Thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng
Năm 2024, Trung tâm Điều dưỡng Người có công số II Hà Nội được Sở LĐTB&XH Hà Nội giao thực hiện điều dưỡng 4.166 người có công và thân nhân liệt sĩ đến từ 6 quận, huyện: Quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Sóc Sơn trên địa bàn Hà Nội. Từ tháng 3/2024 đến nay, Trung tâm đã điều dưỡng được 9 đoàn với 1.358 người có công.
Chia sẻ về việc thực hiện an toàn thực phẩm (ATTP), Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công số II Hà Nội Nguyễn Văn Triệu cho biết: từ đầu tháng 4, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai Kế hoạch số 105/KH-UBND của UBDN TP Hà Nội về “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ về quản lý ATTP. Trung tâm phổ biến, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Là người trực tiếp phụ trách bộ phận nhà ăn nên hàng ngày chị Nguyễn Thị Thu Huệ - Trưởng phòng Quản lý và Nuôi dưỡng, Trung tâm Điều dưỡng Người có công số II Hà Nội đều theo dõi việc thực hiện nhập thực phẩm để chế biến trong ngày. “Thực phẩm mang đến Trung tâm phải đảm bảo tươi, sống và đủ số lượng, trọng lượng. Loại thực phẩm nào không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ trả lại luôn” – chị Thu Huệ cho hay.
Thực phẩm là thịt, cá, gà, vịt, rau, củ... nhập vào Trung tâm được nhân viên nhà bếp sơ chế, chế biến ở một khu vực riêng; sau đó chuyển sang khu vực bếp nấu ăn. Đối với sản phẩm dùng cho bữa ăn chiều sẽ được cất vào tủ cấp đông để bảo quản. Trung tâm thực hiện một quy trình khép kín và đều lưu các mẫu thức ăn theo từng bữa theo đúng quy định về ATTP.
Món ăn cân bằng dinh dưỡng, phù hợp độ tuổi
Không chỉ bảo đảm về ATTP, Trung tâm Điều dưỡng Người có công số II Hà Nội còn chú ý đến dinh dưỡng và thực đơn trong mỗi bữa ăn cho người có công. Điều này thể hiện ở việc: ngay khi đón tiếp đoàn người có công đến, Trung tâm bố trí đội ngũ y bác sĩ khám, lập bệnh án từng người và sàng lọc. Những trường hợp có bệnh lý hay có nhu cầu ăn kiêng, sẽ thực hiện chế độ ăn phù hợp. Hàng ngày, ngoài hai bữa ăn chính, Trung tâm chế biến bữa sáng là bún, phở,... và các loại đồ uống (cà phê, sữa đậu nành, nước trái cây) để người có công dùng theo sở thích.
Việc xây dựng thực đơn có sự tham gia tư vấn lĩnh vực y tế đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và ăn kiêng cho những người có bệnh lý: đái tháo đường, gout… Ban lãnh đạo, đặc biệt là Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội Nguyễn Văn Triệu thực hiện nghiêm việc kiểm duyệt chế biến và chất lượng các món ăn. Nếu nhận được góp ý của người có công về đồ ăn đều được Giám đốc tiếp nhận và xem xét điều chỉnh để mọi người ăn ngon hơn, ăn hết các món.
Lần đầu tiên đến Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, ông Lê Đình Hào là bệnh binh 2 đến từ xã Đức Giang, huyện Hoài Đức rất phấn khởi với cảnh quan và sự phục vụ ở đây. Ông chia sẻ: “Tôi là Trưởng đoàn người có công huyện Hoài Đức, hàng ngày vào lúc 7h45, tôi hoặc ông Phó Trưởng đoàn cùng bộ phận nhà bếp, y tế kiểm tra thực phẩm được công ty mang đến. Tôi thấy thực phẩm tươi sống, khu nhà ăn sạch sẽ. Những món ăn được chế biến rất ngon, hợp khẩu vị; bữa sáng có đồ uống tự chọn, chúng tôi rất thích”.
Với việc thực hiện nghiêm quy định về ATTP cũng như cẩn thận trong việc xây dựng các món ăn, nên nhiều năm nay, Trung tâm Điều dưỡng Người có công số II Hà Nội không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Người có công và thân nhân liệt sĩ đến điều dưỡng đều hài lòng với chất lượng các bữa ăn, cân bằng dinh dưỡng và trình bày đẹp. Ngoài ra cảnh quan ở Trung tâm xanh – sạch – đẹp và có nhiều hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ nên sức khỏe người có công đều được cải thiện, mọi người phấn khởi hơn sau mỗi đợt đi điều dưỡng.