Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Bao giờ cho Trung Quốc giàu?"

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặt ra câu hỏi trên, Reuters ngày 18/7 dẫn ý kiến nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều, làm nổi bật một viễn cảnh khó khăn.

Không còn là vấn đề của đại dịch

Theo Reuters, cho dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng 3-4% mỗi năm, một số nhà kinh tế vẫn dự đoán rằng với "thập kỷ mất mát" tương tự như ở Nhật Bản, thực tế có vẻ sẽ làm thất vọng, không chỉ với người Trung Quốc mà là nhiều nơi khác trên thế giới.

Các kế hoạch chính sách của Bắc Kinh lâu nay đều hướng đến việc thu hẹp khoảng cách phát triển của Trung Quốc với Mỹ. Thanh thiếu niên Trung Quốc đua nhau vào đại học để tìm được việc làm tốt trong nền kinh tế tiên tiến. Châu Phi và Mỹ Latinh được cho cũng tin tưởng vào việc Trung Quốc thúc đẩy mua hàng hóa của họ.

Desmond Lachman, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với Reuters: "Khó có khả năng nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Mỹ trong vòng 1 hoặc 2 thập kỷ tới".

Ông dự đoán tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 3%, điều này "trông sẽ giống như một cuộc suy thoái kinh tế", khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc hiện đã ở mức trên 20%. "Điều này cũng không tốt cho phần còn lại của nền kinh tế thế giới" - Lachman nói thêm.

Khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu trì trệ vào những năm 1990, nước này đã vượt qua GDP bình quân đầu người của các nền kinh tế có thu nhập cao và tiệm cận với mức của Mỹ lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn chỉ ở mức thu nhập trung bình.

Quý II vừa qua, Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng là 6,3%. Nhiều dữ liệu khác cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau giai đoạn phục hồi nhanh chóng hậu Covid-19. Xuất khẩu giảm ở mức mạnh nhất trong 3 năm qua do nhu cầu trong và ngoài nước giảm, thị trường bất động sản liên tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư.

Dữ liệu từ tháng 4 đến tháng 6 cho thấy mức tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc sẽ đạt khoảng 5%, với tốc độ chậm hơn sau đó. Trong khi đó, tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc trong thập kỷ qua là khoảng 7%, và hơn 10% nếu xét riêng trong những năm 2000.

Giới phân tích dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, gia tăng rủi ro lạm phát, khiến niềm tin của khu vực tư nhân giảm sút. Bên cạnh đó, lực lượng lao động và cơ sở người tiêu dùng của Trung Quốc đang thu hẹp, trong khi nhóm người về hưu mở rộng.

Nhìn chung, các nhà kinh tế hiện không còn cho rằng tiêu dùng hộ gia đình yếu và đầu tư của khu vực tư nhân ở Trung Quốc là hệ quả tạm thời của đại dịch. 

"Vấn đề nhân khẩu học, khó khăn của lĩnh vực bất động sản, gánh nặng nợ của chính quyền địa phương, sự bi quan của khu vực tư nhân cũng như căng thẳng Trung - Mỹ không cho phép chúng tôi giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng trung và thời hạn của Trung Quốc" - Wang Jun, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Huatai Asset Management, nêu quan điểm.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã không trả lời các câu hỏi của Reuters về phát triển triển vọng tăng trưởng, điểm yếu của cơ cấu và kế hoạch cải cách. Người đứng đầu NDRC Trịnh Sách Khiết, trong một bài xã luận ra ngày 4/7 trên tạp chí hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc Qiushi, đã nói rằng đất nước cần "đẩy nhanh việc xây dựng một hệ thống công nghiệp hiện đại" để tránh bẫy thu nhập trung bình.

Điều ông Trịnh đề cập cũng là cuộc đấu tranh của mọi quốc gia đang phát triển để chuyển đổi từ mức thu nhập trung bình sang mức thu nhập cao, do chi phí gia tăng và khả năng cạnh tranh giảm.

Các nhà kinh tế cho rằng sự bùng nổ xe điện của Trung Quốc là một bằng chứng của sự tiến bộ, nhưng phần lớn khu liên hợp công nghiệp của nước này không được nâng cấp với tốc độ tương tự. Doanh số bán ô tô ở nước ngoài chỉ chiếm 1,7% xuất khẩu.

"Người nhà quan sát sẽ xem xét một số công ty và nói: Ồ, Trung Quốc có thể tạo ra tất cả những sản phẩm tuyệt vời này, vì vậy tương lai sẽ sáng sủa. Nhưng câu hỏi mấu chốt là: Trung Quốc có bao nhiêu công ty như vậy?" - Richard Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura, lý giải.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết họ xem mức tiêu dùng hộ gia đình là cốt lõi của tăng trưởng, nhưng không gợi ý về các bước cụ thể để thúc đẩy nó.

Juan Orts, nhà kinh tế Trung Quốc tại Fathom Consulting, nói rằng ông sẽ không ủng hộ đường hướng đó nếu kế hoạch hướng đến nhu cầu tiêu dùng chỉ đơn thuần là chuyển các nguồn lực khỏi việc hỗ trợ các nhà sản xuất. Tuy nhiên, Trung Quốc trên thực tế đã thực hiện mục tiêu trên theo cách khác.

Chủ trương "Thịnh vượng chung" của Chủ tịch Tập Cận Bình chống lại sự bất bình đẳng trong xã hội đã khuyến khích việc giảm lương trong ngành tài chính và một số lĩnh vực khác, dẫn đến cắt giảm lương công chức, tạo ra một vòng xoáy giảm phát.

Reuters dẫn lời Zhao - quản lý tại một ngân hàng ở Bắc Kinh - chia sẻ rằng lương của cô không thay đổi qua nhiều lần thăng chức. Thay vì làm việc chăm chỉ, cô dự định nghỉ hưu sớm ở tuổi 40 để về khởi nghiệp tại một TP nhỏ hơn, chi phí rẻ hơn. "Tôi đã bỏ lỡ kỷ nguyên vàng của các ngân hàng" - Zhao nói.

Một công nhân quét đường trước một trung tâm thương mại ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 7/2023. Ảnh: REUTERS
Một công nhân quét đường trước một trung tâm thương mại ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 7/2023. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc vẫn còn cơ hội?

Nhiều nhà kinh tế cũng đã kêu gọi Trung Quốc chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn, lương hưu và hỗ trợ cấp thất nghiệp cao hơn, bên cạnh các yếu tố xây dựng khác cho mạng lưới an sinh xã hội để giúp người tiêu dùng tự tin tiết kiệm ít hơn.

Cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc Cai Fang trong tháng này đã kêu gọi kích thích tiêu dùng, bao gồm cả những thay đổi đối với giấy phép cư trú của Trung Quốc - vốn từ chối các dịch vụ công cho hàng triệu người di chuyển cư trú từ nông thôn đến các TP nơi họ đang làm việc.

Zhu Ning, Phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải, cho biết, việc cải thiện phúc lợi xã hội có thể khiến tốc độ tăng trưởng 3-4% trở nên bền vững hơn.

Richard Koo của Nomura đánh giá, Trung Quốc đang đối mặt với thực trạng là người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả nợ thay vì đi vay và đầu tư. Ông gọi đây là "cách mà suy thoái bắt đầu" và cách sửa chữa duy nhất là kích thích tài chính "nhanh chóng, đáng kể và bền bỉ".

Ngoài ra, ông cho biết các biện pháp kích thích hiệu quả và được bổ sung bằng những thay đổi cho phép khu vực tư nhân "thoát khỏi cái bóng của nhà nước", bao gồm cả thông qua quan hệ tốt hơn so với các quốc gia có nguồn đầu tư nước ngoài.

Và Trung Quốc được cho sẽ cần phải đảo ngược hướng đi hiện nay. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều khoản nợ hơn là tăng trưởng.

Khi các nền kinh tế cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn đang chìm trong các cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, mới nhất là về kim loại được sử dụng trong chất bán dẫn.

"Mỗi khi Mỹ công bố một số chính sách chống Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc lại đưa ra một chính sách tương đương. Nhưng người Mỹ không ở trong cuộc đấu tranh thoát thu nhập trung bình, còn người Trung Quốc thì có" - Koo nói.