Báo động đỏ về an toàn bệnh viện

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này, đã có 9 bệnh viện (BV) và 1 trung tâm y tế (TTYT) bị phong tỏa, cách ly y tế vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19. Đáng lo ngại nhất là ổ dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và BV K cơ sở Tân Triều. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam đang đặt trong tình trạng báo động rất cao về tình hình dịch bệnh.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội thăm, động viên các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 8/5. Ảnh: Doãn Thành
Ổ dịch tại 2 bệnh viện đã lan ra nhiều tỉnh, thành phố

Trưa 30/4, sau 73 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, Hà Nội phát hiện 3 người dương tính với SARS-CoV-2. Đến trưa 9/5, Hà Nội ghi nhận 35 ca mắc trong cộng đồng, chưa kể chùm ca bệnh tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và BV K. Trong vòng 10 ngày (29/4 - 9/5), Hà Nội đối mặt cùng lúc nhiều chùm ca bệnh Covid-19 ở nhiều địa bàn, quận, huyện.

Đáng lo hơn, chùm ca mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nhiễm chủng virus được phát hiện tại Anh (B.1.1.7) và Ấn Độ (B.1.617). Theo các nhà dịch tễ, virus biến thể này có tốc độ lây lan rất nhanh, dễ bùng phát trong cộng đồng. Ổ dịch Covid-19 phức tạp khác vừa được phát hiện trong BV K cũng đã xác định nguồn lây từ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hàng nghìn người được cho là F1, F2 tại 2 cơ sở y tế đầu ngành này đã di chuyển đến khắp các địa phương trên cả nước.

Tại Bắc Ninh, hàng chục ca nhiễm trên địa bàn huyện Thuận Thành chỉ trong vòng một ngày do lây từ ổ dịch BV K. Nhiều trường hợp ở Hà Nội lại tiếp tục bị lây nhiễm liên quan đến địa bàn Thuận Thành, đặc biệt là chùm ca nhiễm của 4 học sinh ở Gia Lâm mới được phát hiện sáng 9/5.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, đợt dịch lần này phức tạp hơn các đợt dịch trước, có đa ổ dịch, đa nguồn lây, đa chủng nên tốc độ lây nhiễm tăng cao hơn so với các đợt dịch trước. Cả 2 chủng này đều được phát hiện tại BV, nên dự báo dịch tiếp tục lây lan, diễn biến khó lường. Mặc dù các địa phương đang nỗ lực rà soát các trường hợp liên quan nhưng với số lượng người đến từ các BV quá lớn, số ca mắc dự báo tiếp tục tăng.

Trước tình trạng khẩn cấp hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, trong thời gian tới, việc đánh giá tình hình dịch, kiểm soát sẽ khó khăn hơn trước, có thể xuất hiện thêm nhiều ổ dịch khác. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thần tốc truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh được ổ dịch, không để lan ra cộng đồng.

Cái giá của sự chủ quan

Chúng ta đã có bài học lây nhiễm chéo trong BV tại BV Bạch Mai, BV Đa khoa Đà Nẵng trước đây và bây giờ là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV K. Cho đến chiều 9/5, trên cả nước đã có 9 BV phải phong tỏa, cách ly y tế, ngừng tiếp nhận bệnh nhân vì liên quan đến bệnh nhân Covid-19 bao gồm: BV Đa khoa khu vực Phúc Yên; BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; BV Phong và Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An); BV Phổi Lạng Sơn; BV Đa khoa tỉnh Thái Bình; BV Quân y 105 (Sơn Tây, Hà Nội); BV K Trung ương (cả 3 cơ sở); BV Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng); BV Đa khoa Medlatec (cơ sở Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội) và TTYT huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế).

Rõ ràng, dịch Covid-19 có thể xâm nhập vào bất kỳ BV, cơ sở y tế nào và bất cứ nơi đâu nếu không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế. BV được coi là "thành trì", là nơi thăm khám, điều trị, cứu sống cho bệnh nhân, đáng ra phải được đảm bảo an toàn tối đa. Nhưng chỉ vì sự lơ là, chủ quan của nhiều người, dịch đã len lỏi vào nhiều BV, nguồn lây nhiễm có thể từ các bệnh nhân điều trị Covid-19 trong BV, có thể từ cộng đồng lây vào.

Sau một thời gian khá dài Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, nhiều nơi đã nới lỏng kiểm soát, người nhà vào BV cũng thiếu ý thức tuân thủ qui định 5K. Việc thăm hỏi người nhà ở nhiều BV đã diễn ra bình thường… Đây đều có thể là nguồn lây virus từ bên ngoài vào cơ sở y tế.
 Ảnh: Phạm Hùng
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương, ở đợt dịch này, virus có tốc độ lây lan rất nhanh và có sự lây nhiễm chéo giữa các BV thông qua việc chuyển bệnh nhân từ BV này sang BV khác. Điều này hết sức nguy hiểm. “Đây là điều chúng tôi lo lắng nhất. Trong đại dịch, BV và nhân viên y tế là thành trì cuối cùng nên cần phải được bảo vệ. Trong bối cảnh này, chúng ta cần lo lắng dịch có thể xuất hiện ở các BV tuyến trung ương. Vì vậy, ngay lúc này, các BV cần tăng cường rà soát, đánh giá nguy cơ xuất hiện dịch”.

Theo nhiều chuyên gia y tế, nếu dịch bệnh bùng phát tại BV thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp nhiều lần. Những diễn biến liên tiếp trong những ngày qua cho thấy đã có hàng chục bệnh nhân ở 15 tỉnh, thành liên quan đến 2 BV lớn tại Hà Nội. “Trước đây, chúng ta thường cảnh báo là cơ sở y tế có nguy cơ bị dịch xâm nhập cao. Còn hiện tại, cả trong BV và ngoài cộng đồng, những nguy cơ này đều rất lớn và phức tạp hơn nhiều” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nói.

Phải bảo vệ “thành trì cuối cùng”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, nguy cơ dịch xâm nhập vào các BV rất cao, đặc biệt là BV tuyến cuối vì nơi đây là tổng hợp bệnh nhân từ các địa phương chuyển lên.

Bộ Y tế đã có các công điện khuyến cáo mạnh mẽ hạn chế người đến khám đến BV tuyến T.Ư mà nên khám và điều trị ở tuyến cơ sở, cùng với đó, hạn chế tối đa việc thăm bệnh nhân. Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tập trung bảo vệ các khu vực trọng yếu như các phòng khám, phòng cấp cứu, chạy thận nhân tạo… Đây là những khu vực khi dịch xâm nhập vào thì việc điều trị vô cùng khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề xuất: "Nếu cơ sở y tế của địa phương không đáp ứng an toàn Covid-19, không tuân thủ phòng chống dịch thì các địa phương lập tức cho dừng ngay hoạt động. Chúng ta phải liên tục trong trạng thái cảnh giác cao độ, phải làm hết sức, hết mình" – Bộ trưởng chia sẻ.

Về việc chuẩn bị cho các kịch bản, Bộ Y tế yêu cầu các BV tập trung vào 3 điểm yếu: Xét nghiệm, cách ly và điều trị. "Chúng ta đang được đặt trong tình trạng báo động rất cao, đề nghị các địa phương cùng với Bộ Y tế phải bảo vệ thành trì cuối cùng là các BV, bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân, đặc biệt là các khoa điều trị bệnh nhân mạn tính, hồi sức cấp cứu…” – Bộ trưởng nói.

Nếu không làm nghiêm lúc này, thì sẽ không còn lúc nào khác. Bài học vỡ trận y tế và phòng chống dịch ở Ấn Độ cũng như nhiều quốc gia tiên tiến khác vẫn còn nguyên giá trị...

Tại Công điện số 615/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Công văn số 3775/BYT-KCB ngày 6/5/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất, sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống có ca bệnh xâm nhập vào BV. Đối với các địa phương có ca bệnh trong cộng đồng: Xét nghiệm chủ động toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc người bệnh dài ngày.
Các đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội phải rà soát ngay toàn bộ bệnh nhân nặng điều trị nội trú tại BV, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị nội trú theo quy định. Xây dựng kế hoạch bảo vệ những bệnh nhân cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ngoài ra, tại các BV phải bố trí đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn cho tất cả nhân viên y tế, nhất là khi thực hiện khám, điều trị trực tiếp người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần