Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Báo động gia tăng bạo lực gia đình

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), bạo lực gia đình vẫn đang diễn biến phức tạp và có mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Sáng 12/12, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật PCBLGĐ nhằm đánh giá lại hiệu quả của Luật sau khi được thực thi.

Thống kê đánh giá không thực chất

Tổng hợp số liệu từ các địa phương trong 10 năm qua tình hình BLGĐ có xu hướng giảm về số vụ, năm sau thấp hơn năm trước nhưng lại đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện: “BLGĐ hiện đang là điểm nóng trong nghị sự của mỗi quốc gia. Các quốc gia trên thế giới kể cả các nước phát triển lẫn đang phát triển cũng đang phải đấu tranh nhằm phòng, chống BLGĐ. Các nghiên cứu về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% số phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ”.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Qua các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ nhưng chưa có số liệu phản ánh thực trạng BLGĐ. Đây là khoảng trống trong công tác quản lý hiện nay đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu trong thời gian tới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu chỉ có 13.000 vụ BLDGĐ như con số thống kê này thì mỗi năm một xã phường chỉ có 1 vụ BLGĐ. Đây là bức tranh khả quan nhưng thực chất có phải như vậy? Không đánh giá được thực trạng thì làm sao có giải pháp đúng. Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Mặc dù Luật đã quy định rất rõ trách nhiệm PCBLGĐ là của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, cơ chế phối hợp đã có nhưng chưa bao giờ các cơ quan có liên quan cùng phối hợp với nhau để làm việc mang chất dài hơi ngoài một vài sự kiện”.

Sửa đổi Luật

Mô hình PCBLGĐ được thí điểm giai đoạn 2008 - 2010 tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/TP trực thuộc T.Ư. Kết quả tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ BLGĐ giảm 77,8% so với trước khi triển khai mô hình; Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo nhận rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Thống kê tại 61/63 tỉnh, TP có khoảng 74,85% xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình PCBLGĐ. Các mô hình hiện nay đang đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCBLGĐ cũng như thực hiện can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng.

Vấn đề BLGĐ không mới nhưng lần đầu tiên những hành vi từ trước đến nay coi là thói quen sinh hoạt, là riêng tư, đạo đức được luật hóa. Nghĩa là đưa những hành vi ấy vào quy định, là hành vi vi phạm pháp luật. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, các cơ quan phải sớm có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, đánh giá chính xác thực trạng, từ đó đưa ra giải pháp, lộ trình phù hợp cho công tác triển khai, thi hành Luật PCBLGĐ.

Hội nghị cũng cho thấy Luật chưa quy định rõ một số khái niệm và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống BLGĐ, các chính sách đầu tư nguồn lực từ Nhà nước và huy động xã hội hóa cũng chưa rõ, điều này dẫn đến vướng mắc trong quá trình hướng dẫn, triển khai. Việc xử phạt vi phạm hành chính mặc dù đã được thực thi song chưa tương xứng với số vụ BLGĐ do tính đặc thù của đối tượng bị xử phạt. Hình thức xử phạt hành chính hiện nay chưa thực sự bảo đảm tính răn đe, giáo dục và đôi khi là rào cản cho việc phát hiện, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân và xử lý người gây BLGĐ.

Nhiều đề xuất đã được đưa ra như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chuyên đề hoặc các địa bàn là điểm nóng của BLGĐ được Nhân dân, xã hội quan tâm; sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe. PCBLGĐ là nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ và phát huy hiệu quả quyền con người, Bộ VHTT&DL cần tiếp tục bổ sung, củng cố, hoàn thiện dự thảo Đề án “Sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ”, để có thể trình Chính phủ vào đúng hạn là năm 2022.