Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đồng bào Ca Dong ở Quảng Ngãi an cư trong những ngôi nhà mới

Kinhtedothi - Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát đã hiện thực hóa ước mơ về những ngôi nhà kiên cố để an cư, lạc nghiệp của hàng trăm hộ gia đình người đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi).

Sau hơn 30 ngày thi công, ngôi nhà mới khang trang, vững chãi đã được bàn giao cho gia đình bà Đinh Thị Bút (thôn Tang Tong, xã Sơn Liên). Đây là ngôi nhà do ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây vận động các thầy, cô giáo đóng góp 60 triệu đồng; thêm vào đó là sự giúp sức của bà con, hàng xóm cùng chung tay giúp gia đình bà Bút xóa nhà ở dột nát, tạm bợ trước đây.

Ngôi nhà mới khang trang đã hoàn thành và được bàn giao cho gia đình bà Đinh Thị Bút.

“Cảm ơn Nhà nước, lãnh đạo các cấp, các thầy cô giáo, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân đã giúp đỡ để gia đình tôi có ngôi nhà mới kiên cố, an tâm làm ăn phát triển kinh tế”- bà Bút bày tỏ.

Những ngày này, gia đình ông Đinh Văn Hơi, người Ca Dong ở xã Sơn Tinh (huyện Sơn Tây) cũng rất vui mừng vì vừa kịp hoàn thành căn nhà sàn mới do Nhà nước hỗ trợ.

Hai vợ chồng ông thuộc diện khó khăn, sống trong căn nhà sàn đã xuống cấp, mưa dột, gió lùa. Ngoài số tiền 60 triệu đồng được hỗ trợ, ông Hơi còn được chính quyền xã mời đến chọn mẫu nhà sàn, đồng thời huy động nhân công từ kiểm lâm, dân quân xã, đoàn thanh niên phối hợp cùng con cháu trong gia đình chung tay làm nhà.

Ngôi nhà mới của gia đình ông Đinh Văn Hơi.

“Nếu Nhà nước không hỗ trợ thì tôi không có được ngôi nhà như thế này đâu, chỉ biết mơ ước thôi”- ông Hơi bày tỏ.

Sơn Tinh là xã nghèo với đặc thù phần lớn dân số người đồng bào Ca Dong. Theo thống kê, toàn xã có trên 70 nhà thuộc diện hỗ trợ, trong đó 53 nhà xây mới. Rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đây, lãnh đạo UBND xã Sơn Tinh chủ động ngăn chặn việc đồng bào chặt phá cây rừng làm nhà nên đã họp bàn, thống nhất mô hình nhà sàn xây bằng sắt thép, trụ bê tông lợp ngói. Các bức vách thì sử dụng tre, nứa và tận dụng lại gỗ của căn nhà cũ.

Người dân tích cực góp sức để chung tay xóa nhà tạm, dột nát.

Thực hiện chương trình xóa nhà tạm, dột nát, huyện Sơn Tây có 617 nhà cần được xây mới và sửa chữa với tổng nhu cầu kinh phí gần 34 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương phân bổ hơn 14 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 2 tỷ đồng, còn lại là từ ngân sách huyện và vận động từ các nhà tài trợ trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, địa bàn huyện Sơn Tây có địa hình phức tạp nên việc vận chuyển vật tư để xây dựng nhà ở khó khăn, chi phí vận chuyển cao, gây nhiều trở ngại cho chương trình. 

Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát các xã đã xây dựng kế hoạch, xác định rõ tiến độ thực hiện theo từng mốc thời gian; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở đúng kế hoạch.

“Một số xã có cách làm rất sáng tạo. Khi nguồn kinh phí chưa được phân bổ về, để đảm bảo cho người dân có nơi ở tốt hơn, xã linh động sử dụng các nguồn kinh phí của địa phương cho ứng trước và xây dựng. Đến nay, 100% nhà đã hoàn thành. Khi xây dựng chương trình này, rút kinh nghiệm từ các chương trình trước đây, chính quyền cũng có biện pháp hạn chế tối đa việc người dân phá rừng lấy gỗ làm nhà. Qua theo dõi, kiểm tra, gần như không có hộ dân vào rừng phá rừng lấy gỗ làm nhà”- ông Giang nói.

Sơn Tây là huyện miền núi thứ 2 của tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đến thời điểm này, Sơn Tây là huyện miền núi thứ 2 của tỉnh Quảng Ngãi (sau huyện Ba Tơ) về đích chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để sớm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã, nhất là các địa phương có tỷ lệ thực hiện còn thấp như: Trà Bồng, Bình Sơn, Lý Sơn tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ưu tiên tổ chức triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công, có giải pháp hiệu quả huy động, vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ dân tiết kiệm chi phí nhân công xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Được biết, toàn tỉnh có 6.604 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Trong đó, có 4.344 nhà cần xây mới, 2.260 nhà cần sửa chữa. Tổng kinh phí thực hiện 328,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 270 tỷ đồng, kinh phí cần huy động gần 58,3 tỷ đồng.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Báo chí hỗ trợ và thúc đẩy công tác an sinh xã hội cho người dân

Báo chí hỗ trợ và thúc đẩy công tác an sinh xã hội cho người dân

12 May, 03:13 PM

Kinhtedothi – Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của báo chí trong công tác an sinh xã hội càng trở nên quan trọng. Báo chí cần phát huy vai trò định hướng dư luận, phản biện xã hội và lan tỏa những tấm gương tốt; đồng thời giữ vững bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp để thực hiện tốt sứ mệnh của mình.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ