Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở nhiều nơi một phần là do các BV sợ mắc lỗi nên lúng túng, chậm trễ đấu thầu, ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế…
Thiếu thuốc, vật tư y tế… thiệt thòi người bệnh
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo gia hạn cho 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm: 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6/2022… Cùng với đó là thuốc điều trị thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt, giảm đau... Đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn hơn một nửa trong số gần 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn cho đến cuối năm nay.
Mặc dù nhiều loại thuốc đã được gia hạn nhưng không ít BV vẫn lo ngại về vấn đề không có đủ thuốc để phục vụ công tác điều trị trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, việc cung ứng thuốc phục vụ công tác KCB chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề đăng ký lưu hành, đấu thầu, mua sắm thuốc có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối mặt hàng này.
Thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang xảy ra ở nhiều BV trong thời gian gần đây. Đơn cử như ở BV Đa khoa Đông Anh, nhiều bác sĩ tỏ ra e ngại khi thiếu một số hóa chất cơ bản về miễn dịch, hoặc sinh phẩm xác định xem người bệnh có nhồi máu cơ tim. Nếu không phải trường hợp cấp cứu, trong thời gian chờ hóa chất, bệnh viện này phải gửi mẫu đến đơn vị xét nghiệm khác. Ngoài ra, khi nhân viên y tế đề nghị người nhà mua vật tư không có trong danh mục được bảo hiểm chi trả, để kịp thời điều trị bệnh nhân, sẽ khiến họ hiểu nhầm và nghi ngờ y, bác sĩ tiêu cực. Từ đó tác động xấu đến tâm lý đội ngũ điều trị.
Thiếu vật tư y tế còn khiến người bệnh mất cơ hội hưởng dịch vụ tiên tiến. “Việc thiếu vật tư y tế, nhất là các thứ thiết yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị người bệnh. Đặc biệt là trong lĩnh vực cấp cứu, phẫu thuật, thủ thuật” - một bác sĩ giấu tên cho biết.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Trần Văn Phúc – BV Đa khoa Xanh Pôn chia sẻ, là bác sĩ, tôi hiểu, suốt một năm qua có nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư.
“Chứng kiến một bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường biến chứng kèm chấn thương phần mềm do tai nạn, phải chuyển 3 BV điều trị nhiều tháng vì thiếu thuốc, tôi nói với bệnh nhân hãy trình bày với bác sĩ nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài. May mắn, việc thêm vài triệu tiền thuốc mỗi ngày với gia đình này không phải vấn đề lớn. Nhờ có đơn thuốc ngoài, chỉ một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện” - bác sĩ Phúc cho hay.
Theo bác sĩ, thực tế hiện nay, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. “Hiện nay, hình thức đấu thầu tập trung đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. Đây chính là nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, thiếu hoá chất và vật tư tiêu hao, thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hỏng chỉ đắp chiếu chứ không thể sửa chữa.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các BV sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo. Vậy nên, cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch” – bác sĩ Phúc phân tích.
Gỡ “điểm nghẽn” trong cung ứng thuốc điều trị
Trong Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu (ĐB) Nguyễn Công Long - Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế khiến nhiều người có trách nhiệm trong hệ thống y tế không dám thực hiện việc đấu thầu mua sắm. Sai phạm do nhiều quy định của pháp luật chưa rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Do vậy, việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này cần giải quyết những vấn đề bất cập lâu nay trong hệ thống y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý như mô hình quản lý kiêm nhiệm chuyên môn và quản lý điều hành.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, ĐB Quốc hội Đoàn Bình Định đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể, sớm hoàn thiện dự thảo Luật KCB sửa đổi trong kỳ này và thông qua ở kỳ tiếp theo. Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định, các bộ sớm ban hành thông tư để tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế.
Trước tình trạng không ít BV công trên cả nước thiếu thuốc, thiết bị y tế, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí - ĐB Quốc hội Đoàn Hà Nội cho biết, 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ ĐB thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật như bây giờ. Đây là điều đáng quan ngại vì hậu quả chủ yếu tác động đến người bệnh, Nhân dân, ảnh hưởng đến chất lượng KCB, gây tốn kém cho người bệnh. Vì họ phải mua vật tư, thuốc đó ở ngoài và cũng không quản lý được chất lượng, rất nguy hiểm.
Do đó, ĐB đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có những giải pháp để khắc phục ngay như: Các cơ quan quản lý từ cấp Bộ đến Chính phủ phải nhanh chóng bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh các vấn đề dựa trên cơ sở của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 43 của Quốc hội. Chúng ta cần tháo gỡ ngay các khúc mắc, tạo sự yên tâm cho các cán bộ quản lý của ngành y tế triển khai các việc để có thuốc phục vụ cho người bệnh, để có hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm.
Bên cạnh đó, chúng ta phải rà soát lại tất cả hệ thống, văn bản pháp luật đã có để kịp thời bổ sung quy định để người làm công tác quản lý trong ngành y yên tâm làm việc. Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải là cả một quá trình, vì rất nhiều vấn đề liên quan về Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm, Luật Đấu thầu mua sắm, Luật về giá, Luật Y học dự phòng… cần phải sửa chữa lại.
Dù nói gì đi chăng nữa, các BV không thể, không nên vì khó khăn mà khiến việc mua sắm bị ách tắc, làm thiếu thuốc, vật tư, phương tiện, làm công tác chăm sóc sức khỏe không đạt chất lượng. Nếu để việc thiếu thốn này làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân thì đó là điều không cho phép.
GS.AHLĐ Nguyễn Anh Trí
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, các BV công lập, có cơ chế chính sách để họ chủ động, tự tin trong mua sắm vật tư, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào đâu là thấy tiêu cực ở đó.
ĐB Quốc hội Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai