Báo chí qua những góc nhìn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới góc nhìn của các vị đại biểu (ĐB) Quốc hội và các doanh nhân, lãnh đạo DN, báo chí thực sự đã làm khá tốt vai trò và trách nhiệm của mình với xã hội.

Dưới góc nhìn của các vị đại biểu (ĐB) Quốc hội và các doanh nhân, lãnh đạo DN, báo chí thực sự đã làm khá tốt vai trò và trách nhiệm của mình với xã hội. Và những người làm báo đã trở thành “bạn đồng hành” của các ĐB Quốc hội, của DN, doanh nhân.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Những người “bạn đồng hành”

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 1Tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí với Quốc hội. Báo chí đã đem ý kiến của cử tri, cung cấp thông tin từ cuộc sống tới các vị ĐB Quốc hội. Cá nhân tôi cũng đã tiếp nhận được nhiều thông tin vô cùng hữu ích cho hoạt động của mình. Chẳng hạn, liên quan đến việc sửa Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, báo chí đã tiếp thu, phản ánh những ý kiến, nhận xét của người dân, các DN, giúp ĐB Quốc hội có thông tin đa chiều, từ đó có những quyết sách để điều chỉnh khung pháp luật.

Trong tiếp xúc giữa báo chí với Quốc hội, nhiều ĐB còn khá ngần ngại với phóng viên báo chí, có thể do ĐB chưa quen tiếp xúc với báo chí. Tôi cũng mong muốn báo chí làm sao truyền tải được những ý kiến của ĐB một cách trung thực, khách quan, tránh giật tít câu khách, không đúng sự thật. Khi đó, ĐB và báo chí sẽ có sự gắn kết với nhau như những người đồng hành tốt. Quốc hội đã mở ra cơ chế để ĐB có thể giám sát ở nơi khác ngoài nơi họ ứng cử. Những thông tin từ báo chí sẽ giúp cho ĐB có thêm thông tin để giám sát được tốt hơn. Báo chí đã giúp ĐB Quốc hội chọn được những vấn đề, nhóm vấn đề “nóng” để thảo luận, chất vấn trên nghị trường, được cử tri hoan nghênh.

Tôi mong muốn các nhà báo luôn có nhiệt tâm và dũng khí để phản ánh kịp thời những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, phản ánh tích cực những hoạt động của Quốc hội phục vụ lợi ích Nhân dân. Ngày 19/6, Câu lạc bộ Nhà báo đưa tin Quốc hội đã được ra mắt, hy vọng sự gắn kết giữa Quốc hội và báo chí sẽ ày càng chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son: Quy hoạch để báo chí phát triển tốt hơn

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 2Báo chí đã tích cực phát hiện, đấu tranh kiên quyết với tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội; giám sát, phản biện chính sách, phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí đã trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của Nhân dân. Tuy nhiên, báo chí vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như một bộ phận người làm báo trọng lợi nhuận, xem nhẹ chức năng báo chí, khai thác mặt trái xã hội với mức độ dày đặc, giật gân, câu khách, vi phạm thuần phong mỹ tục… Những hạn chế, khuyết điểm đó là một trong những nguyên nhân làm giảm tính định hướng chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục của báo chí cách mạng Việt Nam.

Định hướng của Bộ Chính trị về quy hoạch báo chí là không cần nhiều về số lượng mà làm sao để báo chí tinh về chất lượng hơn. Nhưng không nhất thiết có quy hoạch mới sắp xếp báo chí mà bình thường vẫn sắp xếp. Thậm chí có cơ quan báo chí vi phạm phải đình chỉ, có báo phải thu hồi ấn phẩm phụ, đó là việc bình thường. Tờ báo, ấn phẩm nào không phù hợp thì không phải cơ quan quản lý yêu cầu mà bản thân cơ quan chủ quản có quyền. Điều 12, Luật Báo chí hiện hành quy định chủ quản là người điều chỉnh quyết định cơ quan báo chí đó.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng: Báo chí không thể “né” vấn đề nhạy cảm

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 3Trong đời sống xã hội, những vấn đề “nhạy cảm” thường là những vấn đề không bình thường, nhiều người quan tâm, hoặc do quan niệm như vậy, nó phức tạp hơn, và thường là bức xúc – đó chính là những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi phải có câu trả lời. Nếu trả lời đúng thì xã hội tiến lên, lẩn tránh nó là lẩn tránh thực tế cuộc sống, lẩn tránh trách nhiệm phải trả lời, cũng là biểu hiện của thiếu năng lực, thiếu dũng khí. Mặt khác, giống như sau khi xác định những điểm trọng yếu và nóng bỏng của chiến trường thì lại rút quân ra khỏi khu vực đó, bàn giao cho đối phương; còn ta, do rời xa mặt trận nên năng lực chiến đấu ngày càng kém đi, cũng tức là chọn con đường rút lui, con đường thua. Đáng lẽ ra xác định vấn đề nhạy cảm là để xông vào, tập trung giải quyết, chứ không phải để tránh xa ra. Cuộc sống cần chúng ta là cần như vậy. Tất nhiên, việc xông vào ấy không phải chỉ có dũng khí, mà còn cần trí tuệ, các quan điểm đúng đắn và cả một “hậu phương” vững mạnh nữa.

Nhà báo Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Phải khẳng định bản lĩnh người làm báo

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 4Báo chí Việt Nam hôm nay đã vươn lên như một đấng nam nhi cao to vạm vỡ, vóc dáng chẳng kém mấy ai. Nhưng nhìn kỹ một chút, không cần tinh ý lắm vẫn có thể nhận ra đấng nam nhi này sớm có hội chứng béo phì. Nếu không có giải pháp xử lý quyết liệt, kịp thời thì cùng với thời gian, hội chứng trở thành trọng bệnh, khó có thuốc trị đặc hiệu, hậu quả sẽ khôn lường. Sắp xếp hệ thống báo chí cũng nên theo hướng nâng cao chất lượng là chính. Then chốt quyết định thành công và cũng là giải pháp song hành với sắp xếp là bồi dưỡng, phát huy bản lĩnh người làm báo, nâng cao năng lực thực chất, chủ động, tự tin chứ không phải a dua, học đòi mọi thứ được coi là thời thượng trên đời. Khẳng định chức năng cao quý của nghề báo, nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Sắp xếp tất bao gồm xử lý. Báo chí cần có tiền, phải làm ra tiền, nhưng kiếm tiền không phải là mục đích của báo chí cách mạng. Sắp xếp là tăng cường, lấy tăng cường nhân lực làm ưu tiên. Sắp xếp là dịp lãnh đạo, quản lý khẳng định bản lĩnh của mình.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Báo chí góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 5Trong những năm qua, mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan báo chí và DN ngày càng được đẩy mạnh. Trong 2 năm 2015 - 2016, báo chí và cộng đồng DN sẽ tích cực hơn nữa trong công tác giám sát các cơ quan của Chính phủ thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thông qua đó đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 09/NQ - BCT của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và hội nhập quốc tế” cũng như Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về “những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015 - 2016”. Đặc biệt, hợp tác giữa báo chí với DN thời gian qua rất chặt chẽ, thúc đẩy đổi mới thể chế kinh tế, nâng cao cạnh tranh quốc gia, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế. Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền hỗ trợ, phát triển cộng đồng DN, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giúp hai bên hiểu biết nhau hơn để cùng phát triển…

Tổng Giám đốc Công ty Trung Thành Phí Ngọc Chung: Mạnh dạn đề cập những trăn trở thật của doanh nghiệp

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 6Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc của DN khi được báo chí phản ánh tới cơ quan quản lý còn giới hạn. Hay nhiều khó khăn thật sự DN đang gặp phải chưa được báo chí lột tả hết. Do vậy, nên thống nhất quan điểm: Để chữa được “bệnh” cho DN, giúp DN thì rất mong báo chí cần mạnh dạn đề cập những khó khăn thật, những tiêu cực thật, những trăn trở thật của DN.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp: Đừng làm cho báo chí và doanh nghiệp phải nghi ngại lẫn nhau

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 7Nhà báo và DN phải chia sẻ cùng nhau để tìm tiếng nói chung vì sự phát triển. Đừng làm cho báo chí và DN phải nghi ngại lẫn nhau. Nói thật, dù báo chí là cầu nối giữa DN và xã hội nhưng bây giờ nhiều DN rất ngại tiếp xúc với báo chí, điều này là do cách tác nghiệp của một số phóng viên. Nếu các nhà báo giữ đúng đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng DN thì chúng ta dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội): Nhà báo góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 8Xét từ góc độ một ĐB Quốc hội, tôi thấy báo chí đã truyền tải được độ nóng từ nghị trường, từ cử tri, dư luận và báo chí đã làm được vai trò là cầu nối giữa Quốc hội, ĐB Quốc hội với người dân. Có người nói, báo chí có chức năng “phản biện” cuộc sống, điều đó không sai, bởi báo chí đã làm được rất nhiều việc từ việc phân tích cái đúng, cái sai, chỉ ra ách tắc để tháo gỡ. Những vụ án kinh tế lớn như Vinashines, Vinalines… được phanh phui trước công luận có công lớn của báo chí. Rồi vụ việc thời sự vừa qua như nông sản ách tắc, giáo dục, thi cử…, báo chí không chỉ mang thông tin cho bạn đọc, mà còn cung cấp cho ĐB nhiều tư liệu. Không phải ngẫu nhiên, trong hành trang của nhiều ĐB về dự họp Quốc hội là những bài báo nóng hổi, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân đặt lên bàn nghị sự.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,  Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến: Không thể thiếu thông tin từ báo chí

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 9Bản thân tôi rất quan tâm đến việc đấu tranh phòng chống tham nhũng và đã phát biểu trước Quốc hội nhiều lần về vấn đề này. Tôi có được rất nhiều thông tin từ chính báo chí. Hay có thể nói rằng, báo chí cũng là một kênh thông tin quan trọng để Nhà nước điều chỉnh chính sách của mình, các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc với các vụ án tham nhũng. Thực sự phòng chống tham nhũng mà thiếu thông tin do báo chí cung cấp thì không thể có hiệu quả.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn: Doanh nghiệp cần báo chí phản ánh chân thực hơn

Báo chí qua những góc nhìn - Ảnh 10Thời gian tới, chúng ta nên có sự thống nhất mạnh dạn đề cập đến những khó khăn, những khúc mắc đang cản trở DN.

Tôi cho rằng, ở tầm vĩ mô thì các chính sách của Nhà nước là rất đúng. Tuy nhiên, thực tế các DN chủ yếu làm việc với các sở, ban, ngành. Để chính quyền vì DN thì báo chí cùng với VCCI cần tổ chức phản biện lại các sở, ban, ngành một cách khách quan. Chẳng hạn, phản biện về Luật Đầu tư, Luật Xây dựng hay các vấn đề khác, báo chí cùng với VCCI tiến hành chấm điểm các cơ quan bên dưới như tỉnh, thành, sở, phòng, quận, huyện để có thể đánh giá chính xác các đơn vị này đã tạo điều kiện hay vẫn đang làm khó DN trong thực hiện các thủ tục hành chính, và công khai trên các phương tiện truyền thông. Từ đó có những kiến nghị, điều chỉnh để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho DN hoạt động.