Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm chất lượng nguồn cung nông sản cho Hà Nội

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với khoảng 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội là rất lớn. Việc đáp ứng đủ nguồn cung nông sản an toàn, chất lượng là bài toán đặt ra đối với ngành nông nghiệp Thủ đô.

Cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu

Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng hoá thiết yếu của Hà Nội là: gạo 96.700 tấn, thịt lợn 19.300 tấn, thịt bò 5.350 tấn, thịt gà 6.400 tấn, thủy sản 19.250 tấn, trứng gia cầm 129 triệu quả.

Bên cạnh đó, người dân Hà Nội cũng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 5.350 tấn thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản, 107.500 tấn rau củ và 56.000 tấn trái cây.

Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu về nông sản, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân.
Hà Nội cơ bản đáp ứng nhu cầu về nông sản, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân.

Với diện tích đất nông nghiệp trên 189.000ha, các sản phẩm hàng hóa thiết yếu Hà Nội tự sản xuất được hiện nay đáp ứng từ 20 - 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, để bổ sung lượng hàng hóa còn thiếu, Hà Nội và Bộ NN&PTNT đã ký kết Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND về Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giao thương giữa TP Hà Nội và các tỉnh, TP giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Hà Nội hợp tác với 43 tỉnh, TP trên cả nước để xây dựng, duy trì và phát triển 946 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.

Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thịt bò từ Tuyên Quang, Sơn La, Lào Cai…; rau củ quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…; thực phẩm chế biến từ Hà Nam, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Chú trọng an toàn thực phẩm

Do thị trường Hà Nội có đa dạng các nguồn cung cấp hàng hóa thực phẩm nông lâm sản và thủy sản nên đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng, được ngành nông nghiệp quan tâm. 

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 478 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Qua giám sát, đã phát hiện 12 cơ sở vi phạm, ban hành 12 quyết định xử phạt với tổng số tiền 181,5 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Từ đầu năm 2023 đến nay, riêng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội đã lấy hơn 1.000 mẫu để kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong đó, 95,3% tổng số mẫu đạt yêu cầu về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng.

Dù các mẫu nông sản, thực phẩm vi phạm chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đã được tổ chức truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, xử lý theo đúng quy định, tuy nhiên, Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá đây vẫn là một hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo Chi cục chuyên ngành triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm, phòng chống dịch bệnh động vật, để đảm bảo sản xuất, chủ động cao nhất nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân Thủ đô.

Sở NN&PTNT cũng sẽ duy trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm.