Made for Germany - "cứu cánh" mới cho đầu tàu kinh tế châu Âu?
Kinhtedothi - Một loạt doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước Đức cam kết đầu tư tổng cộng 631 tỷ Euro (khoảng 733 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng đầu châu Âu trong ba năm tới.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã bắt tay cùng các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của nước này, cam kết thực hiện những khoản đầu tư lớn nhằm đưa nền kinh tế Đức thoát khỏi suy thoái.
Hơn 630 tỷ euro cam kết đầu tư từ khối doanh nghiệp
Sáng kiến mang tên “Made for Germany” (Dành riêng cho nước Đức), gợi nhắc đến biểu tượng nổi tiếng “Made in Germany”, được phát động bởi 61 tập đoàn trong và ngoài nước, bao gồm Airbus, BASF, BMW, Deutsche Börse, Mercedes-Benz, Rheinmetall, SAP, Volkswagen, cùng các tập đoàn Mỹ như Nvidia, Blackrock và Blackstone. Theo tỷ trọng Kinh tế, cộng đồng này đại diện cho khoảng 35% nền kinh tế Đức.

Các công ty Đức cam kết đầu tư lớn vào nhà máy, nghiên cứu và phát triển. Ảnh: DW
Các doanh nghiệp nói trên cam kết đầu tư tổng cộng 631 tỷ euro (khoảng 733 tỷ USD) vào Đức trong 3 năm tới. Khoản đầu tư sẽ tập trung vào xây dựng và nâng cấp các nhà máy, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.
"Chúng tôi muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố khả năng cạnh tranh của nước Đức, và bảo vệ hoặc mở rộng vị thế dẫn đầu về công nghệ," CEO Siemens Roland Busch, một trong những thành viên khởi xướng sáng kiến khẳng định.
Christian Sewing, Giám đốc điều hành Deutsche Bank và đồng khởi xướng, cho biết ông kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia sáng kiến này.
"Nước Đức đã trở lại. Đầu tư vào Đức giờ đây là điều đáng làm," Thủ tướng Friedrich Merz từ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) khẳng định. "Đây là một trong những sáng kiến đầu tư lớn nhất từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Đức không phải là một quốc gia của quá khứ, mà là của hiện tại và đặc biệt là tương lai."
Tâm lý lạc quan mới giữa bối cảnh kinh tế trì trệ
Thực tế là nền kinh tế Đức vẫn đang trong tình trạng trì trệ, với năm thứ ba liên tiếp không có tăng trưởng. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Đức ghi nhận tỷ lệ đầu tư thấp nhất trong số 38 quốc gia thành viên vào năm 2024.
Nguyên nhân đến từ loạt cú sốc như đại dịch Covid-19, chiến sự ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng và lạm phát, cùng với sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Tất cả đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Đức vốn phụ thuộc xuất khẩu.
Tuy nhiên, chính phủ liên minh mới gồm CDU/CSU và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã có những bước đi mang tính cải tiến kể từ khi nhậm chức hồi tháng 5. Quốc hội Đức và Thượng viện đã phê duyệt kế hoạch vay 500 tỷ Euro để thành lập một quỹ đặc biệt đầu tư vào hạ tầng và chuyển đổi năng lượng. Kế hoạch bao gồm cải tạo hệ thống giao thông, mở rộng mạng lưới năng lượng, số hóa và nghiên cứu.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ giảm giá năng lượng cho các ngành công nghiệp, thực hiện các biện pháp giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp, bao gồm miễn trừ một phần thuế cho đầu tư vào nhà máy, máy móc, trang thiết bị và R&D. Trong trung hạn, thuế doanh nghiệp dự kiến cũng sẽ được giảm.
Mối quan hệ mới
Với kinh nghiệm từng là Chủ tịch Hội đồng Giám sát của tập đoàn tài chính Mỹ BlackRock, Thủ tướng Friedrich Merz mang theo một cách tiếp cận thân thiện với giới doanh nghiệp.
"Chúng ta sẽ bắt đầu hình thức hợp tác mới," CEO Siemens Roland Busch cho biết hôm 16/7 sau cuộc họp với chính phủ. "Chính phủ và doanh nghiệp hiện đang đồng hành."
CEO Deutsche Bank Christian Sewing cũng cho rằng, nền kinh tế Đức đang chứng kiến một chính phủ hành động nhanh chóng với tăng trưởng và năng lực cạnh tranh đang được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, để các cam kết đầu tư thực sự được giải ngân, giới doanh nghiệp nhấn mạnh chính phủ cần nới lỏng quy định hành chính và tạo điều kiện linh hoạt hơn cho doanh nghiệp hoạt động.
Một số điểm cần cải cách là bộ máy hành chính cồng kềnh và mức đóng góp an sinh xã hội cao, góp phần đẩy cao chi phí lao động. Tại Đức, người lao động và người sử dụng lao động phải cùng đóng góp cho bảo hiểm y tế, thất nghiệp và lương hưu. Do chi phí y tế tăng, mức đóng bảo hiểm y tế đã tăng trên toàn quốc từ đầu năm, và bảo hiểm chăm sóc dài hạn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng vào năm 2026.
Áp lực từ hệ thống an sinh xã hội
Hiện nay, 42% GDP của Đức được chi cho các dịch vụ xã hội, trong đó lương hưu là gánh nặng lớn nhất. Đức đang trong quá trình già hóa nhanh chóng; thế hệ bùng nổ dân số sẽ nghỉ hưu trong những năm tới, trong khi tuổi thọ lại ngày càng tăng. Chính phủ vì thế phải chi ngày càng nhiều ngân sách để bù đắp cho quỹ hưu trí.
OECD nhận định cải cách hệ thống an sinh xã hội là thách thức lớn nhất mà nước Đức đang đối mặt. Nếu không thay đổi, chính phủ sẽ phải tiếp tục vay nợ để duy trì hệ thống này. Nắm được tinh thần đó, Thủ tướng Merz đã tuyên bố rằng cải cách an sinh xã hội sẽ là ưu tiên tiếp theo trong chương trình nghị sự của liên minh cầm quyền, với những đề xuất ban đầu dự kiến sẽ được công bố trong vài tháng tới.

Đức tăng viện trợ Ukraine, Nga cứng rắn chấm dứt hợp tác quốc phòng
Kinhtedothi - Động thái này phản ánh sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia từng là đối tác chiến lược.

Kỹ thuật cải tạo chung cư cũ của Nhật Bản, Đức và Pháp
Kinhtedothi - Cải tạo chung cư cũ là giải pháp ứng phó với xuống cấp hạ tầng, đồng thời nâng cấp tiêu chuẩn sống và kéo dài tuổi thọ công trình. Nhiều quốc gia phát triển đã lựa chọn tiếp cận bài toán này theo hướng kỹ thuật cao và quy hoạch đồng bộ. Nhật Bản, Đức và Pháp là ba ví dụ tiêu biểu cho cách làm bài bản, kết hợp công nghệ thi công tiên tiến, mô hình tổ chức linh hoạt và tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

Đức chịu sức ép viện trợ Ukraine khi Mỹ tạm hoãn giao vũ khí
Kinhtedothi - Một nhóm nghị sĩ Đảng Xanh kêu gọi Thủ tướng Merz nâng viện trợ quân sự cho Ukraine lên ít nhất 8,5 tỷ euro, giữa lúc Mỹ tạm hoãn chuyển giao nhiều loại vũ khí chiến lược.