Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo đảm tiêu úng cho lúa và hoa màu

Thiện Quang - Lâm Nguyễn - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Hà Nội vẫn có mưa, tuy nhiên, lượng mưa sẽ lớn hơn trong hôm nay (19/8) và ngày mai (20/8). Tổng lượng mưa cả đợt từ 150 – 250mm, có nơi trên 250mm.

Với lượng mưa lớn, khả năng gây ngập úng vùng trũng là rất cao. Do đó, công tác sẵn sàng tiêu úng đã được địa phương đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 đã được địa phương triển khai trong 2 – 3 ngày qua. Huyện đã có công điện gửi các xã, thị trấn tích cực triển khai phương án ứng phó với mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các xí nghiệp thủy lợi tổ chức tiêu kiệt nước đệm, nhất là diện tích trồng hoa, rau màu thường xuyên bị ngập thuộc các xã Tiền Phong, Văn Khê, Đại Thịnh...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hiện, khu vực công trường 2 dự án đang xây dựng dang dở là tuyến đường 100 và tạo vét đầm Và cũng đã được đơn vị thi công khơi thông, mở rộng cống thoát nước phòng ngập úng khi có mưa lớn. Ông Nguyễn Lương Hiền – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích cho biết, đơn vị phụ trách tiêu úng cho khoảng 90.000ha thuộc 5 huyện, trong đó Quốc Oai là địa phương nhạy cảm nhất với ngập úng. Trong ngày hôm qua (18/8), lãnh đạo đơn vị đã đi kiểm tra, đánh giá năng lực vận hành hệ thống các trạm bơm. Đồng thời, bố trí lực lượng trực ban 24/24 giờ sẵn sàng triển khai biện pháp tiêu úng khi có mưa lớn…    

Để chủ động phòng chống có hiệu quả với diễn biến bất lợi của mưa bão lũ, ngày 18/8, UBND TP Hà Nội đã có Công điện số 06 yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành phối hợp với 5 DN thủy lợi chủ động tiêu kiệt nước cho diện tích sản xuất nông nghiệp, tăng cường kiểm tra an toàn hồ đập, hệ thống tiêu thoát nước. Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, có biện pháp bảo đảm an toàn các công trình nhà cao tầng, chung cư cũ. Sở GTVT bố trí lực lượng tổ chức, phân luồng giao thông, nhất là tại những khu vực dễ bị ngập úng, ách tắc khi có mưa lớn. Sở GD&ĐT chỉ đạo kiểm tra cơ sở vật chất trường lớp, bảo đảm an toàn cho học sinh. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị. Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội tổ chức lực lượng rà soát số cây được trồng lại sau bão số 1 và sẵn sàng vật tư, phương tiện để giải tỏa cây đổ trên địa bàn TP khi có mưa dông. Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội kiểm tra hệ thống các cột và đường dây đã được khôi phục sau bão số 1, bảo đảm an toàn lưới điện và khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cho các trạm bơm. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện để ứng cứu, giải quyết sự cố có thể xảy ra.  

Tại các huyện Thạch Thất, Ứng Hòa đang tích cực, gấp rút chuẩn bị các phương án ứng phó với cơn bão số 3. Ông Nguyễn Kim Loan - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện đã thành lập 2 đại đội xung kích tập trung gồm 300 người, huy động 500 thanh niên tình nguyện, hiệp đồng đơn vị quân đội 758 người; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện ở các điếm canh đê để sẵn sàng ứng phó với sự cố đê điều. Bên cạnh đó, huyện đã giao các xã ven đê tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố đê điều hư hỏng.

Tại huyện Ứng Hoa , theo ông Nguyễn Chí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện, đặc thù của huyện là vùng trũng rất dễ bị ngập nếu xảy ra mưa lớn. Do đó, cùng với thực hiện phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã được TP phê duyệt, huyện đã hoàn thành việc tiêu toàn bộ lượng nước đệm tại các kênh T3. Đồng thời, huy động nhân lực sẵn sàng vận hành 3 trạm bơm tiêu úng trên địa bàn là: Vân Đình, Ngoại Độ 1 và Ngoại Độ 2. Đối với các điểm đê xung yếu tại Vân Nội và Hòa Lâm, huyện đã nâng cấp, gia cố đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai yêu cầu các xã, thị trấn sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, thủy lợi. Xí nghiệp thủy lợi Quốc Oai phân công cán bộ phụ trách các cống, các trạm bơm thường trực 24/24 giờ để điều tiết nước đảm bảo tiêu thoát, chủ động vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu. Đồng thời kiểm tra thiết bị, máy móc, chủ động tiêu nước đệm và triển khai phương án tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống úng ngập cho diện tích lúa mùa, cây màu vụ Hè Thu. Huyện cũng đề nghị  Công ty Điện lực Quốc Oai cung cấp đủ nguồn điện ổn định cho các trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất phục vụ tiêu úng và đảm bảo an toàn về điện, kịp thời khắc phục sự cố. Ông Nguyễn Quang Thắm – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT huyện Quốc Oai cho biết, nếu mưa lớn khoảng 200mm xảy ra, toàn huyện có 1.100ha vùng trũng dễ bị ngập úng tại các xã Đồng Quang, Cộng Hòa, Cấn Hữu, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ. Với 6 trạm bơm tiêu hoạt động hết công suất, trong vòng 3 ngày sẽ hoàn thành tiêu úng cho những diện tích này.

Tại huyện Phúc Thọ, ông Hoàng Mạnh Phú – Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã có công điện yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các đơn vị thủy lợi tăng cường kiểm tra hệ thống đê kè, hồ đập, công trình thủy lợi để kịp thời xử lý những hư hỏng. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức khơi thông các trục tiêu đảm bảo không để xảy ra ngập úng, thực hiện triệt để các biện pháp thoát úng cho lúa và hoa màu. Trước đó, trong cơn bão số 1, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có hơn 60ha lúa bị ngập sâu cục bộ tại các xã Hát Môn, Ngọc Tảo, Hiệp Thuận. Hiện nay, các xã, thị trấn đã chủ động tiêu kiệt nước đệm trong các hệ thống, đảm bảo phòng chống úng cho cây trồng.