Xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn di tích, bảo vật
Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về sự việc bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn tại Huế vừa bị phá hoại và vụ đào trộm cổ vật tại lăng vua Lê Túc Tông (Thanh Hóa) mới đây, GS.TS Đỗ Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng đã đến lúc cần rà soát, xây dựng phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu vực các di tích.
Qua một số vụ việc di tích, bảo vật bị xâm hại như tại Thanh Hóa, Huế, ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý, bảo vệ di tích hiện nay?
- Tôi thấy tất cả các khu di tích, chùa chiền, lăng tẩm ở các địa phương thì lâu nay vẫn có hệ thống bảo vệ và cũng đã bố trí người bảo vệ. Có nơi, di tích nhỏ thì do thủ từ trông coi, khu di tích đông khách thì có bảo vệ làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua vụ việc bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn ở Huế bị một đối tượng nhảy lên ngồi, phá hoại, bẻ gãy hay vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông ở Thanh Hóa bị đào trộm tìm cổ vật thì đã bộc lộ một số hạn chế trong công tác bảo vệ và quản lý di sản quốc gia.

GS.TS Đỗ Thanh Bình – nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cụ thể, ở một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ di tích vẫn còn thiếu chặt chẽ, làm nảy sinh tình trạng lộn xộn, phức tạp, ảnh hưởng đến di tích cũng như bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, nhất là vào thời gian diễn ra lễ hội thì điều đó biểu hiện nhiều hơn. Trong đó một số nơi có tình trạng đưa các hiện vật, đồ thờ, nội thất không phù hợp vào di tích. Một số nơi có tình trạng mất cắp di vật, cổ vật gây ảnh hưởng tới giá trị cũng như việc gìn giữ các yếu tố gốc, giá trị văn hóa lịch sử của di tích đó.
Có những di tích chưa bố trí nhân viên bảo vệ ở những khu vực nhạy cảm, dễ xảy ra xâm hại di vật. Những người nhân viên bảo vệ này vừa để hướng dẫn du khách nhưng thực chất là vừa để bảo vệ di tích đó.
Điểm thứ ba tôi thấy là có những khu vực di tích trưng bày bảo vật quốc gia chưa thiết lập hàng rào cứng để ngăn cách khách tham quan đến gần. Nên có những hàng rào ngăn cách đủ xa để khách tham quan không thể đến gần, không sờ mó, thậm chí không ngồi vào như trường hợp xảy ra đối với ngai vua triều Nguyễn ở Huế nhưng người ta vẫn có thể quan sát được.
Điểm thứ tư tôi thấy là những khu vực như lăng vua hay mộ một số quan lại quan trọng ngày xưa thiếu sự chú ý, biện pháp bảo vệ, nhất là những ngôi mộ đó lại không nằm trong khu lăng tẩm mà lại ở khu vực xa xa.
Theo ông cần phải có giải pháp gì để bảo vệ di tích, bảo vật quốc gia tốt hơn?
- Từ những hạn chế vừa chỉ ra, tôi nghĩ rằng cần phải đánh giá lại tình trạng kỹ thuật của các di tích, bảo vật quốc gia một cách kịp thời. Trên cơ sở đó, cơ quan văn hóa đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tất nhiên là tùy theo trường hợp, tùy theo từng nơi, theo từng khu di tích cụ thể mà có những đề xuất các biện pháp cho phù hợp.
Cùng với đó là tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia theo hướng dẫn tại Công văn số 1669 ngày 22/4/2024 của Bộ VHTT&DL.
Thứ ba là tăng cường lắp các camera giám sát. Hiện nay có nhiều di tích đã được lắp ráp camera; thế nhưng phải lắp camera ở những khu vực đặc biệt quan trọng, giám sát toàn bộ và bố trí phòng có người hàng ngày trực ở đó (giống như người trực camera giám sát giao thông), phát hiện chỗ nào bắt đầu có hiện tượng bất thường thì báo ngay cho bảo vệ chỗ đó can thiệp, xử lý kịp thời.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Thanh Bình kiểm tra thực tế công tác bảo quản các hiện vật cấp quốc gia và các di sản đặc biệt có giá trị tại điện Thái Hòa. Ảnh: hue.gov.vn
Tiếp đến là xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ rất rõ, ai làm gì, ai vòng trong, ai vòng ngoài, ai gần khu quan trọng? Bên cạnh đó, có bộ phận cơ động, thường xuyên đi kiểm tra các địa bàn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Song song với đó là xây dựng các phương án bảo đảm chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu vực di tích nói chung, đặc biệt đối với khu vực trưng bày cổ vật, hiện vật, chẳng hạn như khu vực trưng bày ngai vàng vua triều Nguyễn vừa rồi.
Tiếp đến là tập huấn cho những người bảo vệ và xử lý các tình huống an ninh có thể xảy ra; phát hiện, ngăn chặn từ sớm các hiện tượng nghi vấn (trong đó có một số người thiếu hiểu biết về Luật Di sản văn hóa hoặc tò mò, nhất là những trường hợp có biểu hiện tính khí thất thường).
Rồi lưu ý các biện pháp phòng cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và đặc biệt là xây dựng các hàng rào kỹ thuật; ví dụ hàng rào có thể bằng gỗ, có thể bằng thép vừa bảo vệ, vừa đủ cách xa nhưng khách tham quan vẫn có thể quan sát được. Những hàng rào đó mang tính mỹ quan, vừa phải đẹp và phù hợp với khu vực di sản đó. Ngoài ra, cũng cần có biển báo hướng dẫn khách du lịch tham quan nhằm tránh những tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến di vật. Đối với những bảo vật quý dễ bị ảnh hưởng do người tham quan thì cần bảo quản bằng nhiều lớp cửa, nhiều hàng rào, không cho người tham quan đến gần.
Hàng năm, chúng ta đều cần tiến hành kiểm kê, đánh giá tình hình, tình trạng toàn bộ hiện vật của các khu di tích để có biện pháp bảo vệ. Thậm chí, qua kiểm kê, đánh giá thì phát hiện những hỏng hóc do thời gian, sâu mọt, từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, nếu chỉ để riêng đơn vị quản lý di tích chịu trách nhiệm bảo vệ thì khó có thể mang lại hiệu quả tối đa, thưa ông?
- Đúng vậy! Để làm tốt công tác bảo vệ di tích, di sản văn hóa, theo tôi, cần sự phối hợp thường xuyên giữa cơ quan văn hóa với lực lượng công an, an ninh và Nhân dân cũng như chính quyền sở tại. Ở địa phương nào thì phối hợp với lực lượng công an ở địa phương đó, có đường dây nóng và cùng phối hợp cùng Nhân dân và chính quyền sở tại đó để bảo vệ. Có lẽ cũng nên phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi được phân công. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân, du khách cộng đồng trách nhiệm trong bảo vệ di tích, di sản văn hóa của quốc gia.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tăng cường quản lý di tích và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa
Kinhtedothi – UBND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và quy định của pháp luật khác có liên quan khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Thi công tu bổ di tích thực hiện dưới sự giám sát của cộng đồng dân cư
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định mức kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Bảo tồn tối đa hiện vật, đồ thờ khi tu bổ, tôn tạo chùa Xuân Lũng sau vụ cháy
Kinhtedothi – Bộ VHTT&DL đã cho ý kiến thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Xuân Lũng (chùa Phổ Quang), huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ sau sự cố bị cháy hồi tháng 10/2024.