Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Báo chí Thủ đô: Đổi mới để vươn tầm cao mới

Kinhtedothi - Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia diễn ra mạnh mẽ, báo chí Hà Nội đang từng bước đổi mới nội dung, hình thức và tư duy làm báo, khẳng định vai trò định hướng dư luận và đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân Thủ đô. Những chuyển động tích cực trong hoạt động báo chí - truyền thông tại Hà Nội không chỉ mang tính thích ứng mà còn thể hiện khát vọng vươn lên tầm cao mới.

Những người làm báo Thủ đô tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Trần Long.

Thay đổi tư duy làm báo

Một trong những dấu ấn đầu tiên trong quá trình đổi mới báo chí Hà Nội là sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy làm báo. Từ việc chỉ tập trung đưa tin thuần túy, nhiều cơ quan báo chí Thủ đô đã chú trọng hơn tới tính phản biện, phân tích chuyên sâu, đi kèm các giải pháp thiết thực, từ đó nâng cao vai trò định hướng dư luận.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam: Báo chí Hà Nội cần phát huy vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận thông tin, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô, đồng thời thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phản ánh đúng, trúng, kịp thời các vấn đề của xã hội.

Thực tế cho thấy, trong các đợt cao điểm tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tờ báo của Hà Nội như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo An ninh Thủ đô… đã thể hiện rõ vai trò là kênh thông tin tin cậy, cung cấp kiến thức khoa học, góp phần ổn định tâm lý xã hội.

Trong thời đại số, báo chí Hà Nội đã và đang tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí đã đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phát triển nền tảng đa phương tiện, đẩy mạnh sản xuất nội dung số hóa như podcast, video, infographics, emagazine… Ngoài ra, các báo cũng xây dựng kênh Facebook, YouTube… giúp độc giả dễ dàng tiếp cận và cập nhật tin tức một cách nhanh nhất.

Đơn cử như báo Kinh tế & Đô thị, đã tiên phong chủ động trong chuyển đổi số báo chí. Năm 2024, Báo được TP Hà Nội chọn là cơ quan báo chí để triển khai mô hình điểm chuyển đổi số trong việc quản lý, điều hành, ứng dụng các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR/AR), chatbot... "Đây là cơ sở để báo thực hiện chuyển đổi số toàn diện, triệt để; hình thành tòa soạn hội tụ thông suốt và tăng cường các sản phẩm báo chí công nghệ để tạo sức lan tỏa lớn, nâng cao thương hiệu" - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ.

Tại Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ 30, Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh: "Tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với báo chí Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng. Đặc biệt, trong dòng chảy của cuộc cách mạng số, chuyển đổi số không còn là xu thế mà là yêu cầu sống còn đối với mỗi cơ quan báo chí".

Tăng tốc chuyển đổi số, xây dựng đội ngũ nhà báo đa năng

Người làm báo Thủ đô buộc phải đổi mới tư duy, trau dồi kỹ năng đa phương tiện, thích nghi với môi trường truyền thông số. Ảnh: Duy Khánh.

Song song với chuyển đổi công nghệ, đội ngũ người làm báo ở Hà Nội cũng buộc phải đổi mới tư duy, trau dồi kỹ năng đa phương tiện, thích nghi với môi trường truyền thông số. Bởi, môi trường truyền thông hiện đại, mô hình tòa soạn hội tụ đang trở thành xu hướng tất yếu. Việc xây dựng tòa soạn hội tụ, tận dụng hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực là yếu tố then chốt để đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Một nhà báo chuyên nghiệp hiện nay cần trở thành "phóng viên đa năng", vừa có kỹ năng viết bài, vừa thành thạo sử dụng các thiết bị kỹ thuật như máy quay, máy ảnh, máy ghi âm. Đồng thời, nhà báo cần am hiểu nhiều loại hình báo chí từ báo in, báo điện tử, phát thanh - truyền hình đến báo chí đa nền tảng.

Để hỗ trợ quá trình này, TP Hà Nội, Hội Nhà báo Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí số, kỹ năng làm báo đa nền tảng, tập huấn về an toàn thông tin và đạo đức báo chí trong môi trường mạng. Không chỉ đổi mới về công nghệ hay cách tiếp cận độc giả, báo chí Hà Nội còn khẳng định vai trò là lực lượng đi đầu trong thực hiện trách nhiệm xã hội và nhiệm vụ chính trị.

Trong nhiều vụ việc "nóng", báo chí Thủ đô đã phát huy vai trò phát hiện, phản biện và tạo áp lực dư luận tích cực. Các tuyến bài điều tra về tình trạng ô nhiễm tại làng nghề, trật tự xây dựng, quy hoạch treo, bãi xe trái phép, hay vấn nạn lừa đảo trực tuyến được đăng tải liên tục trên Hànộimới, Kinh tế & Đô thị, Pháp luật & Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà nội... đã thúc đẩy chính quyền vào cuộc xử lý. Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, báo chí là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân. Những phản ánh kịp thời từ báo chí giúp Thành phố điều chỉnh các quy định sát thực tiễn hơn.

Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí Hà Nội còn phối hợp tổ chức các chương trình thiện nguyện, hỗ trợ người có công với cách mạng, người yếu thế, học sinh nghèo… thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.

Sự chuyên sâu trong phân tích, điều tra và phản biện xã hội cũng là hướng đi được chú trọng. Chẳng hạn, chuyên mục "Góc nhìn", "Tiêu điểm", "Chuyên đề chuyên sâu" của Báo Hànộimới hay "Tiêu điểm" của Báo Tuổi trẻ Thủ đô; "Đô thị", "Câu chuyện hôm nay" của Báo Kinh tế & Đô thị… đều là những chuyên trang, chuyên mục được bạn đọc đánh giá cao nhờ tính sâu sắc và gợi mở giải pháp.

Đặc biệt, yếu tố nhân văn - đặc trưng nổi bật của báo chí Hà Nội - tiếp tục được gìn giữ. Các tuyến bài về người tốt - việc tốt, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh luôn là "đặc sản" được duy trì đều đặn, góp phần xây dựng hình ảnh Thủ đô giàu truyền thống, hiện đại và nghĩa tình.

Ứng dụng công nghệ trong quản trị tòa soạn thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh. Ảnh: Phạm Hùng.

Để vươn lên tầm cao mới, báo chí Hà Nội đang đi theo hướng hội tụ truyền thông - một xu thế tất yếu của thời đại số. Mô hình tòa soạn hội tụ (newsroom convergence) được nhiều tờ báo triển khai thí điểm, trong đó mọi phòng ban đều liên kết chặt chẽ để sản xuất nội dung đa nền tảng, phục vụ độc giả ở nhiều kênh khác nhau.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi: "Ngày nay, tòa soạn không còn là một không gian vật lý cố định, mà trở thành nền tảng số linh hoạt, nơi mọi khâu trong quy trình làm báo, từ thu thập, xử lý, sản xuất đến phân phối nội dung đều được số hóa, tự động hóa và tối ưu hóa nhờ các công nghệ hiện đại như AI, Big Data, Cloud Computing, Blockchain. IoT".

Những năm gần đây, báo chí Thủ đô xác định tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền tảng số riêng, xây dựng cơ sở dữ liệu báo chí điện tử, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

TP Hà Nội cũng khuyến khích các cơ quan báo chí mạnh dạn thí điểm các công nghệ mới trong hoạt động nghiệp vụ, trong đó có trí tuệ nhân tạo AI. Song song với đó, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực báo chí chất lượng cao, trang bị thêm các kỹ năng số, kỹ năng sử dụng công nghệ cho đội ngũ nhà báo, biên tập viên được cho là cần thiết.

Ngoài ra, TP cho biết, sẵn sàng tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí gắn với bảo vệ bản quyền, an toàn thông tin và phát triển kinh tế báo chí trong môi trường số. TP Hà Nội cũng luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cơ quan báo chí thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, xây dựng hệ sinh thái báo chí số hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Báo chí Hà Nội, với bề dày truyền thống và vị thế là trung tâm báo chí lớn nhất cả nước, đang có nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá. Sự hỗ trợ từ chính quyền TP, cùng với quyết tâm đổi mới từ chính các tòa soạn, hứa hẹn tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ, đưa báo chí Thủ đô vươn tới những chuẩn mực mới - hiện đại hơn, gần dân hơn và có sức lan tỏa lớn hơn.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị tòa soạn thông minh

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn di tích, bảo vật

Xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn di tích, bảo vật

28 May, 08:28 AM

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về sự việc bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn tại Huế vừa bị phá hoại và vụ đào trộm cổ vật tại lăng vua Lê Túc Tông (Thanh Hóa) mới đây, GS.TS Đỗ Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng đã đến lúc cần rà soát, xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu vực các di tích.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ