Báo chí quốc tế thời Covid-19: Biến hóa để vượt thách thức

Nguyễn Phương - Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giống như nhiều lĩnh vực khác trong năm 2020, báo chí quốc tế cũng gặp phải những thách thức riêng do ảnh hưởng của đại dịch. Đa dạng hóa và biến hóa là cách mà nhiều tòa soạn trên thế giới đã và đang thực hiện. Trong năm 2021, cuộc chiến chống Covid-19 cũng cần viện đến “quyền lực mềm” này để phát huy hiệu quả.

 Bài học quý giá đối với các hãng truyền thông quốc tế trong năm 2020 là cần phải đa dạng hóa nguồn thu
Bùng nổ lượng độc giả trả tiền đọc báo điện tử

Dịch Covid-19 bùng phát đã buộc các cơ quan báo chí khắp thế giới phải thay đổi để vừa thu hút được bạn đọc vừa cân đối kinh phí hoạt động. Theo biên tập viên Jeremy Walters của trang WniP, bài học quý giá đối với các hãng truyền thông quốc tế trong năm 2020 là cần phải đa dạng hóa nguồn thu trong bối cảnh doanh thu quảng cáo ngày càng sụt giảm, nhiều sự kiện bị hủy và tác động khó lường của dịch Covid-19.

Trong khi doanh thu quảng cáo giảm mạnh, lưu lượng truy cập của các báo điện tử lại tăng khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Vào tháng 3/2020, khoảng 15% lưu lượng truy cập vào các trang tin điện tử có liên quan đến dịch Covid-19. Một số người dùng, độc giả số đã "bị thuyết phục", chuyển sang thành độc giả trả tiền. Tờ The Atlantic ghi nhận lượng truy cập tăng kỷ lục và có thêm 36.000 độc giả đăng ký trả tiền chỉ trong 4 tuần. Tại Vương quốc Anh, doanh thu đăng ký của các nhà xuất bản kỹ thuật số đã tăng gần 20% trong 3 tháng đầu năm 2020, theo một nghiên cứu của AOP và Deloitte.

The New York Times hiện có hơn 6 triệu thuê bao (cả bản in và kỹ thuật số), tăng gần 600.000 độc giả thuê bao kỹ thuật số trong quý I/2020. Vào tháng 3, The New York Times có 240 triệu khách truy cập và 2,5 tỷ lượt xem trang, tăng từ mức 101 triệu lượt xem trong tháng 1. Trong khi đó, hãng tin CNBC lần đầu tiên đạt 1 tỷ lượt xem trang vào tháng 3/2020, nhiều hơn gấp đôi lưu lượng truy cập trước đó một tháng.

Theo Báo cáo Subscription Impact Report mới nhất của Zuora, so với 12 tháng trước, số lượng độc giả đăng ký vào các gói thuê bao đọc báo trả tiền tăng 110% trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5/2020, mặc dù tốc độ đó đang chậm lại. Độc giả đọc báo điện tử đăng ký các gói thuê bao là phân khúc tăng trưởng nhanh thứ hai sau mảng OTT Video Streaming trong thời kỳ dịch bệnh.

Trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, nhiều cơ quan báo chí đã đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu. Đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng doanh thu quảng cáo giữa thời điểm dịch bệnh càng thúc đẩy yêu cầu thực hiện chiến lược này càng sớm càng tốt.

Với mức phí 9,99 USD/tháng trong năm đầu triển khai (2011) và 15,99 USD/tháng trong những năm tiếp theo, chỉ tính trong quý I/2020, The New York Times của Mỹ đã chứng kiến mức tăng kỷ lục với hơn 587.000 thuê bao mới. Đây là khoản bù đắp quan trọng đối với tờ báo này khi dịch Covid-19 bùng phát khiến doanh thu từ quảng cáo trực tuyến của báo sụt giảm tới 50 - 55%. The New York Times đang nỗ lực cân đối nguồn thu bằng việc phát triển các thuê bao trực tuyến và đặt mục đạt được 10 triệu thuê bao trả phí thường xuyên vào năm 2025.
 Ảnh minh họa
Bài toán giữ chân độc giả

Biên tập viên Sara Jerde của tờ AdWeek cho biết, các tòa soạn sẽ tự hỏi đâu là cách tốt nhất để giữ chân độc giả đã đăng ký trong đại dịch? Đó chính là việc phải chứng minh ấn phẩm của họ là vô giá, ngay cả sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Theo Curtis Huber - Giám đốc cấp cao của Hãng tin Seattle Times, các tòa soạn cần tập trung trước tiên đến độc giả, sau đó mới đến mục tiêu về doanh thu quảng cáo. Đối với các tòa soạn đã ghi nhận độc giả đăng ký đọc báo trả tiền tăng cao, cần tiếp tục duy trì và có thể triển khai các gói đăng ký linh động, bao gồm cả những nội dung không liên quan đến Covid-19, để thu hút thuê bao đến với thông tin mang lại lợi ích rộng hơn.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những đợt sóng lớn trong lĩnh vực truyền thông kể từ đầu năm 2020. Mặc dù những thách thức đã giảm bớt nhưng rõ ràng, con đường phía trước vẫn còn dài và nhiều chông gai. Trong báo cáo Media Moments 2020 đăng trên tờ WniP, chuyên gia Peter Houston nhận định: “Thách thức cho năm 2021 sẽ là tỷ lệ duy trì độc giả trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các trang mạng xã hội, việc học trực tuyến và không được ra khỏi nhà do biện pháp phong tỏa ngăn dịch Covid-19”.

Báo chí cần lấy lại niềm tin

Dù đóng vai trò tích cực của truyền thông trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát đại dịch, báo chí quốc tế cũng vấp phải nhiều chỉ trích vì làm dấy lên nỗi sợ hãi, thúc đẩy sự kỳ thị của xã hội đối với một số nhóm nhất định, cũng như chính trị hóa đại dịch. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, các phóng viên và chuyên gia trả lời phỏng vấn The Korea Herald đã chỉ ra 3 trường hợp mà việc đưa tin trên phương tiện truyền thông địa phương đã đe dọa đến sức khỏe cộng đồng cũng như nỗ lực chống virus của chính quyền, bao gồm các khái niệm “virus Vũ Hán”; “quán bar đồng tính” và việc đặt ra các nguy cơ đối với tiêm phòng vaccine.

Là một chuyên gia mà nhiều phóng viên tìm đến để phỏng vấn và bình luận trong thời kỳ đại dịch, GS Lee Hyuk Min (Đại học Yonsei – Hàn Quốc) cho rằng, phóng viên nên có các bài viết chuyên sâu để đưa ra những ý tưởng mang tính xây dựng, kích hoạt tranh luận công khai và giúp chính phủ cải thiện chính sách chống dịch. “Ví dụ, thay vì chỉ trích phản ứng của chính phủ, các phóng viên cũng có thể giúp phân tích tình hình và đưa ra các giải pháp thay thế. Chính phủ không thể một mình chiến đấu với đại dịch” - GS Lee Hyuk Min nói.

Còn nhà nghiên cứu cấp cao Lee So Eun tại Korea Press Foundation bày tỏ hy vọng, chính sự phụ thuộc ngày càng tăng của công chúng vào các phương tiện truyền thông trong bối cảnh đại dịch sẽ tạo cơ hội cho báo chí lấy lại niềm tin, nhất là khi các quốc gia trên thế giới triển khai chương trình tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Một khi theo đuổi đúng tôn chỉ mục đích cơ bản - cung cấp thông tin mà mọi người cần chắc chắn báo chí sẽ trở lại vai trò của mình là dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận.