"Bão giá” vật liệu: Nỗi ám ảnh của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 đang cận kề, nhưng nỗi ám ảnh về “bão giá” vật liệu vẫn đang là “ngọn núi cao” chờ sẵn phía trước.

"Báo giá" vật liệu xây dựng đang là "núi cao" chờ sẵn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
"Báo giá" vật liệu xây dựng đang là "núi cao" chờ sẵn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Bộ GTVT vừa đưa ra mốc tiến độ triển khai 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 - 2025) với mục tiêu phấn đấu khởi công trước ngày 31/12/2022, tức là chỉ còn hơn 2 tháng nữa cho mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành.

“Bóng ma” giá vật liệu

Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất đối với các dự án xây dựng hạ tầng giao thông trong thời gian qua chính là giá vật liệu. Riêng đối với “siêu dự án” cao tốc Bắc – Nam phía Đông, “bão giá” vật liệu đã càn quét từ lúc giai đoạn 1 của dự án đang triển khai và vẫn đang nhức nhối cho đến tận bây giờ.

Điển hình nhất, vào ngày 14/7/2022, hơn 20 nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã đồng loạt kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, các bộ liên quan tháo gỡ khó khăn để dự án không bị vỡ tiến độ.

Trong đơn “kêu cứu” gửi đi, đại diện các nhà thầu cho biết, chính "bão giá" của những loại vật liệu chính đã và đang khiến họ đối mặt nguy cơ phá sản. Khó khăn lớn nhất mà các nhà thầu gặp phải là tình trạng nhiều loại vật liệu chính như: thép, đất đắp, đá, cát, bê tông nhựa, xi măng… tăng giá đột biến ngay sau khi dự án khởi công và tiếp tục leo thang. Theo tính toán, giá đất đắp tăng khoảng 30 - 50% (có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng 15 - 40% (có gói thầu tăng 187%), nhựa đường tăng 35 - 50%, đá đổ bê tông nhựa tăng 20 - 55%, đá dăm loại 1 tăng 30 - 45% (có gói thầu tăng 129%), dầu diesel tăng 138 - 163%, thép tăng 40 - 50% (có thời điểm tăng 70%), xi măng tăng 20 - 35%... 

Do giá vật liệu tăng phi mã đã khiến đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn thành không đủ để mua vật tư, vật liệu khi bên bán vật liệu đều yêu cầu thanh toán 100% trước khi nhận hàng.

Nhiều nhà thầu đang rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng dòng tiền, suy kiệt về tài chính và đang trên bờ vực phá sản, tiền thanh toán từ chủ đầu tư không đủ trang trải chi phí thi công vì đã chạm ngưỡng hạn mức vay ngân hàng để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Dù không muốn nhưng nhiều nhà thầu đã phải lựa chọn “hạ sách” là thi công cầm chừng.

Mới đây nhất, nhiều nhà thầu của cao tốc Mai Sơn – QL45 (dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1) đã bị Ban QLDA Thăng Long ra văn bản cảnh cáo vi phạm tiến độ. Tuy nhiên, điều đáng nói, sau văn bản ấy, vẫn có những nhà thầu tiếp tục chây ì, phớt lờ chỉ đạo, không chuyển biến về tiến độ thực hiện các hạng mục được giao.

Đơn cử như Tập đoàn Cường Thịnh Thi bị phê bình, khiển trách nhưng đến nay, nhà thầu này vẫn để tái diễn tình trạng chậm trễ trong thi công. Nhiều nhà thầu khác như: công ty CP Tân Thành, Tổng công ty ĐTXD Hoàng Long, Tổng công ty CP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung, Vinaconex... cũng đều bị Ban QLDA Thăng Long phê bình vì vi phạm tiến độ. Thậm chí, có nhà thầu vi phạm tiến độ đến lần thứ hai. Song, sau đó, tiến độ trên công trường vẫn không có nhiều chuyển biến.  

Chuyên gia đề nghị cần có cơ chế giá đặc thù cho vật liệu làm cao tốc.
Chuyên gia đề nghị cần có cơ chế giá đặc thù cho vật liệu làm cao tốc.

Cần cơ chế giá đặc thù cho vật liệu làm cao tốc

Trước tình trạng “bão giá” vật liệu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có bộ chỉ số giá riêng cho vật liệu làm đường cao tốc cũng như cơ chế đặc thù để bù giá. Đây là điều rất quan trọng để các nhà thầu có thể yên tâm làm việc, đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường.

Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà thầu chuẩn bị tham gia vào giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, bộ chỉ số giá riêng cho vật liệu làm đường cao tốc và cơ chế đặc thù để bù giá chính là “thuốc tăng lực” cho các nhà thầu làm cao tốc trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

Theo PGS.TS Trần Chủng, tình trạng nhiều địa phương chậm công bố giá và chỉ số giá vật liệu đang diễn ra rất phổ biến. Điều này đã và đang gây ra khó khăn lớn cho các nhà thầu làm cao tốc trong bối cảnh giá vật liệu liên tục biến thiên theo chiều hướng đi lên trong thời gian qua.

Ông Trần Chủng nhấn mạnh, các dự án đường cao tốc luôn đòi hỏi chất lượng vật liệu cao hơn những dự án đường khác nên sẽ cần phải có chỉ số giá riêng cũng như cơ chế bù giá cho nhà thầu trong trường hợp giá vật liệu tăng bất thường. Điều này sẽ đảm bảo được lợi ích của nhà thầu, giúp họ yên tâm làm việc và dự án đảm bảo được tiến độ, chất lượng đề ra.

“Thông qua cơ chế đặc thù để điều chỉnh giá, kể cả hợp đồng không được điều chỉnh cũng sẽ được điều chỉnh những loại vật liệu đặc biệt liên quan đến quá trình xây dựng” – PGS.TS Trần Chủng nói.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng vật liệu để tránh tình trạng DN “tát nước theo mưa”, tăng giá quá cao để trục lợi.

“Cần tổ chức kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để kiểm soát được giá các mặt hàng vật liệu, đồng thời, có biện pháp xử lý, chế tài xử phạt đối với những DN cố tình “tát nước theo mưa”, tăng giá quá cao để trục lợi” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Ông Ngô Trí Long cho biết thêm, ngoài kiểm soát giá cả những mặt hàng vật liệu cũng cần có cơ chế tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh vật liệu, nếu DN nào cố tình tăng giá quá cao, không chịu hạ giá vật liệu sẽ bị mất thị phần.

 

Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo các Ban QLDA làm việc trực tiếp với nhà thầu để thu thập đầy đủ thông tin biến động giá các loại vật liệu xây dựng của từng dự án thành phần, từng gói thầu... làm cơ sở phân tích đánh giá khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý đối với từng dự án. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng kiểm tra, đôn đốc các địa phương công bố giá, chỉ số giá hàng tháng, đầy đủ, sát với biến động thị trường để có cơ sở phê duyệt bù giá, giải quyết khó khăn tài chính cho nhà thầu, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần