh các vụ việc có yếu tố lợi ích nhóm, sai phạm kinh tế, gian lận thương mại. DN cần cơ chế pháp lý để yêu cầu xử lý các bài viết sai lệch, xuyên tạc, làm tổn hại danh dự nhưng chưa tới mức hình sự.

Để cả hai cùng mạnh

Trong kỷ nguyên mới, khi DN là động lực phát triển kinh tế – thì báo chí chính thống phải trở thành một phần của “hệ sinh thái bảo vệ sự tử tế”. Và ngược lại, DN cũng cần chủ động tiếp cận báo chí, minh bạch thông tin, coi truyền thông là kênh phòng ngừa rủi ro, không phải mối đe dọa.

Luật sư Trương Anh Tú kết luận: “Tôi luôn tin rằng, một DN làm ăn tử tế không nên sợ báo chí - mà nên tìm cách đi cùng báo chí. Và một nhà báo làm nghề bằng trí tuệ và nhân cách, không thể coi DN là con mồi - mà phải coi họ là một đối tượng bảo vệ, nếu họ còn cơ hội sửa sai”.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh, tạo cơ hội để công nhân đưa con đi khai giảng

Đề xuất thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh, tạo cơ hội để công nhân đưa con đi khai giảng

28 May, 06:08 PM

Kinhtedothi - Tại Hội nghị Đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh với công nhân, người lao động Thủ đô chiều 28/5, công nhân, người lao động đề xuất bổ sung tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ mùng 2/9 - 5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng.

Đoàn công tác Thành phố Hà Nội khảo sát di tích, làng nghề tại Ai Cập

Đoàn công tác Thành phố Hà Nội khảo sát di tích, làng nghề tại Ai Cập

28 May, 06:03 PM

Kinhtedothi-Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, đây là cơ hội quý báu để Hà Nội học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc gìn giữ di sản văn hóa và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch, đồng thời là bước đi cụ thể tăng cường hoạt động đối ngoại Nhân dân.

Bốn trận động đất liên tiếp trong ngày tại tỉnh Kon Tum

Bốn trận động đất liên tiếp trong ngày tại tỉnh Kon Tum

28 May, 04:05 PM

Kinhtedothi - Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Các khoa học Trái đất) thông tin, ngày 28/5, có 4 trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất này có độ lớn từ 2.6 - 3.7 và không gây thiệt hại về người và tài sản.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ